Vũ khí, công nghệ : Yếu tố Nga và Trung Quốc trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ

Đăng ngày: 27/06/2023

Từ giã Hoa Kỳ, thủ tướng Ấn Độ ra về với hàng loạt hợp đồng quan trọng trong các lĩnh vực từ công nghệ cao đến quốc phòng. « Công lao » của Trung Quốc và Nga trong đó khá lớn. Hơn cả tầm mức quan trọng về kinh tế, những thỏa thuận Washington và New Delhi đạt được phác họa ra « một lộ trình đầy tham của hợp tác song phương về những lĩnh vực chiến lược : công nghệ cao, viễn thông, trí tuệ nhân tạo và quốc phòng ».

\"\"
\"\"
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (T), tổng thống Mỹ Joe Biden (G) trong cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, Ấn Độ, tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 23/06/2023. AP – Evan Vucci

Kết thúc ba ngày làm việc tại Mỹ, thủ tướng Modi ra về với 5 chương trình hợp tác quốc phòng với Mỹ, với 7 thỏa thuận đầu tư vào Ấn Độ trong các lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ không gian, với 8 chương trình hợp tác phát triển năng lượng sạch. Đấy là chưa kể đến những văn bản đôi bên đã thông qua nhằm nâng cao hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, mở rộng thêm các văn phòng đại diện ngoại giao tại hai nước, về những sáng kiến chung cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương… 

Mục tiêu Trung Quốc

Trong lĩnh vực quốc phòng chẳng hạn, New Delhi trang bị drone MQ-9BSeaGuardian do General Atomics chế tạo, trị giá hợp đồng hơn 3 tỷ đô la. Đáng chú ý hơn nữa là hợp đồng cho phép General Electric sản xuất động cơ máy bay trinh sát F-414 trên lãnh thổ Ấn Độ. Vế quan trọng ở đây liên quan đến khâu chuyển giao công nghệ.

Trả lời RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu Olivier Guillard thuộc trung tâm nghiên cứu về châu Á CERIAS đại học Québec-Montréal, giám đốc đặc trách về thông tin cơ quan tư vấn CRISIS24 -Garda World trước hết phân tích về tầm nhìn của New Delhi :

« Thủ tướng Ấn Độ công du Hoa Kỳ với mục tiêu kép là kinh tế và chiến lược mà Trung Quốc là trọng tâm của vế chiến lược đó. Hai nền dân chủ lớn nhất thế giới này có quan điểm và cách tiếp cận khá gần gũi với nhau về Bắc Kinh. Cả hai hiện cùng đang có mối bang giao không mấy hữu hảo với Trung Quốc. Ấn Độ -Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ. Washington và New Delhi đọ sức với Bắc Kinh về mặt chính trị, chiến lược. Trên tất cả các chủ đề này không ai có ý định nhượng bộ. Chính thái độ đó lại càng thắt chặt thêm quan hệ Mỹ-Ấn. Washington trải thảm đỏ đón thủ tướng Narendra Modi, nhiều hợp đồng đã được ký kết. Nhà Trắng nói đến \”năng lượng mới\” trong bang giao song phương ».

Đối với Washington, Milan Vaishnav, giám đốc chương trình Nam Á trung tâm nghiên cứu Carnegie ghi nhận : Làm thế nào đối mặt với « thách thức Trung Quốc », đó là câu hỏi đã thúc đẩy chính sách kinh tế và đối ngoại của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây. Sản xuất chíp điện tử và linh kiện bán dẫn trả lời phần nào câu hỏi này và chính trên điểm này « Ấn Độ hiện là một đối tác quan trọng ».

Chẳng vậy mà Micron Technology Inc. trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thông báo đầu tư hơn 800 triệu đô la vào một dự án để mở nhà máy tại bang Gujarat (miền tây Ấn Độ). Washington và New Delhi hợp tác phát triển công nghệ viễn thông thế hệ 6 -chuẩn bị thay thế hệ thống 5G hiện nay. India’s Sterlite Technologies Limited đầu tư 100 triệu đô la mở nhà máy sản xuất cáp quang gần thành phố Colombia -bang South Carolina. Cùng lúc thỏa thuận MSP bảo đảm nguồn cung ứng cho đôi bên về các loại khoáng sản « thiết yếu » (critical minerals) tránh để chuỗi cung ứng bị « đổ gẫy »…

Thị trường 20 tỷ đô la một năm 

Những hợp đồng nói trên thể hiện hai điều : một là Mỹ đánh cược vào Ấn Độ để giảm lệ thuộc vào chuỗi cung ứng mà ở đó Trung Quốc đã trở thành một mắt xích không thể thiếu (như với kim loại hiếm) đồng thời khai thác nhân công với chuyên môn cao tại Ấn Độ để phát triển những công nghệ mới, chận đường các công ty Trung Quốc. Đương nhiên tính toán đó đấp ứng tham vọng của thủ tướng Narendra Modi để đưa kinh tế Ấn Độ lên một « tầm cao mới ». Giám đốc cơ quan tư vấn CRISIS24 -Garda World, Olivier Guillard gắn liền vế thương mại với những mục tiêu về quốc phòng của cả đôi bên :

« Vế thương mại là mục tiêu quá rõ ràng trong chuyến đi lần này của ông Modi. Trước tiên, đôi bên đã đạt được nhiều tiến bộ trên những hồ sơ nhậy cảm, từ sản xuất chíp điện tử đến chế tạo linh kiện bán dẫn. Quan trọng hơn cả là nhiều hãng lớn của Mỹ cam kết chuyển giao công nghệ cho New Delhi, sản xuất tại Ấn Độ và đầu từ hàng trăm tỷ đô la vào Ấn Độ. Đây là những hợp đồng mang tính nhậy cảm bởi không chỉ liên quan đến vế kinh tế mà còn bao hàm luôn cả vế quân sự và an ninh. Thí dụ như trong thỏa thuận sản xuất động cơ cho phản lực F-414 của Mỹ. Đối với thủ tướng Modi, đây là một điểm then chốt, bởi đáp ứng được tham vọng \”Made in India\” mà ông đã đề ra từ gần cả một chục năm nay. Ấn Độ muốn được chuyển giao công nghệ để có thể tự sản xuất, nâng cấp cơ cấu kinh tế của nước này, đồng thời bớt phụ thuộc vào nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự chính là Nga ».

Yếu tố Nga

Nhà chính trị học Christophe Jaffrelot giám đốc trung tâm nghiên cứu CERI – Sciences Po, trường Khoa Học Chính Trị Paris (báo La Croix 25/06/2023) đánh giá : chính khâu chuyển giao công nghệ mới là « chìa khóa » của các hợp đồng. Công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ vẫn còn nhiều yếu kém, Ấn Độ vẫn chưa thể tự sản xuất xe tăng, chiến đầu cơ hay tàu ngầm.

Hàng năm New Delhi chi ra 20 tỷ đô la để nhập khẩu vũ khí mà Nga là một nguồn cung cấp chính. Trước ngày thủ tướng Modi đến Hoa Kỳ, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng Lloyd Austin rồi cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan lần lượt đến New Delhi. Hôm 15/06/2023 ông Sullivan đã cùng với đồng cấp Ấn Độ là Ajit Doval công bố lộ trình đầy tham vọng cho hợp tác song phương trên một số lĩnh vực rất nhậy như vừa nêu. Nếu như đối với New Delhi viễn cảnh tự chủ về công nghiệp quốc phòng là điều quan trọng nhất thì trong mắt Washington, Ấn Độ là đối tác quan trọng để « bảo vệ một trật tự thế giới với những giá trị tự do, dân chủ là cơ bản » mà trật tự đó đang bị cả Trung Quốc lẫn Nga thách thức như đánh giá của Milan Vaishnav, giám đốc chương trình Nam Á trung tâm nghiên cứu Carnegie. Nga là yếu tố thứ nhì trong các hợp đồng cả về quân sự đến công nghệ mà Ấn Độ và Mỹ vừa đúc kết. Olivier Guillard giải thích :  

« Điều chắc chắn là về mặt phòng thủ và công nghiệp quốc phòng từ nhiều thập niên qua Ấn Độ rất lệ thuộc vào Nga, vào các tập đoàn cung cấp Nga. Khoảng 60 % các trang thiết bị quân sự trên bộ, trên biển và trên không của Ấn Độ xuất xứ từ Nga. Mức độ lệ thuộc lớn như vậy càng lúc càng đè nặng lên các chính quyền ở New Delhi. Do vậy khoảng từ một chục năm trở lại đây Ấn Độ tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự. Trong chiến lược này, Pháp là một đối tác quan trọng. Có từ 20 đến 25 % trang thiết bị quân sự của Ấn Độ là do Pháp cung cấp. Đừng quên rằng Ấn Độ là một trong những nguồn nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới. Do New Delhi đang tìm kiếm thêm các nguồn cung cấp khác để bớt phụ thuộc vào Nga, cho nên Mỹ đã tận dụng cơ hội này để mở rộng thị phần tại Ấn Độ. Lần này ông Modi sang Mỹ mua drone có trang bị vũ khí nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công cho bộ binh và không quân. Kèm theo đó là vế chuyển giao công nghệ. Một lần nữa chúng ta thấy là New Delhi muốn độc lập hơn với các nhà sản xuất Nga. Đương nhiên Matxcơva không hài lòng lắm nhưng Nga không có sự lựa chọn nào khác ».   

Tham vọng của New Delhi qua mặt Trung Quốc 

Từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 Ấn Độ liên tục tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí. Trong mục tiêu này, New Delhi đã nhắm tới Israel, Pháp và đương nhiên là Hoa Kỳ. Cho đến tận dưới thời tổng thống George W. Bush (2000-2008) một số rào cản (do liên hệ mật thiết với các nhà sản xuất trang thiết bị quân sự Liên Xô, rồi với Nga) trong hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn mới bắt dầu từng bước được dỡ bỏ. Do vậy ông Nicolas Blarel, giám đốc nghiên cứu đại học Leyde, Hà Lan cho rằng, hàng loạt các thỏa thuận về quốc phòng vừa được thông qua tại Washington tuần trước do bối cảnh địa chính trị hiện nay với Trung Quốc, với Nga dẫn tới, nhưng đồng thời đây cũng là kết quả của hơn 20 năm đàm phán. Giờ đây với các chương trình chuyển giao công nghệ, chuyên gia này không loại trừ khả năng trong tương lai không xa chiến đấu cơ HAL Tejas của Ấn Độ hoàn toàn có thể cạnh tranh được và thậm chí là còn vượt trội hơn cả máy bay trinh sát tương đương của Trung Quốc.

Nhưng làm thế nào dung hòa công nghệ của Mỹ và trang thiết bị có sẵn từ thời Liên Xô hay của Nga ? Trước mắt giới phân tích chưa thể giải đáp.

Vấn đề còn lại là liệu rằng nền công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ có nắm bắt cơ hội hợp tác với Mỹ để làm chủ những công nghệ mới hay không. Chỉ biết rằng, thủ tướng Narendra Modi đã được tiếp đón trọng vọng tại Hoa Kỳ và ông đang chuẩn bị lên đường đến Paris. Ấn Độ là khách mời danh dự của Pháp nhân dịp lễ Quốc Khánh 14 tháng 7 sắp tới. Từ 2016 New Delhi là một trong những khách hàng sử dụng chiến đấu cơ Rafale, biểu tượng của nền công nghiệp hàng không quân sự Pháp.  

Thanh Hà

Bài Liên Quan

Leave a Comment