Bầu cử 2020: Cử tri đảng Dân chủ ở Thái Lan nói \’đi bầu để bảo vệ nền dân chủ\’
- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
31 tháng 8 2020Cập nhật 9 giờ trước
Cử tri ủng hộ đảng Dân chủ tại Bangkok Thái Lan nói họ sẽ dùng lá phiếu để tạo ra thay đổi tích cực cho nước Mỹ.
Annie Robertson là một cô gái 19 tuổi mang hai dòng máu Mỹ và Thái Lan. Trong thời gian đợi nhập học tại đại học ở Mỹ, cô phụ trách mạng xã hội cho Câu lạc bộ Ký giả Ngoại quốc tại Thái Lan (FCCT). Annie đã đăng ký bầu cử khiếm diện ở tiểu bang Massachusetts.
\”Kỳ bầu cử này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Đây là lần đầu tiên tôi thực hiện quyền bầu cử của mình\”, cô chia sẻ với BBC News Tiếng Việt trong sự kiện \’\’Democrat Convention Watch & Voter Registration\’\’ của tổ chức Democrats Abroad ngày 20/8, giúp công dân Mỹ sống ở Thái Lan ghi danh nhận phiếu bầu qua thư.
\”Diễn biến trong vài năm qua thôi thúc tôi đi bầu và tôi nghĩ những người ở thế hệ mình đều có chung suy nghĩ: chúng tôi bỏ phiếu để tạo ra sự thay đổi tích cực cho nước Mỹ\”.
\’Đi bầu để bảo vệ nền dân chủ\’
Dân chủ Hải ngoại (Democrats Abroad) là một tổ chức của đảng Dân chủ có mặt tại ít nhất 190 quốc gia. Sự kiện tại Bangkok vừa qua nằm trong chuỗi hoạt động của phân hội Thái Lan nhằm khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Theo Giáo Sư Carl Thayer, truyền thống bầu cử chỉ ra rằng tổng số cử tri đi bầu càng đông thì càng có lợi cho đảng Dân chủ. Vì lúc đó có sự tham gia của các công dân nhập tịch, người da đen, các cộng đồng thiểu số.
Dưới thời ông Trump, đa số các cử tri da trắng không có trình độ học vấn cao là những ủng hộ viên nhiệt thành của tổng thống đương nhiệm. Trong hoàn cảnh đó, cuộc vận động \”bỏ phiếu cho phe ta\” của đảng Dân chủ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Sự kiện \”xúc tiến bầu cử\” tại Bangkok minh họa cho điều đó.
Ông Kevin Cullen, Giám đốc điều hành của Trung tâm Tiếng Anh Vantage Siam, người chọn Thái Lan làm quê hương thứ hai, cũng không thôi ưu tư về chính trị nước nhà. Ông cho biết đã đăng ký bỏ phiếu khiếm diện với mong muốn chấm dứt những gì tồi tệ đang diễn ra tại Mỹ.
Ông nói: \”Kỳ bầu cử này với tôi là một cuộc đấu tranh vì dân chủ. Tôi cho rằng những gì ông Trump đã làm có thể so sánh với những gì xảy ra tại Đức vào năm 1933 và sau đó, khi Hitler lên nắm quyền. Điều này chưa có tiền lệ tại Mỹ\”.
Bà Brit Marie Elstroth, giáo viên quốc tế học, cho biết đã đăng ký bầu cử từ một tháng trước tại đơn vị bầu cử ở tiểu bang California.
\”Bầu cử ở Mỹ là quyền nên không phải ai cũng đi bầu. Theo tôi, quyết định bỏ phiếu của mỗi người ảnh hưởng đến cộng đồng, đến giáo dục, đến trẻ em, đến môi trường… và mọi thứ. Do đó, tôi nghĩ mọi người nên đi bầu\”, bà nói.
\”Tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi ở Mỹ, đất nước dấu yêu của tôi trong vòng 4 năm qua, nhất là một năm trở lại đây. Tôi còn rất nhiều bạn bè và người thân ở Mỹ nên tôi rất lo ngại cái môi trường hiện nay, nơi mọi người chia rẽ, chọn phe phái. Đấy là chuyện chưa có tiền lệ\”.
\”Tôi cảm thấy vị tổng thống hiện nay rất nguy hiểm, thiếu tự tin và có rất nhiều tính xấu. Cho nên mọi người hãy nhìn vào chính sách, nhìn vào những gì đang diễn ra, nhìn vào con người này và bỏ phiếu. Nếu quan tâm đến môi trường, đến dân chủ, quan tâm đến người dân, thì mỗi người sống ở Mỹ đều nên đi bỏ phiếu, những người ở hải ngoại như tôi cũng vậy\”, bà Brit Marie Elstroth nói.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, bà Meghan Driscoll, thư ký Democrats Abroad ở Thái Lan, nói:
\”Với công dân Mỹ, kỳ bầu cử này có thể là cơ hội cuối cùng để mang lại sự chuyển đổi trong hòa bình, lập nên một chính quyền khác\”.
\”Đây là kỳ bầu cử mang đến đổi thay trong chính sách tiếp cận chăm sóc y tế, công bằng xã hội, công lý và cải tổ luật nhập cư\”.
\”Chứng kiến những gì đang diễn ra, chúng tôi thấy cần lên tiếng cho công bằng và cho một nước Mỹ tốt đẹp hơn. Dù sống ở nước ngoài, chúng tôi vẫn đóng thuế như công dân Mỹ, Mỹ vẫn là nhà. Vì thế chúng tôi nên đi bầu, nên tham gia vào tiến trình dân chủ – ở đây là bầu cử\”.
\”Không chỉ là bầu cử tổng thống mà còn các cuộc bầu cử khác như dân biểu, thượng nghị sĩ. Điều này cực kỳ quan trọng và chúng ta cần sự thấu đáo để chọn ra những người chắc chắn sẽ làm hết mình đem lại điều tốt nhất cho người dân Mỹ\”, bà Meghan chia sẻ.
Là một nhà hoạt động nhân quyền lâu năm, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch cho biết ông rất quan ngại về các chính sách liên quan đến nhân quyền của chính quyền Donald Trump. Ông nhấn mạnh rằng người Mỹ, dù ở trong nước hay ngoài nước, nên trân trọng quyền bầu cử của mình để giúp nước Mỹ thoát khỏi tình cảnh hiện tại.
\”Tôi cho rằng người Mỹ hải ngoại nên nỗ lực nhiều hơn. Hãy hiểu rằng lá phiếu của họ quan trọng. Hiện nay chúng tôi có khoảng chín triệu người Mỹ sống ở nước ngoài nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó đi bỏ phiếu. Điều đó là rất đáng xấu hổ\”, ông nói.
\”Dù sống ở đâu thì người Mỹ cũng nên đi bầu. Họ cần có tiếng nói trong nền dân chủ Mỹ và không nên từ bỏ quyền chọn ra người lãnh đạo đất nước. Bạn biết đấy, có nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, người dân không được bầu lãnh đạo một cách dân chủ. Do đó, người Mỹ có quyền này trong tay rồi thì nên sử dụng\”, ông Phil nhấn mạnh.
Nước Mỹ \’lâm nguy\’
Luật sư về hưu George Rothschild, người đã sống nhiều năm ở Đông Nam Á, dự kiến sẽ nhận được phiếu bầu vào giữa tháng 9. Sau đó ông tới Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok để bầu và phiếu của ông sẽ được gửi về tiểu bang quê nhà Texas.
\”Nước Mỹ đang ở ngã ba đường\”, ông nói với BBC News Tiếng Việt. \”Liệu chúng tôi sẽ có một chính phủ dân chủ, nơi người được bầu lên để phụng sự người dân, hay chính phủ sẽ tiếp tục suy thoái theo hướng trở thành một chính phủ chuyên quyền, nơi các vị dân cử và quan chức chính phủ cứ loay hoay chạy theo một lãnh tụ vĩ đại?\”
Ông cho biết ý định của mình: \”Tôi sẽ bầu cho Joe Biden và Kamala Harris. Chắc chắn như vậy\”.
Ông Barry Satz, tư vấn tài chính, người đã sống ở Bangkok được tám năm, tỏ ra rất hào hứng trong sự kiện vận động bầu cử do Democrats Abroad tổ chức ở thủ đô Thái Lan.
\”Tôi tới đây để ủng hộ ông Biden. Tôi thực sự mong ông ấy thắng cử. Thật là tồi tệ khi nước Mỹ có một vị tổng thống như ông Trump\”.
Tương tự những người Mỹ đang ở Bangkok, ông Barry Satz sẽ tới Đại sứ quán để bỏ phiếu. Từ đây, lá phiếu sẽ được chuyển về tiểu bang quê nhà Michigan.
Buổi tối hôm diễn ra sự kiện, ông mặc áo thun có dòng chữ \”Make America Great\” (Làm nước Mỹ vĩ đại).
\”Tôi mặc chiếc áo này và thông điệp là chúng tôi sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại bằng cách đưa ông Trump vào trại giam, nơi mà ông ấy thuộc về\”.
\”Nước Mỹ hiện nay đang lâm nguy, với virus corona lan tràn, kinh tế suy thoái và rất nhiều bạo lực liên quan tới sắc tộc. Hầu hết những điều này đều xuất phát từ chính sách của Trump. Tôi thực sự nghĩ rằng ông Biden có thể làm tình hình tốt đẹp hơn lên cho người Mỹ\”, ông Barry Sets nói.
Ông Kevin Cullen thì nói những gì đang diễn ra hôm nay là điều mà 10 năm trước ông không thể nào ngờ tới.
\”Tôi đang rất lo về thể chế, về hệ thống tư pháp và lập pháp. Tất cả đều tha hóa. Chính sách con ông cháu cha không ngừng sinh sôi tại Mỹ. Trong cuộc thăm dò mới đây, cứ 10 người thì có 7 người không hài lòng về cách chính phủ đối phó với dịch virus corona. Những gì đang diễn ra ở Mỹ hiện nay là vô tiền khoáng hậu\”, ông nói.
Kevin Cullen cũng cho rằng cơ chế bầu cử Mỹ \”có vấn đề\”:
\”Nhìn lại kỳ bầu cử 2016 ta sẽ thấy hệ thống có vấn đề. Trump kém ba triệu phiếu phổ thông nhưng vẫn thắng cử. Nghĩa là các lá phiếu đã không có giá trị tương đương nhau. Tôi không nghĩ như vậy là công bằng. Xét ở góc độ đó thì hệ thống bầu cử đã được thiết kế sai. Mà điều này vốn xuất phát từ chế độ nô lệ hơn 200 năm trước\”.
Ông Phil Robertson thì cho rằng một khi ông Biden thắng cử, \”nhân quyền sẽ trở lại là một trong những yếu tố cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Mỹ\”.
\”Chúng tôi có truyền thống là lưỡng đảng đều ủng hộ các chính sách ngoại giao phản ánh giá trị Mỹ. Những giá trị đó là tự do ngôn luận, tự do lập hội và biểu tình ôn hòa. Nếu ông Biden làm chủ Nhà Trắng, chúng tôi sẽ có một vị tổng thống ủng hộ những giá trị đó và các quyền đó\”.
Trong trường hợp ông Trump thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, \”tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải chứng kiến một chính sách ngoại giao hỗn loạn, một sự thiếu chuyên nghiệp như chúng ta đã thấy, khi có nhiều quan chức cấp cao phải ra đi mà không có ai thay thế hoặc chỉ có người thay thế tạm thời\”, ông Roberson nói.
Ông cũng cho rằng cách mà Donald Trump đặt Mỹ và Trung Quốc vào thế đối chọi kiểu Chiến tranh Lạnh là \”sai lầm lớn\” vì có cách để Mỹ và Trung Quốc cùng tồn tại cạnh nhau mà vẫn đảm bảo Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, cũng như tôn trọng chủ quyền các quốc gia láng giềng và không đưa ra yêu sách vượt khỏi khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Đọc thêm về đề tài bầu cử Mỹ 2020
BBC News Tiếng Việt luôn ủng hộ những ý kiến đa chiều. Độc giả muốn đóng góp ý kiến về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, xin vui lòng liên lạc với chúng tôi tại email: Vietnamese@bbc.co.uk