Đức công bố Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước này, hôm nay, 14/06/2023, trình bày tổng quan về chính sách đối ngoại của Berlin và bảo đảm sự phối hợp giữa các bộ trong lĩnh vực an ninh. Đây là kết quả của ý tưởng được các chính đảng trong liên minh cầm quyền của thủ tướng Olaf Scholz nhất trí vào tháng 11/2021, và được củng cố sau khi Nga tấn công Ukraina vào tháng 02/2022.
Đăng ngày: 14/06/2023
Sau nhiều năm do dự, Đức chính thức dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng theo kêu gọi của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), thay vì 1,5% như hiện nay. Việc Nga xâm lược Ukraina đã buộc thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố là Đức phải đặt an ninh lên hàng đầu và phân bổ ngân sách lớn hơn cho quốc phòng. Tuy nhiên, ý tưởng thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia đã bị từ bỏ, do bất đồng giữa các thành viên của liên minh cầm quyền về cơ quan chủ quản.
Reuters nhắc lại, trước đây Đức đã có nhiều tài liệu về quốc phòng. Tuy nhiên vào tháng 11/2021, chính phủ hiện nay đã nhất trí lập ra một chiến lược toàn diện hơn, đặc biệt do cuộc chiến của Nga ở Ukraina, cho thấy những điểm yếu của quân đội Đức, cũng như sự phụ thuộc nặng nề về năng lượng vào Nga.
Để tăng cường sức mạnh quốc phòng và « thích nghi với thời cuộc », Đức muốn giải ngân 3,99 tỉ euro để mua một hệ thống chống tên lửa do Israel sản xuất, gồm các radar, bệ phóng tên lửa và tên lửa dẫn đường loại Arrow 3 có thể phá hủy các mục tiêu ngoài bầu khí quyển.
Bước đầu Ủy ban Ngân sách Hạ Viện Đức giải ngân 560 triệu euro, ngay trong ngày 14/06, để ký cam kết với Israel trong khi chờ đúc kết hợp đồng từ nay đến cuối năm. Trong tài liệu gửi đến Ủy ban Ngân sách Hạ Viện mà AFP tham khảo được, bộ Tài Chính Đức nhấn mạnh, hệ thống phòng không nói trên « góp phần bảo vệ Đức, người dân và các công trình hạ tầng trọng yếu khỏi các tên lửa đạn đạo ». Hệ thống dự kiến được giao cho Đức vào cuối năm 2025.