- Joe Henrich
- BBC Future
Khi bước vào phòng thí nghiệm tâm lý học, bạn và một nhóm nhỏ vài người nữa được giao nhiệm vụ tìm một đường thẳng phù hợp với một trong ba đường thẳng có chiều dài khác nhau.
Mọi người được yêu cầu nối tiếp nhau phát biểu to lên đường thẳng nào trong số này có chiều dài như nhau.
Đôi khi người khác cũng lựa chọn giống như bạn. Nhưng đôi khi tất cả họ dường như đồng ý với nhau nhưng không đồng ý với bạn.
Khi đến lượt bạn phát biểu ý kiến đánh giá của mình, liệu bạn có ngả theo bạn bè hay vẫn giữ nguyên đánh giá ban đầu của mình?
Điều này có thể tùy thuộc rất nhiều vào bạn đến từ đâu.
Phá cách mới thông minh?
Nhiệm vụ thí nghiệm này, vốn làm say mê các nhà tâm lý học cũng như sinh viên từ giữa thế kỷ 20, cho thấy tỷ lệ đáng kể số người sẽ tuân theo câu trả lời không chính xác của bạn bè.
Điều này xảy ra ngay cả khi phán đoán rất dễ: khi ai đó chỉ có mình họ hay là người đầu tiên trong nhóm trả lời, họ đưa ra câu trả lời đúng hơn 98% trường hợp.
Những phát hiện như vậy đặt ra hai câu hỏi.
Trước hết, mặc dù đi vào sách giáo khoa là \’mọi người\’ nghĩ thế nào, nhưng gần như tất cả các nghiên cứu tìm hiểu về hiệu ứng này đều được thực hiện với các sinh viên Mỹ.
Thế mà các nhà bình luận xã hội, ít nhất là từ Alexis de Tocqueville, đã nhận thấy rằng người Mỹ đặc biệt có tính cá nhân và độc lập. Vậy thì, người Mỹ có phải là đại diện tâm lý tốt của giống người thông minh (Homo sapiens) trên diện rộng, như ngụ ý trong sách giáo khoa hay không?
Thứ hai, tại sao kết quả này lại gây ấn tượng mạnh với cả các nhà nghiên cứu và sinh viên của họ?
Để giải quyết câu hỏi đầu tiên, vào thời thập niên 1990 các nhà nghiên cứu đã phân tích các nghiên cứu này bằng cách sử dụng các thí nghiệm được mô tả ở trên – được gọi là Nhiệm vụ Tuân theo Asch – từ 17 nước khác nhau.
Họ nhận thấy rằng người Mỹ nằm ở mức thấp trên thang bậc toàn cầu về mức độ nghe theo bạn bè.
Sinh viên ở những nơi như Pháp và Bắc Mỹ hòa cùng bạn bè khoảng 20% số lần, sinh viên ở Ghana và Fiji đi theo bạn bè phân nửa trường hợp.
Các nhóm dân khác, bao gồm sinh viên Nhật Bản, Hong Kong và Lebanon thì đứng ở khoảng đâu đó ở giữa hai nhóm này.
Nghiên cứu do các nhà khoa học nhận thức Jennifer Clegg, Nicole Wen và Cristine Legare tại Đại học Texas, Austin, dẫn đầu, làm sáng tỏ thêm xu thế này và có thể giúp giải thích tại sao việc nghe theo lại khiến các nhà tâm lý học chau mày như vậy.
Nhóm nghiên cứu cho người lớn ở cả Hoa Kỳ và Vanuatu, ở Nam Thái Bình Dương, xem hai video về trẻ em làm dây chuyền đeo cổ.
Trong cả hai video, những đứa trẻ trước hết được xem một người làm mẫu một chiếc dây chuyền, sau đó sẽ tự mình làm.
Tuy nhiên, trong một video, đứa trẻ đã ráp chiếc một dây chuyền giống y hệt với chiếc được làm mẫu về màu sắc và trình tự hạt. Trong video kia, đứa trẻ làm ra một chiếc vòng cổ với trình tự hạt màu khác nhau.
Khi được hỏi đứa trẻ nào \’thông minh hơn\’, 88% người trưởng thành ở Vanuatu chọn \’đứa làm theo\’, so với chỉ 19% ở Mỹ.
Khi được hỏi tại sao chọn đứa không làm theo là \’thông minh hơn\’, người Mỹ giải thích rằng đứa trẻ đó \’sáng tạo\’.
Người Weird
Khi được hỏi đứa trẻ nào cư xử tốt hơn, 78% người lớn ở Vanuatu cho rằng đứa làm theo đó cư xử tốt hơn trong khi chưa đến phân nửa (44%) số người được hỏi ở Mỹ thấy tương tự.
Thay vào đó, hầu hết người Mỹ (56%) cho rằng những đứa trẻ làm theo và không theo đều ngoan như nhau.
Điều này làm nổi bật một thực tế rằng gọi ai đó là \’người làm theo\’ là một lời khen ngợi ở nhiều nơi, nhưng ở Mỹ thì không.
Tuy nhiên, sự tuân thủ không phải là trường hợp đặc thù về khác biệt văn hóa, mà là phần nổi của tảng băng tâm lý.
Cơ sở dữ liệu chi phối hiểu biết của chúng ta về tâm lý con người chủ yếu bắt nguồn từ người dân các nước phương Tây, có học vấn, công nghiệp hóa, giàu có và dân chủ (gọi gộp là Weird, tức là từ viết tắt của Western, Educated, Industrialised, Rich and Democratic).
Các nhóm dân số Weird này hóa ra đặc thù ở nhiều khía cạnh.
Không như phần lớn thế giới ngày nay – và đa số những người đã từng sống – cách tư duy người dân Weird rất cá nhân, tự ám ảnh, mặc cảm tội lỗi và mang tính phân tích.
Họ tập trung vào bản thân – các phẩm chất, thành tích và hoài bão của họ – hơn là các mối quan hệ và vai trò.
Khi lý luận, người Weird có xu hướng tìm đến các khái niệm trừu tượng để tổ chức thế giới.
Họ đơn giản hóa các hiện tượng phức tạp bằng cách chia chúng thành các yếu tố rời rạc và gán các thuộc tính – cho dù là tưởng tượng về các hạt vật chất, mầm bệnh hay tính cách.
Mặc dù có vẻ ngoài tự ám ảnh, những người Weird có xu hướng tuân theo các quy tắc không thiên vị và có thể khá đáng tin, công bằng và hợp tác với người lạ.
Về mặt tình cảm, người Weird tương đối không thấy xấu hổ, ít bị chi phối bởi việc bị người khác đánh giá thế nào, nhưng thường mặc cảm tội lỗi vì không đáp ứng những chuẩn mực tự áp đặt.
Những khác biệt tâm lý này do đâu mà có và tại sao người dân châu Âu, cùng với hậu duệ văn hóa của họ ở những nơi như Bắc Mỹ, lại ở nằm dưới chót trong thang bậc toàn cầu về làm theo người khác?
Mô hình hôn nhân châu Âu
Ngày càng có nhiều nghiên cứu truy những khác biệt tâm lý này về cấu trúc gia đình – điều mà các nhà nhân chủng học gọi là các định chế dựa trên quan hệ họ hàng.
Nghiên cứu này cho thấy rằng tâm trí của chúng ta điều chỉnh và thích ứng với xã hội mà chúng ta đối diện khi lớn lên.
Cho đến gần đây, hầu hết các xã hội đều dựa trên nền tảng các định chế quan hệ họ hàng sâu rộng xây dựng xung quanh các đại gia đình, gia tộc, hôn nhân anh em họ, chế độ đa thê và nhiều chuẩn mực thân tộc khác, nhằm điều chỉnh và thắt chặt đời sống xã hội.
Những định chế này vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Ngược lại, người dân nhiều nước châu Âu lâu nay bị chi phối bởi mô hình gia đình hạt nhân một vợ một chồng – xu hướng được các nhà sử học gọi là \’Mô hình hôn nhân châu Âu\’ – kể từ ít nhất là cuối thời Trung Cổ.
Kiểm nghiệm ý tưởng này, các phân tích cho thấy những người đến từ các xã hội bắt nguồn từ các định chế dựa trên quan hệ họ hàng sâu rộng có sự tuân thủ nhiều hơn, ít chủ nghĩa cá nhân hơn, suy nghĩ toàn diện hơn, ít trải nghiệm tội lỗi hơn và không sẵn sàng tin tưởng người lạ.
Xu thế này xảy ra cho dù chúng ta so sánh các nước, các vùng trong cùng một nước hoặc di dân thế hệ thứ hai từ các nguồn gốc khác nhau sống ở một nơi.
Là định chế đầu tiên và thường là định chế quan trọng nhất mà chúng ta đối mặt khi đến với thế giới này, cấu trúc mạng lưới gia đình đóng vai trò trung tâm để giải thích sự đa dạng tâm lý toàn cầu.
Nhưng tại sao các gia đình lại tự tổ chức theo cách khác nhau như vậy giữa các xã hội, và tại sao các gia đình châu Âu đã trở nên đặc thù ngay vào cuối thời Trung Cổ?
Biến đổi tôn giáo
Mặc dù sự đa dạng của các thể chế dựa trên quan hệ họ hàng trên khắp thế giới bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhưng Mô hình Hôn nhân Châu Âu chủ yếu truy về một biến đổi tôn giáo.
Bắt đầu từ cuối thời cổ đại, nhánh Thiên Chúa giáo phát triển thành Giáo hội Công giáo La Mã bắt đầu dần dần ban hành một bộ những điều cấm và quy định về hôn nhân và gia đình.
Chẳng hạn, Giáo hội cấm hôn nhân anh em họ, hôn nhân sắp đặt và hôn nhân đa thê.
Không giống như các nhánh Ki-tô giáo khác, Giáo hội Công giáo La Mã từ từ mở rộng định nghĩa về mối quan hệ \’loạn luân\’, cho đến thế kỷ 11 là tính đến anh em họ đời thứ sáu.
Mặc dù thường xuyên đối mặt sự phản kháng gay gắt, nỗ lực này đã từ từ xoá bỏ các định chế phức tạp dựa trên quan hệ họ hàng của châu Âu thời thị tộc, để lại các gia đình hạt nhân độc lập làm lý tưởng văn hóa và khuôn mẫu chung.
Để kiểm nghiệm việc Giáo hội Trung Cổ đã định hình biến đổi tâm lý đương đại, có thể khai thác sự không đồng đều của tiến trình lịch sử này bằng cách truy ra sự phân bố các giám mục trên khắp châu Âu từ năm 500 đến 1500 sau Công nguyên.
Các phân tích cho thấy rằng người châu Âu từ các khu vực chịu ảnh hưởng Giáo hội qua nhiều thế kỷ ngày nay có xu hướng ít tuân thủ hơn, có tính cá nhân hơn và có sự tin tưởng và công bằng hơn đối với người lạ.
Trên thế giới, người dân nước nào có tiếp xúc lịch sử với Giáo hội lâu hơn không chỉ có định chế dựa trên quan hệ họ hàng yếu hơn, mà ngày nay về mặt tâm lý họ mang đặc trưng của nhóm Weird nhiều hơn.
Hầu hết chúng ta có thể đều muốn mình có suy nghĩ độc lập và có lý trí. Nhưng cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và lập luận – bao gồm khuynh hướng nghe theo người khác và thích lập luận phân tích – được các sự kiện lịch sử, di sản văn hóa và những điều cấm về loạn luân trải dài hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ, định hình.
Hiểu được lịch sử định hình suy nghĩ chúng ta như thế nào là một phần của việc khám phá và chấp nhận sự đa dạng của thế giới.