Đăng ngày: 06/05/2023
Trung Quốc bỏ phiếu thuận một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, có nội dung ghi nhận ‘‘Nga xâm lược Ukraina’’. Mỹ chìa tay với Bắc Kinh: Nhiều tín hiệu từ Washington hối thúc Trung Quốc nối lại đối thoại song phương. Cũng bàn tay chìa ra nhưng của Pakistan với Ấn Độ nhân dịp hội nghị các ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tổ chức tại Ấn Độ. Cơ hội mang lại hy vọng giảm căng thẳng giữa hai láng giềng kình địch, hai cường quốc nguyên tử khu vực.
Bắc Kinh đặt tên tiếng Hoa cho nhiều địa điểm thuộc bang đông bắc Ấn Độ Arunachal Pradesh, trước thềm các cuộc hội kiến giữa bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao hai nước. Giới trẻ Anh nhìn chung thờ ơ với lễ đăng quang của tân vương Charles đệ tam. Sách về sự cáo chung của ba chế độ độc tài ở châu Âu bán rất chạy tại Nga.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2023 dường như có một số dấu hiệu hướng đến giảm căng thẳng trong quan hệ quốc tế : Mỹ liên tiếp kêu gọi Trung Quốc nối lại đối thoại. Chuyến công du Ấn Độ của ngoại trưởng Pakistan, lần đầu tiên từ 8 năm nay… Tuy nhiên thông tin được một số phương tiện truyền thông nêu bật là việc Trung Quốc ‘‘lần đầu tiên’’ thừa nhận Nga xâm lược Ukraina. Tin lan truyền mạnh trên nhiều mạng xã hội. Dân mạng nói đến thái độ ‘‘quay xe’’ của Trung Quốc, Ấn Độ, hay Việt Nam (khi tố cáo xâm lược Nga). Một số người nói đến việc gió đang xoay chiều, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng, bởi nhiều người coi Bắc Kinh là đồng minh khăng khít của Matxcơva.
Trung Quốc đã \”quay xe\”, gió xoay chiều ?
Cùng với 121 quốc gia khác, Trung Quốc đã bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết A/77/L.65 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, có nội dung khẳng định Nga xâm lăng Ukraina. Nghị quyết được thông qua ngày 26/04, cùng ngày với cuộc điện thoại giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky, lần đầu tiên kể từ đầu chiến tranh.
Ngày 02/05, trên Twitter, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, ông Joseph Borrell, đã hoan nghênh kết quả bỏ phiếu, với sự ủng hộ của ‘‘các đối tác quan trọng của G20 như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Indonesia.’’ Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu ghi nhận: nghị quyết đã coi cuộc chiến chống Ukraina là ‘‘cuộc xâm lược do Liên Bang Nga tiến hành’’ (‘‘aggression by the Russian Federation’’).
Trang mạng châu Âu euronews, chuyên về thời sự quốc tế với 17 thứ tiếng, cũng nhìn nhận sự việc như một diễn biến quan trọng: ‘‘động thái nhỏ này tự nó đã thể hiện một sự phát triển đáng chú ý. Đặc biệt, Trung Quốc đã chịu áp lực mạnh mẽ từ phương Tây buộc phải công khai chỉ trích điện Kremlin vì đã phát động cuộc xâm lược’’. Trang mạng tạp chí Le Grand Continent, chuyên về chính trị quốc tế, có trụ sở tại Ecole Normal Supérieure, Paris, hoan nghênh việc ‘‘lần đầu tiên’’ tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc thừa nhận Nga xâm lược Ukraina.
Nhận định lạc quan của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, và của một số phương tiện truyền thông liệu có khớp với thực tế ? Báo chí Pháp nhìn chung lặng lẽ với thông tin được nhiều người coi là gây sốc này. Một số báo địa phương tại Pháp loan tin với sự dè dặt cao độ. Trái ngược hẳn với lời lẽ hoan nghênh của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, Le Parisien đặt câu hỏi : Liệu có thực Trung Quốc lên án ‘‘Nga xâm lược’’ tại Liên Hiệp Quốc? Báo La Dépêche, miền nam nước Pháp, có bài: ‘‘Tin thực – tin giả : Trung Quốc có thực sự lên án Nga xâm lược?’’.
Hy vọng quá gây ảo tưởng
Le Parisien một mặt ghi nhận thái độ hào hứng cao độ của nhiều dân mạng về thay đổi mà họ cho là bước ngoặt, mặt khác dẫn lời một số nhà quan sát. Chuyên gia địa chính trị Ulrich Bounat nói đến hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất đây không phải là một nghị quyết riêng về cuộc xâm lược Ukraina của Nga, mà vấn đề này chỉ là một nội dung nhỏ trong văn bản chung nhằm thúc đẩy quan hệ Liên Hiệp Quốc và Hội Đồng Toàn Châu Âu (Council of Europe). Điều thứ hai là có đến hai cuộc bỏ phiếu liên quan đến nghị quyết A/77/L.65.
Cuộc bỏ phiếu thứ nhất về việc có nên đưa nội dung liên quan đến cuộc xâm lược vào văn bản hay không. Cuộc bỏ phiếu thứ hai liên quan đến toàn văn bản. Trung Quốc đã bỏ phiếu bác việc đưa nội dung này vào nghị quyết. Nhưng nội dung vẫn được đưa vào, vì phe bác là thiểu số. Tóm lại, theo Ulrich Bounat, lập trường của Bắc Kinh đã hoàn toàn không thay đổi : Trung Quốc vẫn duy trì thái độ gọi là ‘‘trung lập’’, nhưng là trung lập thân Nga.
Chuyên gia về Trung Quốc Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (Fondation pour la recherche stratégique) cũng ghi nhận lập trường hoàn toàn không thay đổi của Trung Quốc, đồng thời nêu bật lý do khiến nhiều người bị lầm tưởng. Đó là họ nhìn nhận về thái độ của Trung Quốc ‘‘thông qua niềm hy vọng mà họ trông đợi ở Bắc Kinh’’. Hy vọng quá mức gây mất cảnh giác.
Bắc Kinh ngày càng khó đi dây hơn
Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post có lẽ là phương tiện truyền thông hiếm hoi nêu bật việc, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc thể hiện lập trường này. South China Morning Post dẫn lại phát biểu của phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu, cho biết Bắc Kinh đã từng có hành động tương tự đối với một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc thúc đẩy hợp tác với các nước Trung Âu, thông qua ngày 21/11/2022 (trang tin về Trung Quốc bỏ phiếu nghị quyết hợp tác LHQ với Sáng kiến Trung Âu A/77/L.19).
Trong văn bản này, cũng có một đoạn ghi nhận Nga xâm lược Ukraina, và Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu trắng về đoạn văn này. Chuyên gia về Nga Li Lifan, Viện Hàn Lâm khoa học ở Thượng Hải, giải thích thêm là với cách hành xử đi dây này, Trung Quốc được lòng cả hai bên. Nga cũng không có phản ứng tiêu cực gì, và phía châu Âu cũng khó lòng lên án Trung Quốc.
Dù sao, nói đi cũng phải nói lại : Việc Trung Quốc lần thứ hai ghi nhận thái độ của các nước châu Âu lên án cuộc xâm lược Ukraina của Nga, và cuộc điện thoại đầu tiên giữa chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Ukraina cũng cho thấy sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế ủng hộ Ukraina, với hạt nhân là phương Tây, là châu Âu, và cuộc kháng chiến ngoan cường của người Ukraina, có thể đã là một áp lực buộc Trung Quốc phải nhập cuộc. Việc Bắc Kinh bỏ phiếu thuận cho hai nghị quyết có nội dung lên án Nga ít nhiều đã là một thay đổi đáng chú ý từ phía Trung Quốc (ngay cả khi có bỏ phiếu trắng trước đó về nội dung liên quan). Hành xử đi dây như trong giai đoạn đầu chiến tranh ngày càng khó hơn. Thay đổi đã bắt đầu từ mùa thu năm ngoái.
Mỹ thúc dục Trung Quốc nối lại đối thoại
Hơn 2 tháng kể từ sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ tại Mỹ, quan hệ Washington và Bắc Kinh vẫn trong giai đoạn đóng băng. Những ngày gần đây, giới ngoại giao Mỹ liên tục bắn tín hiệu thúc đẩy Trung Quốc nối lại đối thoại. Theo truyền thông Hoa Kỳ, hôm thứ Ba 03/05 vừa qua, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Trung Quốc. Theo đại sứ Mỹ, Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh và tin rằng nhiều cuộc đối thoại hơn sẽ giúp cải thiện quan hệ. Phát biểu nói trên được đưa ra trong một hội nghị trực tuyến do Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn độc lập ở Washington tổ chức. Theo báo NBC News, đây là ‘‘dấu hiệu rõ nhất cho thấy chính quyền Biden muốn nối lại quan hệ với Trung Quốc, bất chấp căng thẳng’’.
Trước phát biểu hôm 03/05, hôm 20/04, đại sứ Mỹ có buổi gặp với ông Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân vật thứ ba của ngành ngoại giao Trung Quốc. Cuộc gặp này này đánh dấu tiếp xúc ở cấp cao nhất giữa các quan chức Trung Quốc và Mỹ kể từ sự cố ‘‘khinh khí cầu do thám’’. Cuộc họp diễn ra ‘‘theo lời mời của Hoa Kỳ’’, nhằm thảo luận về quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực, theo một tuyên bố ngắn gọn từ ban Liên lạc Đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được South China Morning Post dẫn lại.
Vào cuối tháng 3, Rick Waters, phó trợ lý ngoại trưởng, đã có chuyến thăm Trung Quốc đại lục, trở thành nhà ngoại giao cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến Trung Quốc kể từ tháng 12. Ông Waters đã gặp gỡ các quan chức từ bộ phận Bắc Mỹ và Châu Đại Dương của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, báo hiệu khả năng tan băng trong tương tác ngoại giao giữa hai quốc gia. Chuyến thăm Trung Quốc của Rick Waters từng làm dấy lên đồn đoán về khả năng khôi phục liên lạc bình thường giữa hai nước. Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao Trung Quốc dường như hạ thấp tầm mức của chuyến thăm.
Bắc Kinh đặt tên tiếng Hoa cho nhiều vùng lãnh thổ tại Ấn Độ
Đầu tháng 4/2023, Bắc Kinh công bố danh sách 11 địa điểm với tên gọi bằng tiếng Hoa ở bang đông bắc Ấn Độ Arunachal Pradesh. 11 địa điểm được đặt tên bao gồm năm đỉnh núi, hai khu vực đông dân cư hơn, hai vùng đất và hai con sông. Danh sách các địa điểm bằng tiếng Hoa, tiếng Tây Tạng, và tên phiên âm sang chữ Latinh. Các khu vực nói trên hoàn toàn nằm trong các vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát. Bản đồ mới của Trung Quốc cũng cho thấy một phần lớn bang Arunachal Pradesh được Trung Quốc xếp vào khu vực Nam Tạng (Zangnan), ở phía nam khu tự trị Tây Tạng.
Theo báo chí Ấn Độ, đây là lần thứ ba mà Trung Quốc công bố một danh sách gọi là “tên địa lý được tiêu chuẩn hóa”. Hai lần trước là vào năm 2021 và năm 2017. Bộ Ngoại Giao Ấn Độ không trả lời yêu cầu bình luận của báo chí về thông báo mới của Bắc Kinh lần này. Trước đó, vào năm 2021, chính quyền Ấn Độ đã khẳng định “Arunachal Pradesh đã và sẽ luôn là một phần không thể thiếu của Ấn Độ’’.
Giới quan sát chú ý đến việc Bắc Kinh công bố danh sách tên tiếng Hoa với một loạt địa danh ở bang miền đông bắc Ấn Độ ít tuần trước cuộc họp giữa bộ trưởng Quốc Phòng hai nước hôm 28/04, về căng thẳng biên giới. Theo AFP, sau buổi họp nói trên, bộ Quốc Phòng Ấn Độ ra thông báo khẳng định lập trường của Ấn Độ, tố cáo Trung Quốc gia tăng triển khai quân tại vùng biên giới tranh chấp, và kêu gọi xuống thang để bảo vệ hòa bình. Trong khi đó, phía Trung Quốc khẳng định tình hình là ‘‘ bình ổn’’.
Căng thẳng biên giới cũng là chủ đề thảo luận giữa ngoại trưởng hai nước bên lề hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tổ chức tại Ấn Độ. Hôm qua, ngoại trưởng Ấn Jaihankar nhấn mạnh đã khẳng định với đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương, là ‘‘quan hệ Ấn – Trung không thể bình thường, nếu không có sự yên ổn tại vùng biên giới’’.
‘‘Tổ chức Hợp tác Thượng Hải’’ khó giúp Ấn – Pakistan hạ hỏa
Hội nghị ngoại trưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải họp tại thành phố biển miền tây Goa, Ấn Độ, hôm qua, cũng là dịp gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng Ấn và Pakistan, hai quốc gia thành viên của tổ chức này. Quan hệ Ấn Độ – Pakistan giảm căng thẳng hay không với chuyến công du đầu tiên của một ngoại trưởng Pakistan đến Ấn Độ từ 8 năm nay? Giới quan sát đặc biệt chú ý đến một chi tiết: ngoại trưởng hai nước láng giềng kình địch có bắt tay nhau hay không.
Thông tín viên Côme Bastin tường trình từ Bangalore :
“Họ có bắt tay nhau hay không? Một số báo nói là hai người có bắt tay, nhưng ở bên ngoài ống kính camera. Một số khác nói rằng : cách chào kiểu chắp tay của người Ấn Độ khiến việc bắt tay là không thể. Điều này cũng có nghĩa là cuộc gặp mặt giữa hai ngoại trưởng Ấn – Pakistan được soi xét kỹ lưỡng!
Ngoại trưởng Pakistan Bhutto Zardari và đồng nhiệm Ấn Độ S. Jaishankar đã gặp nhau tại Goa. Lãnh đạo ngoại giao hai nước đã họp cùng các đối tác Trung Quốc, Nga hoặc Kazakhstan, các thành viên của tổ chức liên chính phủ Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tuy nhiên cơ hội hiếm hoi để nối lại đối thoại này đã bị bỏ lỡ.
Trong lúc một cuộc hội kiến song phương trực tiếp là bất khả, lãnh đạo ngoại giao hai nước đã công kích nhau với các tuyên bố đưa ra riêng rẽ, về vùng Cachemire và nạn khủng bố tại các vùng biên giới tranh chấp. Ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố : ‘‘Không thể đưa ra bất cứ biện minh nào cho các hoạt động khủng bố, cần phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động này’’.
Về phần mình, ngoại trưởng Pakistan Bhutto Zardari đáp trả: ‘‘Không thể sử dụng khủng bố để làm công cụ phục vụ các mục tiêu’’. Lãnh đạo ngoại giao Pakistan kêu gọi New Delhi vượt qua lập trường đơn phương, bè phái. Để kết thúc, ông Bhutto Zardari gọi đồng nhiệm Ấn Độ là ‘‘người phát ngôn của ngành công nghiệp khủng bố’’.
Giới trẻ Anh thờ ơ với lễ đăng quang vua mới
Hôm nay, thứ Bảy, 06/05 là ngày đăng quang của Quốc vương Anh Charles đệ tam. Nhìn chung, dân chúng Anh không mấy mặn mà với nghi thức lên ngôi của vị vua 74 tuổi. Giới trẻ Anh còn thờ ơ hơn nhiều. Chỉ có một phần tư thanh niên đặt hy vọng ở chế độ quân chủ. Đặc phái viên Julien Chavanne tường trình từ Luân Đôn :
‘‘Bạn có kế hoạch gì cho thứ Bảy này không? Nữ sinh viên được hỏi đáp: Ồ, tôi không biết nữa. Một nam sinh viên trả lời: ‘‘Hmmm… Tôi nghĩ tôi sẽ làm bài tập về nhà…’’. Nữ sinh viên thứ hai đáp: ‘‘Thực ra tôi cũng không chắc nữa… Tôi có thể đi chơi với bạn bè hoặc gia đình…’’. Thứ Bảy mùng 6/5 này sẽ là một ngày như bao ngày khác đối với các sinh viên này tại trường Westminster College Luân Đôn.
Anh Brooke, học năm thứ nhất ngành kinh tế cho biết sẽ có nhiều việc hay để làm, hơn là xem lễ đăng quang. Một nữ sinh viên khác khẳng định : ‘‘Chúng tôi biết chuyện đó sẽ diễn ra, nhưng không có nhiều điều để nói về việc này…’’.
Sự vỡ mộng của giới trẻ Anh và Hoàng gia không phải là điều mới, nhưng khoảng cách đã lớn hơn nhiều trong những năm gần đây. Chỉ còn 26% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi cho rằng chế độ quân chủ là điều tốt cho Vương Quốc Anh. Tỉ lệ này là gần gấp đôi vào năm 2019.
Cô Amorose cho biết sẽ theo dõi buổi lễ, nhưng tỏ ra không nhiệt tình, và cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào thay đổi khi Charles trở thành Quốc vương. Cô nói : ‘‘Không hy vọng nhiều… Charles quá truyền thống… Người ta nói ông ấy sẽ không như vậy, nhưng mọi chuyện sẽ vẫn vậy… Thật không may…’’.
Không dễ dàng gì để giới trẻ say mê một vị vua 74 tuổi, sau cái chết chấn động của công nương Diana và sự bất hòa với truyền thông của hai vợ chồng hoàng tử Harry và công nương Meghan. Vua Charles đệ tam sẽ phải tìm mọi cách để quyến rũ họ nhằm đảm bảo tương lai của hoàng gia’’.
Sách ‘‘Sự cáo chung của chế độ độc tài’’ bán rất chạy tại Nga
Nhiều người nghĩ rằng người Nga thờ ơ với chính trị trong nước, và đa số phó mặc chuyện chính trị cho chính quyền. Nhưng không hẳn. Một cuốn sách về chính trị châu Âu, không liên quan gì đến chính trị Nga đã thu hút mạnh độc giả. Ra mắt vào tháng Giêng, sách đã ba lần được tái bản. Trong lúc truyền thông Nga làm thinh, sách được thảo luận nhiều trên các mạng xã hội. Vì sao lại như vậy ?
Thông tín viên Anissa el Jabri từ Matxcơva giải thích:
‘‘Phụ đề của cuốn sách là “Ba chế độ độc tài châu Âu đã kết thúc như thế nào”. Đó là chế độ Franco ở Tây Ban Nha, Salazar ở Bồ Đào Nha và chế độ các đại tá ở Hy Lạp. Alexander Baunov, tác giả của cuốn sách, đã rời khỏi đất nước ít ngày sau khi bùng nổ cuộc chiến tranh của Nga chống Ukraina.
Trong một bài báo đăng trên tờ New York Times, được viết ở Florence, Ý, tuần trước, tác giả tuyên bố: \”Không giống như nhiều tác giả của thời Xô viết và Sa hoàng, những người bị tước mất khả năng nói trực tiếp về đất nước mình và tương lai, đã buộc phải che đậy các thảo luận về những chủ đề này bằng cách viết về các dân tộc khác và về những thời đại khác, cuốn sach này không phải là một cuốn sách về nước Nga được ngụy trang dưới vỏ bọc một cuốn sách về Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp”. Trong cuốn sách nói trên, tác giả mô tả sự trở lại của chế độ dân chủ ở ba quốc gia này.
Tuy nhiên, đối với nhà khoa học chính trị này, dường như rõ ràng không phải là một số lượng lớn người Nga đột ngột thích thú với lịch sử miền nam châu Âu, mà sở dĩ họ quan tâm đến các chủ đề bởi đây hoàn toàn là những điều cấm kỵ trong các cuộc tranh luận công khai ở Nga. Cuốn sách của ông, theo phân tích của tác giả, “là một cái cớ để có thể đề cập đến điều này”. Và ngay cả hành động mua sách, theo ông, tự thân đã là một “tuyên bố về chính trị”.