\’Chiếc kéo cùn\’ trong tay Donald Trump, Bắc Kinh còn gì lo sợ
14/08/2019
Các thị trường tài chính đồng loạt tăng vọt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục ra đòn quyết định bất thường mới. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn loay hoay chưa thoát ra được những khó khăn bao trùm.
Thêm một quyết định bất ngờ
Ngay đầu giờ sáng phiên giao dịch 13/8 (đêm qua giờ Việt Nam), chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ hoãn một phần kế hoạch áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại từ 1/9 như ông Trump tuyên bố trước đây.
Thay vào đó, một lượng hàng hóa khoảng 150 tỷ USD trong tổng số 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nói trên sẽ được lui thời điểm áp thuế đến ngày 15/12 với một lời giải thích khá thú vị: ông Trump muốn có một Giáng sinh vui vẻ, các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng trong mùa mua sắm cuối năm.
Theo văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), các nhóm mặt hàng được lùi thuế bao gồm: điện thoại di động, laptop, video game, một số đồ chơi, màn hình máy tính và một số mặt hàng giày dép, quần áo, đồ trang trí, cây thông Noel,…
Thông tin này đã gián tiếp xác nhận những ảnh hưởng tiêu cực của thuế quan lên nước Mỹ – một điều mà ông Trump từ trước tới này hầu như không nhắc tới. Tuy nhiên, sự bất thường là điều hay thấy ở ông chủ Nhà Trắng và dường như đã trở thành bình thường.
Chỉ có điều là, ngay sau quyết định của chính quyền ông Trump, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tăng mạnh trở lại. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 370 điểm và lấy lại ngưỡng 26 ngàn điểm.
Cụ thể, Dow Jones tăng 372,54 điểm, tương đương 1,44%, lên 26.279,91 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng tăng gần 1,5, lên 2.926,23 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq tăng gần 2% lên 8.016,36 điểm.
Tất cả 11 lĩnh vực chính trong chỉ số tầm rộng S&P 500 đều tăng điểm, trong đó công nghệ và tiêu dùng tăng nhiều nhất.
Cổ phiếu Apple tăng vọt sau thông tin trên.
Sở dĩ phố Wall tăng mạnh trở lại vì thông tin lùi thuế đã mang lại tín hiệu tích cực cho thương mại. Hơn thế, các doanh nghiệp Mỹ đang vào cuối mùa báo cáo lợi nhuận quý 2. Mùa kinh doanh cuối năm, dịp Giáng sinh cũng sẽ có ảnh hưởng lớn lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quan đó ảnh hưởng tới kinh tế và chứng khoán Mỹ.
Quyết định của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh những thông tin về kinh tế Mỹ vẫn khá tốt và có thể khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa đẩy mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất như kỳ vọng của ông chủ Nhà trắng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 7 vừa qua tăng khá mạnh, 2,2% so với cùng kỳ năm trước và vượt mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Một khi Fed không tiếp tục hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới, kỳ vọng của thị trường sụp đổ thì TTCK Mỹ có thể còn giảm sâu. Thước đo sự thành công, theo quan điểm của ông Trump, sẽ gây áp lực lớn lên chính vị tổng thống đời thứ 45 của Mỹ.
Bên cạnh đó, những tín hiệu về đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm thấp nhất 12 năm cũng là yếu tố mà chính quyền ông Trump phải cân nhắc. Nó cho thấy sự lo ngại về thương mại và bất ổn địa chính trị.TÀI TRỢ
Dền dứ tăng thuế, cú đòn “chiếc kéo cùn”
Một quyết định lùi thời gian áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào thời điểm này ngay lập tức tác động tích cực tới thị trường tài chính Mỹ: chứng khoán tăng điểm mạnh trở lại; chênh lệch lợi suất trái phiếu Mỹ được nới ra; kinh doanh thuận lợi cuối năm cũng giúp các doanh nghiệp Mỹ có sức đề kháng tốt hơn trước một cuộc chiến thương mại phía trước.
Theo những thông tin từ phố Wall, mùa báo cáo lợi nhuận quý 2/2019 cho thấy phần lớn các doanh nghiệp có cổ phiếu thuộc S&P 500 thu lợi nhuận vượt kỳ vọng. Diễn biến tích cực này có thể tiếp diễn trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng trở lại và chính quyền ông Trump vẫn đang áp dụng chương trình cắt giảm thuế lớn.
Còn ở phía bên kia chiến tuyến, chính quyền Bắc Kinh lại đối mặt với khá nhiều khó khăn.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 2 vừa qua đã xuống mức thấp nhất trong vòng gần 3 thập kỷ qua. Tác động tiêu cực của các lệnh áp thuế của chính quyền Washington được đánh giá là khá rõ ràng.
Không những thế, theo WSJ, bức tranh kinh tế của Trung Quốc thực tế còn ảm đạm hơn với nhiều số liệu mà Bắc Kinh đưa ra bị nghi ngờ là đã được làm đẹp.
Điều đáng lo ngại nhất chính là việc Bắc Kinh không biết điều gì đang xảy ra, cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ kết thúc như thế nào khi ông Donald Trump nổi tiếng là bất thường, có thể quay ngoắt thái độ chỉ sau 1 đêm.
Chỉ một tháng rưỡi trước đó, ông Trump bất ngờ bắt tay với ông Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Nhật, song sau đó lại quay ngoắt 180 độ ra quyết định áp thuế toàn bộ số hàng hóa còn lại của Trung Quốc, rồi gán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ và nay lại lui thời hạn 50% số hàng hóa theo kế hoạch thêm vài tháng.
Chưa biết điều gì đã xảy ra, nhưng sau mỗi một lần như vậy, làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc lại lên cao. Các doanh nghiệp lo sợ và đều đã có kế hoạch cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Trong một động thái mới nhất, theo Reuters, Foxconn đang đàm phán để ủy quyền cho ngân hàng bán nhà máy 8,8 tỷ USD mới xây tại Quảng Châu, Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu màn hình LCD suy yếu và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Hay hãng sản xuất máy photocopy và máy in của Nhật là Kyocera tuyên bố sẽ chuyển mảng sản xuất phục vụ thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam cho dù có thể tốn 1 tỷ yen Nhật chi phí tiền di dời.
Theo USA Today, hàng loạt công ty Mỹ cũng lên kế hoạch rời khỏi Trung Quốc tới Đông Nam Á và Mexico bởi cuộc chiến thương mại đã sang năm thứ 2. Trong đó, có những cái tên như GoPro, GAP, Brooks Running, Crocs, Apple,…
Không ai biết điều gì sẽ xảy ra, Trung Quốc cũng vậy. Làn sóng rút vốn vẫn tiếp diễn. Tâm lý thấp thỏm lo sợ sau những quyết định bất ngờ, hay những đòn theo kiểu “chiếc kéo cùn” của ông Trump rồi những bất ổn tại Trung Quốc, cũng như sự rối loạn tại Hong Kong,… khiến các thị trường tài chính Trung Quốc chao đảo, chứng khoán tụt giảm, đồng NDT biến động mạnh.
V. Hà