Con TNLT Lê Đình Lượng nói bố \’tuyệt thực vì không còn cách nào khác\’
- Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
15 tháng 10 2020
Gia đình ông Lê Đình Lượng cho biết ông đang tuyệt thực để phản đối điều kiện sống hà khắc và bất công trong trại giam.
Ông Lê Đình Lượng là cựu chiến binh trong Chiến tranh biên giới Việt – Trung và là nhà hoạt động nông dân ở Nghệ An.
Ông bị bắt sau khi đi thăm gia đình gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai vào tháng 7/2017. Tháng 8/2018, ông bị đưa ra xét xử và bị tuyên 20 năm tù giam tội \’lật đổ chính quyền nhân dân\’.
Hôm 14/10, chị Nguyễn Xoan, con dâu ông Lượng, xác nhận với BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ Nghệ An rằng ông Lượng \”đang tuyệt thực\”.
Chị Xoan nói: \”Ngày 04/10 vừa qua gia đình tôi ra trại giam Nam Hà để thăm bố tôi. Trong cuộc nói chuyện, điều đầu tiên bố tôi thông báo là Chủ Nhật này (11/10) bố sẽ tuyệt thực để đòi quyền lợi cho mình và các tù nhân khác trong trại.\”
\”Lý do đầu tiên là do trại giam Nam Hà đã coi thường niềm tin tôn giáo của bố tôi. Họ không cho bố dùng Kinh Thánh.\”
\”Thứ hai là không khí và nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng nề. Do gần trại giam có núi đá, ngày đêm khai thác, khói bụi và ồn ào từ sáng đến tối.\”
\”Rồi thêm cả việc họ đốt thứ gì đó khiến các mảnh vụn bay vào tận buồng giam làm bố tôi và mọi người ở đây không thể nào thở được.\”
\”Giấc ngủ bị ảnh hưởng bởi bụi bặm và tiếng động ồn ào kể cả giờ trưa lẫn đêm khuya. Tình trạng này đã kéo dài rất lâu rồi. Bố tôi đã nhiều lần kiến nghị rồi nhưng họ dửng dưng không quan tâm.
\”Bố tôi nói sẽ xin giấy bút để làm đơn khiếu nại thì trại giam cũng không cho sử dụng giấy bút.\”
\”Gia đình tôi rất lo lắng và đã khuyên bố nên dùng biện pháp khác để đấu tranh vì tuyệt thực không tốt cho sức khỏe. Nhưng bố nói bây giờ bố không còn cách nào khác, tuyệt thực là cách cuối cùng bố có thể làm để đấu tranh cho những tù nhân ở đó.\”
\”Khi chúng tôi ra về, bố nói nếu có gì thay đổi thì bố sẽ gọi điện về. Nhưng nếu không thì có nghĩa là bố vẫn đang tuyệt thực. Từ đó tới nay gia đình tôi không nhận được cuộc gọi nào của bố.\”
\”Dạo gần đây chúng tôi thấy sức khỏe của bố sa sút, xanh xao. Một phần vì không ngủ được do tiếng ồn, và do không khí, nguồn nước ô nhiễm, lại phải ngủ dưới nền nhà chứ không có giường. Bố tôi nói mọi tù nhân ở đây sức khỏe đều sa sút chứ không riêng gì bố.\”
Vì sao ông Lê Đình Lượng bị tù?
Phiên tòa sơ thẩm ở Nghệ An tháng 8/2020 tuyên ông Lượng 20 năm tù, mức án được cho là cao nhất từ trước tới nay cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam vì tội \”Lật đổ chính quyền nhân dân\” theo Điều 79, Bộ luật hình sự.
Báo Nghệ An từng viết rằng ông Lê Đình Lượng là \”đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân\”.
Báo này cũng viết rằng ông Lượng đã tuyên truyền, lôi kéo những người dân \”có tư tưởng chống đối ở Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia vào tổ chức Việt Tân\”.
Trong khi đó, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người từng bị bỏ tù, cho biết, ông Lượng đã tham gia đòi chống lạm thu thuế nông nghiệp, lạm thu học đường cho người dân, buộc chính quyền thừa nhận và trả lại tiền.
Ông Quân nói rằng ông Lượng thường hay giúp các cựu chiến binh và người dân địa phương làm đơn khiếu nại, đòi quyền lợi trong các vụ việc mà họ cho là bất công.
Còn theo luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài – người cũng từng là tù nhân chính trị – ông Lượng không được biết đến nhiều trong phong trào đấu tranh dân chủ, nhưng ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì \”ông rất có uy tín với người dân và cộng đồng Công giáo. Những người đấu tranh xuất thân từ hai tỉnh nói trên đều rất kính trọng ông và ông có ảnh hưởng với họ. Trong con mắt của an ninh Bộ Công an và tỉnh Nghệ An thì ông Lê Đình Lượng là cái gai cần phải nhổ đi từ lâu\”.
Ông Lượng cũng từng tham gia nhiều cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, trong đó có biểu tình phản đối công ty thép Formosa Hà Tĩnh trong vụ xả thải chất độc hại, hủy diệt môi trường biển miền Trung Việt Nam.
Năm 2018, sau phiên tòa xét xử ông Lê Đình Lượng, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam đảo ngược bản án và trả tự do cho ông Lượng ngay lập tức.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc HRW khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phát biểu rằng ông Lê Đình Lượng đã tham gia nhiều hoạt động mà nhà cầm quyền Việt Nam cho là không thể chấp nhận được, bao gồm việc phản đối liên quan đến tôn giáo và môi trường.
Các trường hợp tù nhân lương tâm tuyệt thực
Trước ông Lê Đình Lượng, nhiều nhà hoạt động khác cũng từng tuyệt thực để phản đối các bất công trong tù.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng hiện đang chịu án tù 16 năm tù với tội danh \”hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân\”, đã từng tuyệt thực hơn một tháng để phản đối trại giam \’cô lập\’ ông.
Blogger Điếu Cày, nhà bất đồng chính kiến hiện đang sống tỵ nạn ở Mỹ, cũng từng có \’kinh nghiệm tuyệt thực trong tù\’, với lần lâu nhất là 33 ngày.
Năm 2018, mẹ của cựu tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (mẹ Nấm) cho hay bà Quỳnh tuyệt thực hai tuần để phản đối \’hành động khủng bố của trại giam\’.
Năm 2019, gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Bắc Truyển cho hay hai người tuyệt thực ở trại tù An Điềm tỉnh Quảng Nam để phản đối cán bộ trại giam \”ngược đãi và áp dụng kỷ luật biệt giam\”.
Cũng năm 2019, có thông tin rằng trại giam số 5 Thanh Hóa và trại giam số 6 Nghệ An \’ngược đãi đù nhân chính trị\’ khiến tù nhân chính trị Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Trung Trực, Đào Quang Thuận và Trần Phi Dũng phải tuyệt thực để phản đối.
Việc này đã khơi mào cho hơn 1.000 cá nhân và nhiều tổ chức trong và ngoài nước ký tên vào một tuyên bố công khai trên mạng xã hội phản đối các nhà tù ngược đãi tù nhân chính trị vào tháng 7/2019.
An ninh Tivi sau đó có phóng sự video với tiêu đề \’Sự thật về các chiêu trò tuyệt thực của các \’tù nhân lương tâm\’, cho rằng đây là chiêu trò để \”thu hút sự chú ý của dư luận và các thành phần bất mãn\”, với \’ý đồ\’ \”để các nước như Mỹ, liên minh châu Âu đưa Việt Nam vào danh sách bị theo dõi về nhân quyền\”.
Đại tá Nguyễn Văn Minh phát biểu rằng \”các tổ chức quốc tế qua kiểm nghiệm đều thừa nhận rằng tình hình nhân quyền nói chung ở Việt Nam và tình hình tù nhân trong các trại giam đã ngày một tốt hơn\”.
Còn trong Báo cáo Nhân quyền 2019 của Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao nước này viết: \”Tù nhân ở Việt Nam thường phải nhận thức ăn có chất lượng thấp, điều kiện giam giữ chật chội. Thậm chí, có tù nhân không được chăm sóc y tế khi có bệnh. Giới chức nhà tù cũng không kiểm soát được tình trạng tù nhân đánh tù nhân… Các tù chính trị thường bị chuyển đi các trại giam xa gia đình, điển hình là ông Lê Đình Lượng, Nguyễn Trung Trực.\”