Đại sứ Trung Quốc tại Pháp thách thức phương Tây về liên minh Bắc Kinh-Matxcơva ?

Đăng ngày: 27/04/2023

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã (Lu Shaye) AFP – MARTIN BUREAU

Đức Tâm

Trên đài truyền hình Pháp LCI ngày 21/04/2023, đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã (Lu Shaye) cho rằng bán đảo « Crimée ban đầu là của nước Nga » và các nước giành được độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ « không có quy chế thực thụ trong luật pháp quốc tế bởi vì không có thỏa thuận quốc tế để cụ thể hóa quy chế quốc gia có chủ quyền »

Các phát biểu của đại sứ Trung Quốc Lô Sa Dã đã làm dấy lên phản ứng bất bình mạnh mẽ của các nước châu Âu. Thậm chí, nhiều dân biểu Pháp còn kêu gọi bộ Ngoại Giao Pháp tuyên bố đại sứ Lô là « nhân vật không được hoan nghênh – persona non grata ».

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phải lên tiếng cải chính : « Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia và bảo vệ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc ». Bắc Kinh nhấn mạnh : « Trung Quốc tôn trọng quy chế quốc gia có chủ quyền của những nước cộng hòa hình thành sau sự tan rã của Liên Xô ».

Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris cũng phân bua rằng các phát biểu của ông Lô « không phải là một tuyên bố chính trị » và đó chỉ là « những quan điểm cá nhân » trong một cuộc tranh luận.

Sứ quán là đại diện, bộ mặt của một quốc gia ở nước ngoài và do vậy có mối quan hệ chặt chẽ với bộ Ngoại Giao trong nước, cơ quan chủ quản, lãnh đạo trực tiếp. Các hoạt động ngoại giao của sứ quán đòi hỏi một sự phối hợp, tham khảo, hỏi ý kiến trong nước. Sứ quán nhận chỉ thị và làm báo cáo gửi về bộ Ngoại Giao. Các tiếp xúc chính thức, trả lời  phỏng vấn truyền thông của đại sứ cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Ông Lô Sa Dã được mời lên đài truyền hình LCI với tư cách là đại sứ Trung Quốc tại Pháp, chứ không phải là một chuyên gia độc lập, có thể tự do trình bày suy nghĩ của mình.

Điều đáng chú ý là từ khi nhậm chức tại Pháp, tháng 08/2019, đại sứ Lô Sa Dã đã có không ít các phát biểu gây tranh luận và Bắc Kinh phải cải chính.

Tháng 04/2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, đại sứ Lô đã khẳng định rằng các nhân viên chăm sóc trong các cơ sở dưỡng lão của Pháp (Ehpad) đã đồng loạt từ nhiệm bỏ mặc những người cao tuổi đói khát và bệnh tật. Ngoại trưởng Pháp lúc đó đã triệu ông lên để bày tỏ thái độ không tán đồng về những phát biểu này.

Gần một năm sau, vào tháng 03/2021, đại sứ Lô lại được triệu lên bộ Ngoại Giao Pháp vì đã có những lời lẽ thóa mạ một chuyên gia Pháp. Đó là chưa kể những phát biểu của ông đại sứ gây tranh cãi, như người Duy Ngô Nhĩ không bị giam cầm, mà đó là các thực tập sinh học nghề, hay Trung Quốc quản lý Đài Loan từ năm 230 sau Công Nguyên…Rồi gần đây nhất, ông tuyên bố các nước thuộc khối Liên Xô cũ không có quy chế thực thụ trong luật pháp quốc tế.

Phải chăng đây là những phát biểu « lỡ lời » của một vị đại sứ được coi là một trong những « chiến lang » hung hăng nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc. Giới phân tích không tin vào các giải thích, phân trần của Trung Quốc. Theo báo Pháp Le Figaro, các tuyên bố này dường như phản ánh tư duy của một số phe phái chính trị trong bộ máy quyền lực ở Bắc Kinh. Chuyên gia Antoine Bondaz, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS) lưu ý : Không thể bênh vực được các phát biểu của đại sứ Lô. Nó không phản ánh lập trường chính thức công khai của chính phủ Trung Quốc, nhưng gián tiếp cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva có cùng một quan điểm chống phương Tây. Mặt khác, những tuyên bố của đại sứ Lô chỉ phục vụ cho lợi ích của Nga và càng làm gia tăng sự hoài nghi về thái độ trung lập của Trung Quốc trong hồ sơ Ukraina. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment