“Cần Thơ có bến Ninh Kiều. Có dòng sông đẹp, có nhiều giai nhơn”
Dọc theo bến Ninh Kiều là hàng dương rũ xuống soi bóng trên mặt sông, đong đưa theo từng cơn gió thổi vào từ dòng sông Hậu. Nơi đây, vào thế kỷ 19 xa xưa, chỉ là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ.
Năm 1876, sau khi Pháp cai quản Cần Thơ, họ đã xây bờ đê để ngăn sóng và xây dựng bến tàu giao thương hàng hóa đông đúc, tấp nập. Bến sông được người Pháp đặt tên là Quai de Commerce (“Bến Thương mại”). Người dân gọi bằng cái tên bình dị là bến Hàng Dương.
Từ lúc nào có tên gọi “Ninh Kiều”?
Năm 1957, thời Đệ nhứt Việt Nam Cộng hòa, tỉnh trưởng tỉnh Phong Dinh (tức Cần Thơ) lúc bấy giờ đã lấy hai chữ NINH KIỀU đặt tên cho bến sông nơi đây, phúc trình cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và được chuẩn y.
\”Ninh Kiều\” dựa theo tên một địa danh ghi dấu chiến tích lịch sử chống Minh tặc phương Bắc.
Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết:
\”Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm,
Tốt Động thây nằm đầy nội, để thối ngàn thu.\”
Trong ba ngày 5, 6, 7 tháng 10 năm 1426, chiến thắng Tốt Động – Ninh Kiều (còn gọi là Chúc Động) đã tạo ra bước ngoặt, dẫn tới cuộc thắng lợi cuối cùng, đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước Việt.
Vậy đó, hai chữ NINH KIỀU đi liền với BƯỚC NGOẶT đánh đuổi Minh tặc ra khỏi bờ cõi.
… Ngày 4 tháng 8 năm 1958 chính thức xuất hiện tên gọi mới là : Bến NINH KIỀU, đi vào tâm khảm mọi người, và được dùng cho đến hiện nay.
.“Ninh Kiều”, tên gọi của một địa danh lịch sử, còn mang nghĩa là: “chiếc cầu bình yên” (“ninh” 寧 là yên ổn; “kiều” 橋 là chiếc cầu).
Cảm nghiệm thế nào mới thực sự bình yên, ta nói, người Cần Thơ ắt tỏ tường hơn ai hết đó đa!