SIPRI báo động Trung Quốc tăng tốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân

Trong báo cáo hàng năm ngày 12/06/2023 Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI, Thụy Điển, báo động 9 cường quốc hạt nhân trên thế giới đã tiếp tục trang bị thêm vũ khí hạt nhân, hoặc hiện đại hóa các kho vũ khí đã có trong bối cảnh địa chính trị đang tăng cao. SIPRI đặc biệt quan ngại về trường hợp Trung Quốc : «Tối thiểu, Bắc Kinh có thể cũng làm chủ một số lượng tương đương với Nga và Mỹ về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa » trước ngưỡng 2030. 

Đăng ngày: 12/06/2023

\"\"
\"\"
Duyệt binh nhân kỷ niệm 70 ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, Bắc Kinh ngày 01/10/2019. AP – Mark Schiefelbein

Thanh Hà

Trả lời báo chí tại Stockholm giám đốc viện SIPRI Dan Smith lưu ý : thế giới đang « bước vào một gian đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử của nhân loại ». Trên thế giới hiện có 12.512 đầu đạn hạt nhân tính đến đầu tháng Giêng 2023. Nhiều hơn so với một năm trước đây, hơn 9.500 trong số này được « cất giữ trong các kho của quân đội với mối đe dọa tiềm tàng là chúng có thể được sử dụng ».

AFP ghi nhận chuyên gia này đánh giá chiến tranh Ukraina « không là yếu tố duy nhất giải thích vì sao các cường quốc hạt nhân thế giới đã tăng cường kho vũ khí » bởi nhiều nước không liên quan đến cuộc chiến này – mà điển hình là Trung Quốc, đã đẩy mạnh các chương trình hạt nhân. 

Thông tín viên đài RFI Carlotta Morteo từ Stockholm cho biết thêm thông tin : 

Mỗi bên nắm giữ hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân : đây là một con số ổn định. Mỹ và Nga vẫn kiểm soát 90 % khối lượng vũ khí nguyên tử trên thế giới. Để so sánh, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không thấm vào đâu, nhưng lại tăng nhanh nhất : Trong một năm, số đầu đạn hạt nhân tăng từ 350 lên tới 410 và sẽ không dừng lại ở đây. 

Ở mức độ thấp hơn, Pakistan, Ấn Độ và Bắc Triều Tiên cũng đã sản xuất thêm đầu đạn hạt nhân. Anh Quốc cũng dự trù mở rộng kho vũ khí của mình nhưng không tiết lộ về số lượng cũng như việc triển khai các đầu đạn này. Về phía Pháp thì Paris chủ yếu hiện đại hóa các trang thiết bị. 

Chẳng những là 5 quốc gia đã ký hiệp định chống phổ biến vũ khí hạt nhân TNP vẫn tiếp tục chi ra thêm hàng triệu đô la cho loại vũ khí này, hơn thế nữa Viện SIPRI lưu ý rằng vế ngoại giao đang bị thu hẹp lại rõ rệt. 

Tháng 2 vừa qua Matxcơva thông báo sẽ không tiếp tục tham gia hiệp định START với Washington. Văn bản này giới hạn những tham vọng về hạt nhân của các bên. 

Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm báo động việc gia tăng nguy cơ hiểu nhầm, sự cố hoặc những đánh giá sai lầm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang bùng lên, với những tuyên bố đe dọa ngày càng rõ rệt liên quan đến khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment