Hội nghị vì ‘‘một hiệp ước tài chính mới cho thế giới’’ tại Paris khép lại hôm qua, 23/06/2023, sau hai ngày làm việc. Theo giới quan sát, mục tiêu cải tổ triệt để hệ thống tài chính toàn cầu để thúc đẩy đầu tư cho khí hậu, chống đói nghèo vẫn là viễn cảnh xa vời, bất chấp một số bước tiến nhỏ như sáng kiến hoãn trả nợ cho nước nghèo bị thiên tai. Cam kết tài trợ đủ 100 tỉ đô la/năm về khí hậu cho các nước nghèo vẫn dậm chân tại chỗ.
Đăng ngày: 24/06/2023
Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI hôm qua, 23/06/2023, tổng thống Pháp đã gián tiếp thừa nhận một thất bại lớn của hội nghị lần này: thiếu đồng thuận trong vấn đề đánh thuế đối với các giao dịch tài chính quốc tế (TTF – taxes sur les transactions financières), được coi là một nguồn thu quan trọng cho cuộc chiến khí hậu. Tuy nhiên, việc mở ra một không gian đối thoại cho các tác nhân chủ chốt đã được ghi nhận như một thành công đáng kể của hội nghị, như nhận định của đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ, John Kerry:
“Hiện còn quá sớm để nói liệu hội nghị này có tạo ra tất cả những thay đổi chúng ta cần cho tài chính Xanh hay không, nhưng rõ ràng nó đã tạo cơ hội cho một cuộc thảo luận thực sự, nghiêm túc và thực chất về những gì chúng ta cần làm cùng nhau. Nhiều tác nhân rất đa dạng đã có mặt : có các nhà tài trợ, đại diện của các quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác. Tôi nghĩ rằng tổng thống Macron đã thực sự thành công trong việc tập hợp nhiều người lại, nhưng lời nói sẽ không giải quyết được vấn đề, chúng phải được chuyển thành hành động. Chúng ta có rất nhiều việc phải hoàn thành trong thời gian ngắn. Đây là một bước trung gian, tôi nghĩ chúng ta đang đạt được tiến bộ, nhưng chưa đủ nhanh.’’
Trả lời RFI, bà Friederike Roder, phó chủ tịch hiệp hội Global Citizen một mặt hoan nghênh không gian đối thoại mới đã được mở ra để hướng đến cải tổ triệt để hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng mặt khác cũng bày tỏ lo ngại về sự thiếu vắng nỗ lực của các cường quốc công nghiệp chủ chốt:
‘‘Hội nghị này không đạt được kết quả đúng tầm mức cần thiết như kỳ vọng, chắc chắn là như vậy, nhưng đã làm thay đổi cách đối thoại về các chủ đề tài chính cho khí hậu và cho phát triển. Điều rất thú vị khi thấy hơn 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước đến Paris, tham dự một hội nghị bất thường như thế này. Đây là một điều rất tích cực.
Nhưng nếu chúng ta xem xét sát hơn, có thể thấy các nước ‘‘phía Nam’’ có mặt đông đảo, các nước ‘‘phía bắc’’ tham gia ít hơn, đặc biệt là các nước G7. Có một vấn đề ở đây, là nếu chúng ta muốn thúc đẩy việc cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, hiện đã lâm vào tình trạng bất lực, chúng ta cần đến vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, của Anh, của Canada … Đã có một số bước tiến, đã có một số liên minh hình thành trong dịp này. Ví dụ như Liên minh vì một sắc thuế đánh vào lĩnh vực vận tải biển, với 23 quốc gia nhất trí về nguyên tắc. Tuy nhiên, cần phải có thêm nhiều nước tham gia vào sáng kiến này’’.
Một điểm tích cực được giới quan sát ghi nhận là đông đảo các nước châu Phi tham dự hội nghị đã phối hợp được tiếng nói chung. Trong phát biểu kết thúc hội nghị, tổng thống Kenya, ông Wiliam Ruto, khẳng định: ‘‘Các thỏa thuận Bretton Woods [ra đời năm 1944, là nền tảng của hệ thống tài chính đương đại] đã được ký kết trong vòng ba tuần lễ’’, chúng ta có thể làm được rất nhiều điều trong ba tháng’’. Ba tháng có nghĩa là từ nay đến hội nghị quốc tế về khí hậu, họp tại Nairobi, thủ đô Kenya.