Trump-Kim 2: Số phận của những quan chức ngoại giao Bắc Hàn đào tẩu
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp gặp lại Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội. Và khi Bắc Hàn có vẻ như sắp bước ra khỏi vòng cô lập và hòa nhập với thế giới, thì một câu hỏi đặt ra là phải làm gì đối với những nhà ngoại giao cấp cao Bắc Hàn đã đào tẩu?
Quyết định đào thoát khỏi Triều Tiên có thể khiến cuộc sống của một người và gia đình người đó gặp nhiều nguy hiểm. Đối với các nhà ngoại giao Bắc Hàn, vốn từng tận hưởng một cuộc sống ưu ái và quyền lực, mối nguy hiểm của việc đào tẩu còn lớn hơn nhiều.
Những người đàn ông và phụ nữ này đóng vai trò tiền phong của hệ tư tưởng Juche ở ngoại bang.
Vai trò chính của họ là huy động nguồn tiền cho chế độ, nhưng mặc dù là những cá nhân ưu tú ở quê nhà, họ khó có thể nhận được một vị trí đặc quyền như vậy ở bất cứ nơi nào khác.
Các đại sứ và nhân viên có nhiệm vụ phải thúc đẩy quan điểm của Bình Nhưỡng trên toàn thế giới, và thường sẽ tìm kiếm các nhóm thân Triều Tiên ở các quốc gia. Họ cũng theo dõi tin tức địa phương, sàng lọc các kênh truyền hình và báo chí nào đề cập đến gia đình Kim.
Diễn biến gần đây nhất là ở Ý, khi chính phủ này bày tỏ lo ngại về số phận của cô con gái đang ở độ tuổi đi học của đại sứ Bắc Hàn tại Ý Jo Song-gil đã trốn khỏi nhà ở Rome năm ngoái.
Một nhà ngoại giao cấp cao khác cũng đào tẩu, Thae Yong-ho, đã nói với các phóng viên rằng ông tin rằng cô bé đã bị buộc phải hồi hương về Bình Nhưỡng.
Những kẻ phản bội
Hầu như không thể xác minh những cáo buộc trên nhưng nó cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, đặc biệt đối với những người đào tẩu đến từ một tầng lớp ưu tú đã được tin tưởng để đại diện quốc gia ở nước ngoài.
Uy tín của càng cao, rủi ro khi đào tẩu càng cao.
Một hành động như vậy khó có thể được chế độ Kim tha thứ.
Một số người đào tẩu từng là quan chức cấp cao nói rằng họ phát hiện gia đình họ ở Triều Tiên đã bị trừng phạt, bị tống vào tù hoặc, trong một số trường hợp, họ tin rằng người thân của họ đã bị bắn.
Họ là những đại sứ toàn cầu cho gia đình Kim, những người bảo vệ lợi ích của chế độ trong một thế giới đầy thù địch. Vì vậy, theo logic của Bình Nhưỡng, một kẻ bất đồng chính kiến làm nhà ngoại giao không thể được dung thứ.
Triều Tiên coi những nhà ngoại giao đào tẩu là những kẻ phản bội bởi vì nỗi sỉ nhục còn ê chê hơn đối với gia đình Kim.
Nhưng các cuộc đào tẩu vẫn cứ xảy ra.
Han Jin-myung là cựu bí thư thứ hai tại Việt Nam và nói với NK News rằng ông đã đào thoát sau khi không chia số tiền mà ông kiếm được từ việc buôn bán với các quan chức của Bộ. Ông nói rằng các nhà ngoại giao không được trả lương cao và ông chỉ nhận được khoảng 400 đôla (khoảng 9 triệu đồng) mỗi tháng.
Cấp trên của ông Han đã báo cáo với Bình Nhưỡng và ông cảm thấy mình gặp nguy hiểm. Ông nói rằng ông chắc chắn sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc nên nhanh chóng quyết định đào tẩu.
\’Hàn Quốc nên chào đón người Triều Tiên\’
Các nhà ngoại giao sinh sống ở nước ngoài đã có cơ hội chứng kiến các quốc gia khác sống và làm việc như thế nào. Họ đã nếm trải mùi vị của một cuộc sống khác; con cái họ có thể đã học tại các trường quốc tế.
Và chút ít mùi vị tự do này có thể khiến họ ao ước được tận hưởng thêm nhiều hơn.
Mặc cho những thông tin xoay quanh số phận của con gái cựu đại sứ Bắc Hàn tại Ý, hiện vẫn có rất ít thông tin về ông Jo Song-gil và gia đình ông.
Họ được nhìn thấy lần cuối vào cuối tháng 11 và được cho là đang xin tị nạn ở một nước thứ ba – một số người tin rằng ông đang trên đường đến Hoa Kỳ.
Nhưng những các quan chức cao cấp đã đào tẩu này cũng đưa ra một vấn đề nan giải cho Hàn Quốc, đặc biệt là vào thời điểm này, Seoul đang xây dựng một tình bạn thận trọng với Bình Nhưỡng.
Ở Hàn Quốc, những người đào tẩu như vậy thường được bảo vệ vì lý do chính đáng.
Yi Han-yong, cháu trai của anh trai cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, đã bị bắn chết bên ngoài nhà anh ta ở ngoại ô Seoul năm 1997 sau khi xuất bản một cuốn sách về chế độ Kim.
Những kẻ tấn công anh ta vẫn chưa bị bắt.
Cựu phó đại sứ tại London, Thae Yong-ho, người đã đào thoát năm 2016, nói với các phóng viên rằng ông cảm thấy chính phủ Hàn Quốc nên chủ động hơn – nhưng ông không nghĩ cựu đại sứ Bắc Hàn tại Ý Jo Song-gil nên trú ẩn ở miền Nam.
\”Hàn Quốc cần chứng tỏ rằng họ sẽ bảo vệ những người Triều Tiên,\” ông nói trong một cuộc họp báo.
\”Nhưng tình hình hiện tại cho thấy họ không làm được điều đó. Cả chính phủ Hàn Quốc lẫn công dân Hàn đều không bày tỏ ý định giải cứu ông Jo và gia đình sau vụ đào tẩu của họ, và tôi rất buồn trước tình hình hiện tại.\”
Số người đào tẩu từ Bắc Hàn sang Nam Hàn
Nguồn: Bộ Thống nhất Nam Hàn
\”Chúng ta cần nói với các công dân Triều Tiên rằng Hàn Quốc là quê hương của họ. Và Hàn Quốc sẽ chào đón bất kỳ công dân Triều Tiên nào muốn đến đất nước này.\”
Nhưng sự chào đón nồng ấm ở miền Nam là một điều không đảm bảo.
Phía chính phủ bảo thủ thường sử dụng những người đào tẩu để bôi xấu hình ảnh Bắc Hàn và làm nổi bật các vi phạm nhân quyền của nước này.
Nhưng ngược lại, Tổng thống cấp tiến Moon Jae-in thì đang theo đuổi một chính sách gắn kết hơn với Triều Tiên.
Miền Nam từ lâu đã cho rằng tất cả người Hàn Quốc đều có quyền tự do chính trị và kinh tế.
Nhưng miền Bắc thường cáo buộc Seoul dàn dựng những vụ đào tẩu này để phá hoại và bôi nhọ.
Và đây không phải là cuộc tranh luận mà chính phủ ông Moon muốn có vào thời điểm này.
Bộ Ngoại giao Bắc Hàn không che giấu sự phẫn nộ và ghê tởm của mình đối với những người như ông Thae Yong-ho.
Mặc dù không nêu tên cụ thể nhưng họ mô tả ông là \”cặn bã của loài người\” và chỉ trích chính phủ Hàn Quốc vì đã cho phép ông Thae phát biểu tại Quốc hội.
Chúng tôi đã hỏi Bộ Thống nhất Seoul và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về những lo ngại rằng người Triều Tiên không được đón nhận ở đây.
Người phát ngôn của Bộ Thống nhất đã rất cẩn trọng tuyên bố rằng họ \”sẽ chấp nhận tất cả những người đào thoát Bắc Triều Tiên tự muốn đến miền Nam theo nguyện vọng của họ\”.
Seoul vẫn hỗ trợ vật chất cho những người tị nạn Bắc Triều Tiên. Hiện có gần 32.000 người đã thực hiện hành trình đầy nguy hiểm đến Hàn Quốc.
Họ được hỗ trợ tái xây dựng lại cuộc sống mới, được cung cấp chỗ ở và giáo dục.
Nhưng Bộ Thống nhất dường như lo ngại về cách Bắc Hàn nhìn nhận hành động của những người đào tẩu.
Năm ngoái, chỉ vài ngày sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Moon và Kim Jong-un, một người đào tẩu hoạt động chính trị đang chuẩn bị phóng bóng bay sang miền Bắc bằng các tờ rơi và ổ đĩa flash. Ông đã làm điều này trong 15 năm qua.
Nhưng ông nói ông nhận được một cuộc gọi yêu cầu ông dừng việc này lại.
Khi nhóm của ông quyết định tiếp tục thả bóng bay, họ bị cảnh sát bao vây.
Kim Myong Song, một người đào tẩu và là một nhà báo cho một trong những tờ báo nhật báo lớn nhất của Hàn Quốc, Chosun Ilbo, đã bị cấm tham gia một sự kiện tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Ông đã luôn làm về chủ đề Bắc-Nam kể từ 2013 nhưng Bộ Thống nhất cho biết họ phải thực hiện \”các bước cần thiết\” vì \”hoàn cảnh đặc biệt\” của cuộc họp này.
\”Điều này làm tôi đau đớn,\” ông nói với BBC.
Nghề nghiệp của những người đào tẩu
Những người đào thoát trong khoảng 1998-2018Nguồn: Bộ Thống nhất Nam Hàn
\”Những người đào tẩu là công dân Hàn Quốc. Chúng tôi đã rời bỏ một chế độ độc tài áp bức và đến Hàn Quốc, đặt tất cả niềm tin vào chính phủ dân chủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, chính phủ này đã quyết định loại trừ một nhà báo đào tẩu ngay cả khi chính phủ Bắc Triều Tiên không đưa ra yêu cầu này.\”
\”Điều đó khiến tôi cảm thấy tổn thương và sợ rằng chính phủ Hàn Quốc có thể từ chối chúng tôi nếu cần thiết và họ sẽ không đến để bảo vệ chúng tôi.\”
Mỏ thông tin tiềm năng
Tuy nhiên, vẫn có những lợi ích trong việc chào đón những người đào tẩu Bắc Triều Tiên, đặc biệt là những người liên quan đến cấp lãnh đạo.
Kim Jeong-bong, cựu giám đốc của Viện An ninh và Chiến lược Quốc gia Seoul, nói với chúng tôi rằng ngay bây giờ, Jo Song-gil sẽ là một mỏ thông tin.
\”Chúng ta có thể hỏi Jo về lời giải thích mà Triều Tiên đã đưa ra cho chiến lược ngoại giao gần đây và các mệnh lệnh mà họ đã đưa ra cho các nhà ngoại giao liên quan đến ba hội nghị thượng đỉnh Nam-Bắc vừa qua và hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Hàn.\”
\”Có thể Kim Jong-un nói với các nhà ngoại giao của mình rằng anh ta đang cố gắng hợp tác với Hàn Quốc để có được hỗ trợ kinh tế, hoặc anh ta có thể nói rằng anh ta sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay cả khi anh ta đang tiếp cận Hoa Kỳ.
\”Đặc biệt là với Jo. Cha và bố vợ của ông ta đều là nhà ngoại giao cấp cao. Bố vợ Jo là một bí thư nghi lễ của Bộ ngoại giao, có nghĩa là ông ta ngồi cạnh Kim Il-sung và Kim Jong-il khi họ đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc tế. Có thể nếu Jo đến Hàn Quốc, chúng ta có thể ghép các mảnh ghép với nhau và lấp đầy khoảng trống 70 năm của lịch sử ngoại giao Bắc Triều Tiên.\”
Ông Kim Jeong-bong tin rằng ông Jo đã đến Hoa Kỳ và chúng ta khó có thể nghe thêm về ông trong khi Washington và Seoul đang đàm phán với Bình Nhưỡng.
\”Rất có khả năng Mỹ sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc này. Khi Chang Sung Gil, đại sứ Ai Cập, và anh trai, Chang Sung Ho, thuộc phái đoàn thương mại Bắc Triều Tiên tại Pháp, đến Mỹ, Hoa Kỳ đã giữ im lặng.
\”Rất có khả năng trường hợp của Jo trở thành như thế.\”
Với hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa miền Bắc và Hoa Kỳ chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra, nhiều người sẽ coi đó là một cách tiếp cận thận trọng.