Cuộc phản công của quân đội Ukraina đã thực sự bắt đầu. Tuy nhiên, việc không có nhiều thông tin (đúng) không cho phép theo dõi diễn tiến chiến sự một cách đáng tin cậy.
Đăng ngày: 13/06/2023
Kể từ khi Nga xâm lược và thất bại trong ý đồ nhanh chóng đánh gục Ukraina hồi năm ngoái, thì cuộc phản công của quân đội Ukraina hiện nay mang tính quyết định và quan trọng nhất. Do vậy, theo nhà báo Pierre Haski, phụ trách mục Địa Chính Trị trên đài Pháp France Inter, có một số điều cần chú để tránh rơi vào bẫy « thông tin » và hiểu được những gì đang xẩy ra trong cuộc phản công này.
Trước hết, không nên tìm cách theo dõi, « bám sát » diễn tiến cuộc phản công từng giờ, từng phút. Thông tin là một vũ khí mà cả hai bên, Nga và Ukraina, đều « chăm chút » sử dụng. Không thể đánh giá được một cuộc phản công có quy mô như vậy trong vài giờ, mà cần có thời gian, vài tuần, vài tháng. Một hai thông tin lẻ tẻ, « nóng hổi » chỉ cho phép nhìn thấy được một phần của sự thật.
Ví dụ, trong các ngày cuối tuần 10 – 11/06 vừa qua, Nga loan tải các vidéo cho thấy các thiết bị quân sự mới nguyên của Mỹ, Đức, Pháp, bị phá hủy trong những giờ đầu của cuộc phản công. Thậm chí, một số bloggers Nga, ủng hộ chiến tranh, còn hào hứng đề xuất cho đặt các loại vũ khí bị phá hủy này ngay trước sứ quán của các nước phương Tây ở Matxcơva.
Thế nhưng, có thể thấy trước được các thiệt hại quân sự này khi mới bắt đầu một chiến dịch quân sự vốn đã được nói nhiều từ vài tháng nay. Và các thông tin đó không nói lên được gì về diễn biến tiếp theo của cuộc phản công.
Cũng trong cuối tuần, phía Ukraina công bố các video xe tăng Nga bị phá hủy.
Tương tự, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, xuất hiện các hình ảnh, vidéo về cảnh treo cờ Ukraina ở ngôi làng đầu tiên được giải phóng. Các hình ảnh này không nói lên được gì về chiến cuộc nhưng giúp lên tinh thần.
Điều cần chú ý tiếp theo là không nên chỉ quan tâm đến « chiều kích » quân sự của các sự kiện. Đương nhiên, « góc nhìn » quân sự giúp đánh giá được xem quân đội Ukraina đã khai thác các thiết bị quân sự mới, hiện đại, được phương Tây viện trợ như thế nào, cũng như phân tích khả năng kháng cự của quân Nga, và liệu giới tướng lãnh Nga có rút ra những bài học hay không sau những khiếm khuyết của họ hồi năm ngoái.
Một cuộc phản công quy mô như quân đội Ukraina đang tiến hành còn có những mục tiêu chính trị. Ukraina cần chứng minh cho các đồng minh-thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) thấy rằng viện trợ quân sự ồ ạt của họ đã giúp cho quân đội Ukraina tạo ra sự khác biệt, thế mạnh trên chiến trường. Ví dụ, theo các thông tin rò rỉ từ phía Nga, quân đội Ukraina đã có nhiều lợi thế, hoạt động trong đêm dễ dàng, nhờ có các ống kính hồng ngoại và các thiết bị mà phương Tây viện trợ. Qua đó, các thành viên NATO càng có động lực tiếp tục giúp đỡ, và có thể đưa ra những quyết định viện trợ các loại vũ khí mới cho Ukraina, như máy bay tiêm kích F-16 mà quân đội Ukraina không có trong cuộc phản công hiện nay.
Theo giới phân tích, mối nguy thực sự đối với Ukraina là giành được một vài chiến thắng quân sự nhưng không đủ để làm thay đổi bối cảnh và tương quan lực lượng trên thực địa. Nếu quân đội Ukraina chỉ giải phóng được một số vùng bị quân Nga chiếm giữ mà không chia cắt được các lãnh thổ nối liền nước Nga với bán đảo Crimée, thì tác động của các chiến thắng quân sự rất hạn chế.
Một thắng lợi quân sự hạn chế là không tạo lợi thế cho Kiev nếu họ chấp nhận đàm phán. Trong khi đó, áp lực hướng tới đàm phán sẽ càng mạnh nếu hoạt động quân sự không hiệu quả.
Nếu chỉ đạt thắng lợi quân sự một cách « tương đối », Ukraina sẽ phải đối mặt với nguy cơ cuộc chiến ác liệt hiện nay trở thành một cuộc « xung đột được đóng băng », kéo dài tình trạng mất lãnh thổ, một dạng « hưu chiến » trong khi chờ đợi chiến sự lại bùng phát mãnh liệt hơn. Vả lại, bản thân Nga cũng không hề muốn thấy kịch bản này.