Những nô lệ tình dục cuối cùng của Nhật Bản trong Thế chiến II: \’Đừng quên chúng tôi\’

\"Bà
Chụp lại hình ảnh,Bà Quilantang lãnh đạo nhóm \”phụ nữ mua vui\” còn sống cuối cùng ở Philippines

  • Tác giả,Joel Guinto và Virma Simonette
  • Vai trò,từ Singapore và Manila
  • 15 tháng 7 2023

Cảnh báo: bài viết này có các chi tiết có thể gây thấy khó chịu.

Khi bà Pilar Galang khập khiễng chống gậy vào một căn phòng toàn những phụ nữ ngoài tám mươi tuổi ở một thị trấn hiu quạnh của Philippines, đột nhiên bà không nhớ được vì sao mình đang mặc chiếc váy hoa yêu thích.

Bà cụ 88 tuổi liếc nhìn chị dâu Maria Quilantang. Đó là cách để bà nhớ lại. Hai bà đang tham dự một buổi gặp mặt của những người từng là nô lệ tình dục trong Thế chiến II – những người được gọi là \”phụ nữ mua vui\” bị Lục quân Đế quốc Nhật Bản ép vào các nhà thổ quân sự ở Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc và Indonesia.

Khoảng 20 phụ nữ ở làng nông Mapaniqui nằm trong số những người còn sống cuối cùng ở Philippines.

Khi còn là những thiếu nữ, họ bị bắt cóc khỏi nhà, kéo lê trên những con đường bụi bặm và bị giam cầm trong một ngôi nhà màu đỏ như máu, nơi họ bị cưỡng hiếp nhiều lần. Bây giờ ở độ tuổi cuối 80 và đầu 90, họ tiếp tục đấu tranh đòi Nhật Bản xin lỗi công khai và bồi thường, cả hai điều mà họ bị lảng tránh trong nhiều thập kỷ. Họ kể lại nỗi đau của mình cho những người sẵn sàng lắng nghe, hy vọng rằng họ sẽ không bị thế giới lãng quên ngay cả khi ký ức của chính họ đã nhạt phai.

Có gần 200.000 người từng là nô lệ tình dục của Nhật Bản trong Thế chiến II, chủ yếu là người Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, hiện chỉ còn chín người còn sống. Ở Đài Loan, người sống sót cuối cùng đã qua đời vào tháng 5/2023. Việc Nhật Bản từ chối đối mặt với quá khứ chiến tranh và bồi thường thiệt hại là nguyên nhân gây ra căng thẳng với các quốc gia láng giềng.

Trong một hiệp ước hòa bình năm 1951 với Nhật Bản, Philippines đã đồng ý từ bỏ yêu cầu bồi thường chiến tranh. Mặc dù các cựu nô lệ tình dục nói rằng họ sẽ không công nhận điều này, Philippines, nước có nguồn viện trợ phát triển hàng đầu từ Nhật Bản, đã miễn cưỡng yêu cầu Tokyo bồi thường.

“Chúng tôi hy vọng có được công lý trước khi chết,” bà Quilantang, trưởng nhóm và là người thẳng thắn nhất trong số họ, nói. \”Chúng tôi chỉ còn lại một vài người và tất cả chúng tôi đều đã ở tuổi xế chiều.\”

\"Bà
Chụp lại hình ảnh,Bà Maria Quilantang (trái) và Pilar Galang (phải) bị lính Nhật hãm hiếp trong Thế chiến thứ hai

Vào một buổi chiều oi ả, nhóm phụ nữ tự gọi mình là ‘Malaya Lolas’ hay ‘Bà ngoại tự do’ trong tiếng Philippines, đã tụ tập giống như họ đã làm trong nhiều thập kỷ qua để hát lên câu chuyện của mình bằng những câu hát cappella chậm rãi.

\”Chúng tôi đã khóc. Chúng tôi cầu xin một chút lòng trắc ẩn. Trái tim thú tính của chúng chỉ khao khát sự thỏa mãn. Năm 14 tuổi, tôi bị vấy bẩn\”, nhóm Malaya Lolas hát.

Bà Quilantang pha trò để giúp những người bạn của mình thoải mái: hát trước khán giả không khác gì hát karaoke, bà nói với họ. Không có lo lắng nào mà việc nhai trầu không giải quyết được.

Sau đó, bà Quilantang trở nên nghiêm túc. Bà mới chỉ tám tuổi khi bị hãm hiếp trong ngôi nhà màu đỏ ở giữa cánh đồng lúa. Cho đến ngày nay, bà vẫn hồi tưởng khi nhìn thấy ngôi nhà đó từ bên kia đường cao tốc. Đã đổ nát, nhưng ngôi nhà vẫn đứng vững, hiện đang thu hút những người săn ma và các nhà sử học.

\"Những
Chụp lại hình ảnh,Những công trình đã mục nát của quá khứ vẫn còn đó, bao gồm cả ngôi nhà màu đỏ nơi họ bị hãm hiếp

Rất nhiều công trình đổ nát từ Thế chiến II vẫn tồn tại ở ngôi làng của các bà ngoại, nằm ở thị trấn Candaba, cách thủ đô Manila hai giờ lái xe về phía bắc – mặc dù giờ đây nơi này được biết đến với các trang trại trứng vịt và cá rô phi hơn là quá khứ thời chiến đen tối.

Bà Quilantang nói rằng chỉ những điều bình thường hơn nhiều cũng khiến bà hồi tưởng. Khi nhìn thấy mặt đất ướt sũng trong mưa, bà nhớ lại khoảng thời gian bị giam cầm và nguồn nước uống duy nhất là vũng nước trong dấu chân của những con trâu cày ruộng.

\”Những gì đeo bám chúng tôi là một gánh nặng,\” bà nói. \”Tôi có rất nhiều ước mơ khi còn là một đứa trẻ.\”

Bà Quilantang nói rằng những gì diễn ra đã cướp đi tuổi thơ của bà, một nền giáo dục tốt và cuộc sống gia đình hạnh phúc khi cha bà qua đời trong chiến tranh: \”Tôi đáng lẽ được mặc những bộ quần áo đẹp khi còn là một cô bé. Thay vào đó, chúng tôi liên tục bị đưa đi từ nơi này sang nơi khác, liên tục sợ hãi người Nhật.\”

Tuy nhiên, bà coi mình vẫn may mắn vì đã kết hôn với một người nông dân và xây dựng gia đình. Nhiều “phụ nữ mua vui” người Philippines khác phải chịu sự phân biệt đối xử trong cộng đồng và trong chính gia đình của họ.

Bà Maxima dela Cruz muốn tham dự buổi họp mặt chiều hôm đó, nhưng bà không thể đến vì đang nằm liệt giường. Ở tuổi 94, bà là một trong những người lớn tuổi nhất trong nhóm.

Bà nhìn những ngày tháng ở thị trấn Mapaniqui chậm chạp trôi qua từ cửa sổ nhà mình. Khi còn trẻ, bà là một trong những nhà vận động tích cực nhất của Malaya Lolas.

\”Tôi đã từng tham dự rất nhiều cuộc biểu tình. Tôi đã đến Nhật Bản, Hong Kong, thậm chí cả châu Âu,\” bà nói. \”Các luật sư đã giúp đưa chúng tôi đến tất cả những nơi này. Mọi thứ vẫn rõ ràng với tôi, ăn sâu vào tâm trí tôi ngay cả khi cơ thể tôi bây giờ yếu ớt.\”

\"Bà
Chụp lại hình ảnh,Bà Maxima dela Cruz dành phần lớn thời gian của tuổi xế chiều nằm trên giường

Sau chiến tranh, bà dela Cruz nói rằng bà buộc phải làm việc và không thể đến trường vì phải phụ giúp trang trại của cha mẹ. Khi kết hôn năm 16 tuổi, bà nhớ rõ ràng cả gia đình ăn mừng bằng cách chia sẻ một con gà thay vì tổ chức tiệc cưới.

\”Sẽ thật tốt nếu Nhật Bản bồi thường cho chúng tôi một chút gì đó để trang trải chi phí hàng ngày,\” bà nói.

Luật sư của họ, Virginia Suarez, cho biết việc nhớ lại quá khứ luôn khiến những bà cụ trong nhóm Malaya Lolas xúc động.

\”Họ thấy tự do khi được kể câu chuyện của mình qua một bài hát. Bạn không thể im lặng khi phải chịu đựng những gì họ đã trải qua. Đó sẽ là sự tra tấn thêm\”, bà Suarez nói thêm.

Nhật Bản đã kiên quyết rằng bất kỳ nỗ lực đòi bồi thường nào của phụ nữ Philippines phải được chính phủ của họ ủng hộ. Lời kêu gọi của nhóm Malaya Lolas nhằm buộc chính phủ phải đồng ý đã được đưa lên tới Tòa án Tối cao, nhưng không thành công.

Họ đã mang vụ việc của mình tới Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt đối xử với phụ nữ (Cedaw) của Liên Hợp Quốc, cơ quan đã ra phán quyết rằng Manila phải bồi thường cho các cụ bà và xin lỗi họ vì hàng chục năm chịu đau khổ và phân biệt đối xử vào tháng 3/2023.

\"Ngôi
Chụp lại hình ảnh,Ngôi làng Mapaniqui ngày nay được biết đến với các trang trại trứng vịt và cá rô nhiều hơn so với quá khứ chiến tranh

“Đây là khoảnh khắc chiến thắng mang tính biểu tượng đối với những nạn nhân trước đây đã bị im lặng, phớt lờ, xóa tên và xóa khỏi lịch sử ở Philippines”, bà Marion Bethel, thành viên của Cedaw nói.

Bà Suarez, luật sư của nhóm Malaya Lolas, cho biết các cơ quan chính phủ đã viện trợ hàng ngàn peso cho các thân chủ của mình kể từ phán quyết của Cedaw. Tuy nhiên, bà nói thêm, họ sẽ không bao giờ ngừng vận động để có được lời xin lỗi từ Nhật Bản.

\”Một lời xin lỗi thực sự quan trọng đối với các bà cụ vì đó là sự thừa nhận hành vi sai trái,\” luật sư này nói. \”Nhật Bản đã gây ra một tội lỗi rất nghiêm trọng đối với họ. Thế giới không nên quên điều đó và họ phải trả giá cho điều đó.\”

Đối với bà Quilantang, cuộc đấu tranh sẽ tiếp diễn chừng nào mọi người còn lắng nghe.

\”Chúng tôi là một nhóm bạn rất thân thiết và chúng tôi có nhiều người giúp đỡ. Chúng tôi muốn công lý. Miễn là mọi người mời chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục hát.\”

Nếu bạn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trong câu chuyện này, bạn có thể liên hệ với đường dây hành động của BBC.

Bài Liên Quan

Leave a Comment