6 cường quốc bậc trung Nam Bán Cầu ‘‘quyết định’’ cục diện địa chính trị thế giới

Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga đang làm lộ rõ một cục diện chính trị toàn cầu mới đang hình thành. Tiếng nói của nhiều cường quốc bậc trung thuộc khối các nước đang phát triển, còn gọi là ‘‘Nam Bán Cầu’’, dường như đang ngày càng được coi trọng hơn. Các cường quốc bậc trung này không dứt khoát chọn phe trong một thế giới lưỡng cực đang hình thành, với một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh ‘‘dân chủ’’ phương Tây, và bên kia là Trung Quốc cùng Nga, và một số quốc gia ‘‘độc tài’’.

Đăng ngày: 14/06/2023

\"\"
\"\"
Lãnh đạo ba cường quốc bậc trung của Nam Bán Cầu (Ấn Độ, Brazil và Indonesia) tham dự thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, ngày 21/05/2023. AP

Trọng Thành

Trong thời gian gần đây, giới chuyên gia về chính trị quốc tế đặc biệt chú ý đến nhóm các cường quốc bậc trung thường được gọi là ‘‘các swing states’’ (tạm dịch là ‘‘các quốc gia dao động’’), do lập trường không dứt khoát chọn phe. Đối với nhiều nhà quan sát, chính ‘‘các quốc gia dao động’’ này, với số lượng tuy rất nhỏ, đang ‘‘quyết định’’ cục diện địa chính trị của thế giới đương đại. RFI xin giới thiệu một số thông tin về chủ đề này.

Những nước nào được xem là ‘‘các quốc gia dao động’’ có tầm ảnh hưởng địa chính trị quan trọng?

Thuật ngữ “global swing states” (các quốc gia dao động tầm cỡ toàn cầu) được sử dụng phổ biến trong giới chuyên gia từ khoảng mười năm trở lại đây. Năm 2012, một nhóm nghiên cứu của Quỹ German Marshall Fund của Hoa Kỳ, viện nghiên cứu chính sách công có mục tiêu thúc đẩy hợp tác Mỹ – châu Âu, đã công bố một trong những nghiên cứu sớm nhất về vấn đề này. Vào thời điểm đó, các chuyên gia xác định bốn quốc gia thuộc nhóm này, bao gồm Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà nghiên cứu từng xem nhóm bốn quốc gia này như ‘‘các nền dân chủ hùng mạnh’’, và sự trỗi dậy của các nước này có thể tạo ra một cơ hội to lớn cho Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu, nhằm ‘‘bảo vệ và cải cách trật tự quốc tế đang nhiều bất trắc’’.

10 năm sau, nhà chính trị học Cliff Kupchan, một chuyên gia về Nga và Iran, chủ tịch nhóm nghiên cứu về chính trị quốc tế Eurasia, trong một bài tổng thuật về chủ đề này trên trang mạng Foreign Policy (với tiêu đề ‘‘6 Swing States Will Decide the Future of Geopolitics’’, 06/06/2023), ghi nhận ‘‘6 quốc gia dao động’’ quan trọng. Ngoài Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ, là hai cường quốc bậc trung khác Ả Rập Xê Út và Nam Phi.

10 năm sau, tình hình đã có nhiều thay đổi lớn. Bốn quốc gia, từng được coi là ‘‘các nền dân chủ hùng mạnh’’, đã không hoàn toàn đứng về phía phương Tây. Tất cả sáu cường quốc bậc trung thuộc ‘‘Nam Bán Cầu’’ nói trên, cho dù rất khác nhau về hàng loạt lĩnh vực, có một điểm chung là có thái độ không dứt khoát chọn bên, trong cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraina. Cuộc xâm lăng rõ ràng đã bị khoảng 140 quốc gia lên án, với nhiều nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Nhưng trên thực tế, ngoài khối các nước đứng hẳn về phía Ukraina, với Hoa Kỳ và các nước châu Âu là nòng cốt, đại đa số các nước, trong đó có các cường quốc bậc trung nói trên, đã không chọn bên.

Hồi tháng 5/2023 vừa qua, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến đi đột phá về ngoại giao hiếm hoi tới Jeddah, Ả Rập Xê Út, và Hiroshima, Nhật Bản, để vận động bốn nước Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Ả Rập Xê Út.Brazil, Ấn Độ, Indonesia cũng là khách mời của thượng đỉnh G7 (tức bảy cường quốc công nghiệp). Nhà chính trị học Cliff Kupchan nhấn mạnh là ‘‘các cường quốc bậc trung ở Nam Bán Cầu ngày nay có nhiều quyền lực hơn bao giờ hết’’.

Vì sao nói nhiều cường quốc bậc trung ở Nam Bán Cầu hay ‘‘các quốc gia dao động’’ có ảnh hưởng lớn đến thế giới?

Theo chuyên gia Cliff Kupchan, có hai nhóm lý do chính để giải thích về sức mạnh gia tăng của các cường quốc tầm trung nói trên. Thứ nhất là các lý do liên quan đến xu thế lịch sử lâu dài, và thứ hai là các xu thế gần đây. Về nhóm lý do thứ nhất, tức xu thế lịch sử lâu dài, giai đoạn hiện nay hoàn toàn khác với thời kỳ đơn cực, với sự thống trị của Hoa Kỳ (tức giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh, kéo dài đến những năm gần đây), và thời kỳ lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh, với thế đối đầu giữa khối phương Tây và khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Giai đoạn đơn cực đòi hỏi hầu hết các nước phải theo Mỹ, trong lúc thế giới lưỡng cực Mỹ – Xô đi liền với việc hình thành các khối đối lập nhau. Tình hình khác hẳn với giai đoạn thế giới lưỡng cực Trung – Mỹ đang hình thành hiện nay. Trong bối cảnh, thế lưỡng cực Mỹ – Trung hiện không hoặc chưa phải là Chiến tranh Lạnh, tất cả các cường quốc tầm trung đều có rất nhiều không gian hành động độc lập.

Về nhóm lý do thứ hai, tức các xu thế gần đây, theo chuyên gia Cliff Kupchan, trong hai thập niên vừa qua, ‘‘nhiều quan hệ địa chính trị và địa kinh tế mới đang hình thành ở cấp độ khu vực’’. Khi quyền lực của các khu vực gia tăng, vị thế của các cường quốc bậc trung/các quốc gia dao động cũng trở nên quan trọng hơn.  Nhiều ‘‘quốc gia dao động’’ ở Nam Bán Cầu đang được hưởng lợi nhiều từ quá trình hình thành ‘‘các chuỗi cung ứng hàng hóa’’ mới ở gần kề, cũng như việc các cơ sở sản xuất – kinh doanh chuyển khỏi Trung Quốc, với thế đối đầu Mỹ – Trung gia tăng. Thế đối đầu Mỹ – Trung trong nhiều lĩnh vực đã và đang mang lợi cho nhiều quốc gia bậc trung. Ví dụ như Ấn Độ được hưởng lợi nhiều từ khi tham gia vào Đối thoại An ninh Bộ Tứ Ấn Độ – Thái Bình Dương) (QUAD), nỗ lực do Hoa Kỳ khởi xướng nhằm tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Brazil và Indonesia cũng được hưởng lợi nhiều từ Trung Quốc trong các hợp đồng về các khoáng sản quan trọng, như lithium hay niken. Thủ đô Riyad của Ả Rập Xê Út đang nổi lên như một trung tâm tài chính khu vực. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng thừa nhận, trong một thế giới đang phân mảnh và khu vực hóa, các cường quốc tầm trung trong khu vực đóng một vai trò ngày càng quan trọng.

Điểm nổi bật khác tạo nên sức mạnh của nhóm các cường quốc bậc trung này, theo chuyên gia Cliff Kupchan, là họ không chú trọng đến vấn đề ‘‘ý thức hệ’’ (cụ thể như các vấn đề chính trị dân chủ hay độc tài, ‘‘liên kết’’ hay ‘‘không liên kết’’ theo nghĩa truyền thống…). Tận dụng được thế đối đầu Mỹ – Trung, và tận dụng được các quan hệ song phương không lệ thuộc vào ‘‘ý thức hệ’’, các quốc gia tầm trung gọi là nhóm ‘‘các nước dao động’’ đang ngày càng trở nên năng động và mạnh hơn. Theo chuyên gia Cliff Kupchan, ngoại trừ một số lĩnh vực công nghệ nền tảng (được coi là vấn đề an ninh quốc gia với Mỹ) như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, viễn thông 5G và công nghệ sinh học, các cường quốc bậc trung bị đặt vào thế phải theo Mỹ hoặc theo Trung Quốc, trong các lĩnh vực khác, các nước này được rảnh tay lựa chọn.

Sáu ‘‘quốc gia dao động’’ đã đóng một vai trò quan trọng trong các biện pháp trừng phạt của phương Tây để buộc Nga lùi bước trong cuộc xâm lăng Ukraina. Đối với phương Tây, nỗ lực đoàn kết với Ukraina, có ý nghĩa không chỉ bảo vệ quốc gia này chống xâm lược, mà còn để bảo vệ một trật tự thế giới ‘‘dựa trên luật pháp’’. Tuy nhiên, 6 cường quốc Nam Bán Cầu nói trên không chia sẻ quan điểm này. Không có sự tham gia của các cường quốc bậc trung của Nam Bán Cầu, mặt trận cô lập Nga không thể thành công. Ngay từ đầu, các quốc gia này đã từ chối viện trợ quân sự cho Ukraina, theo đề nghị của phương Tây, không chủ động tham gia các trừng phạt, trừ khi bắt buộc phải tuân thủ. Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác là nơi chuyển một khối lượng lớn hàng lưỡng dụng dân sự/quân sự sang Nga, làm suy yếu các nỗ lực trừng phạt.

Bên cạnh một số xu thế được coi là tiêu cực với phương Tây, ‘‘nhiều quốc gia dao động’’ đang tỏ ra là những đối tác giúp giải quyết các thách thức toàn cầu. Ấn Độ có vai trò đặc biệt quan trọng, khi đóng góp đến 8% lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Indonesia và Nam Phi cũng đóng vai trò tích cực trong nhiều hoạt động trung gian hòa giải, và gìn giữ hòa bình.

Phương Tây cần ứng xử ra sao với ‘‘các cường quốc dao động’’?

Theo chuyên gia Cliff Kupchan, phương Tây, mà trước hết là Hoa Kỳ, cần phải nâng tầm trong chiến lược đối với sáu quốc gia dao động nói trên, ‘‘để ngăn chặn đà suy yếu đáng kể về vị thế của Mỹ trong cán cân quyền lực toàn cầu’’. Khối BRICS – gồm Trung Quốc, Nga và ba quốc gia dao động Ấn Độ, Brazil, Nam Phi – cần phải được đặc biệt chú ý. Với thành viên BRICS Ấn Độ, quốc gia gần gũi với phương Tây, và là đối thủ của Trung Quốc đặc biệt trong các tranh chấp lãnh thổ, khối đang trỗi dậy này khó có thể bị Trung Quốc và Nga điều khiển. Tuy nhiên, không thể coi nhẹ nguy cơ Trung Quốc và Nga thao túng BRICS, trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia Nam Bán Cầu muốn gia nhập khối này. Ít nhất là 19 nước, theo thông tin mới đây.

Đối với chuyên gia Cliff Kupchan, nước Mỹ cần không chỉ cải thiện chính sách với ‘‘6 quốc gia dao động’’, mà còn cần hướng rộng hơn đến toàn Nam Bán Cầu. Việc khối G7, mời nhiều quốc gia thuộc nhóm nước nói trên đến thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vừa qua, cùng một số đại diện Nam Bán Cầu, là ‘‘một khởi đầu hữu ích, nhưng cần được làm nhiều hơn’’. Nhà chính trị học Cliff Kupchan đặc biệt lưu ý đến việc phương Tây cần ‘‘hiểu biết hơn về tình cảm và niềm tin của giới tinh hoa ở nhiều quốc gia ở Nam Bán Cầu’’ để có được thái độ phù hợp hơn.

Chuyên gia Cliff Kupchan cũng chỉ ra một số điểm yếu của các cường quốc bậc trung Nam Bán Cầu, các quốc gia này cũng như đông đảo các nước Nam Bán Cầu đang và sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả do nhiệt độ Trái đất gia tăng. Các cuộc cách mạng công nghệ, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, sẽ tác động mạnh đến ‘‘Nam Bán Cầu’’, nhiều hơn so với các quốc gia dân chủ công nghiệp hóa…. Căng thẳng Mỹ-Trung nếu gia tăng đột ngột và biến thành một cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh, thì các cường quốc tầm trung cũng sẽ là bên bị tác động rất mạnh, buộc phải liên kết chặt chẽ hơn với bên này hoặc bên kia. Các chính sách sai lầm hoặc không kịp thời với các cường quốc bậc trung Nam Bán Cầu sẽ để lại những hậu quả lớn mang tính toàn cầu. Khẳng định 6 cường quốc bậc trung của Nam Bán Cầu ‘‘quyết định’’ cục diện địa chính trị thế giới, như nhận định của chuyên gia Cliff Kupchan, một phần cơ bản cũng là theo ý nghĩa này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment