Ông Vũ Văn Ninh bị qui trách nhiệm vụ cảng Quy Nhơn
.
Báo chí trong nước đồng loạt đăng tải về vai trò của cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong việc bán hết cảng biển Quy Nhơn cho tư nhân.
Động thái này diễn ra sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố về kết luận theo đó nói ông Vũ Văn Ninh \”có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải\”.
Ngày 1/10/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn trong đó nói việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã thực hiện không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 và \”75,01% cổ phần mà Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước; các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật\”.
Bài của báo Tuổi Trẻ hôm 6/5/2019 mô tả điều báo này gọi là \”trong vòng chưa đến 2 năm, từ là tài sản của Nhà nước, cảng Quy Nhơn đã về tay doanh nghiệp tư nhân\”.
Sự việc xảy ra được cho là liên quan tới hai văn bản của ông Ninh ký hồi tháng 2/2013, tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và đặc biệt là tháng 9/2014 theo đó bán hết vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn.
Chỉ một năm sau đó, tới tháng 9/2015, 86,23% vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên cảng Quy Nhơn đã do Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành, một công ty tư nhân ở Hà Nội nắm giữ, theo truyền thông trong nước.
Những \”vi phạm và khuyết điểm\” mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói tới xảy ra trong giai đoạn ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng quy trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có sai phạm và yêu cầu thu hồi vốn nhà nước, tuy nhiên đến nay việc thu hồi này \”vẫn chưa thực hiện xong\”, theo truyền thông trong nước.
Quyết định kỷ luật một cựu phó thủ tướng cho thấy dường như chiến dịch chống tham nhũng không dừng lại ở hàm bộ trưởng, theo nhận định của một nhà quan sát muốn ẩn danh tại Hà Nội. \”Tới đây có khả năng sẽ có thêm các \”Táo kinh tế khác\” được mang ra xử lý\”, người này nói thêm.
Ông Vũ Văn Ninh là Bộ trưởng Bộ Tài chính trong hơn 5 năm và là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trong hơn 3 năm.
Ngồi ghế phó thủ tướng từ tháng 8/2011, ông Vũ Văn Ninh được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm kiêm nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội động quản trị của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từ ngày 1 tháng 1 năm 2008.
Thanh tra chính phủ hồi năm 2016 nói \”siêu tổng công ty SCIC\” để xảy ra nhiều sai phạm.
Ông Ninh cũng được Thủ tướng Dũng cử làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, doanh nghiệp nhà nước đầy bê bối.
Luật sư Trần Vũ Hải bình luận trên Facebook cá nhân rằng ông \”Tôi đọc kỹ nội dung, tôi không thấy mấy ông (ông Đinh La Thăng, ông Vũ Văn Ninh) sai cái gì.
\”Tôi ủng hộ bán hết cổ phần của doanh nghiệp nhà nước đối với những cơ sở vật chất này. Quan trọng là quá trình bán, phải bán đấu giá, đấu thầu chọn nhà đầu tư chiến lược và cam kết (có bảo đảm) thực hiện đúng việc quản lý, khai thác và đầu tư cảng.\”
Thời báo Kinh tế Việt Nam vào cuối năm ngoái mô tả \”Khối cảng biển thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã có sự chuyển biến mạnh mẽ sau giai đoạn tái cơ cấu, cổ phần hóa\” trong khi báo Pháp luật vào tháng Ba năm nay mô tả Nhiều cảng biển \”thay da đổi thịt\” sau cổ phần hóa.
Báo Công an Tp HCM hồi tháng 1/2018 có bài \”Cảng Quy Nhơn cổ phần hóa bán cho tư nhân với giá rẻ \”bèo\”: Ai chịu trách nhiệm?\”
Bài báo nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai trong việc cổ phần hóa cảng này.
Nguồn: BBC