VN: Các nhà làm phim nói gì về \’kiểm duyệt\’ và \’lạm quyền\’?
- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
4 giờ trước
Nhiều phim điện ảnh ở Việt Nam không lọt qua lưới kiểm duyệt nhưng lại đạt giải tại các liên hoan phim quốc tế quy mô lớn nhỏ. Điều này đặt ra dấu hỏi trong vấn đề kiểm duyệt phim tại Việt Nam.
\”Từ lâu, điện ảnh đã trở là một quyền lực mềm của nhiều quốc gia, giúp ảnh hưởng văn hóa, kích thích tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, không chỉ dừng lại ở văn hóa hay xuất khẩu văn hóa.\”
\”Việc kiểm duyệt khắt khe khiến Việt Nam có thể hãm phanh cơ hội ghi tên mình trên bản đồ điện ảnh quốc tế (điều mà các nhà làm phim mới ở Việt Nam đang làm rất tốt trong thời gian gần đây). Ngoài ra cũng khiến các nhà làm phim thị trường e dè trước những đề tài mới, thử thách, ẩn chứa nhiều rủi ro về kiểm duyệt. Khi không có nhiều nội dung mới, khả năng xuất khẩu cũng bị ít nhiều hạn chế.\” đạo diễn phim \”Thưa mẹ, con đi\” nói.
\’Án tử\’ cho nhiều phim đạt giải
Hôm 26/9, tọa đàm \”Ai góp ý giơ tay lên\” đã quy tụ hàng chục nhà làm phim nổi tiếng như: Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Hữu Tuấn…
Cụ thể, tháng 7 vừa qua, phim Vị nhận quyết định cấm chiếu từ Cục Điện ảnh. Nguyên nhân được đưa ra là trường đoạn khỏa thân kéo dài tới vài chục phút và nhiều cảnh trực diện.
Trong phim, có trường đoạn 4 người phụ nữ lao động chừng 50-60 tuổi và một cầu thủ bóng đá người Nigeria cùng ở trong một căn nhà, cùng sinh hoạt, ăn uống trong trạng thái khỏa thân.
Nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo của phim Vị – phim bị cấm cho rằng lệnh cấm là án tử khiến chị và đạo diễn Lê Bảo đã từ bỏ quyền sở hữu, quyền tác giả của mình với bộ phim để phim được ra đời.
Bà Phương Thảo nói: \”Phim của chúng tôi không có cảnh nào thô tục, dung tục. Những bài báo suy diễn đã làm tổn thương đến những cá nhân đã tham gia nhiệt tình và chân thành với bộ phim\”.
Nhà sản xuất phim Vị cho rằng lệnh cấm với phim \”không khác nào án tử của bộ phim\”.
\”Phim nhận lệnh cấm nhưng không được xem xét về góc độ nghệ thuật. Chúng tôi chỉ mong muốn phim được xem xét lại, phân loại độ tuổi, và được phổ biến đến phân khúc khán giả phù hợp là tại các liên hoan phim. Sẽ không có ai bỏ ra 7 năm cuộc đời để theo đuổi một bộ phim dung tục. Sẽ không có quỹ nào tin tưởng trao tiền cho một bộ phim không có bất cứ giá trị nghệ thuật nào.\” bà Thảo chia sẻ trong khuôn khổ tọa đàm.
Phim \”Vị\” của đạo diễn Lê Bảo vừa thắng Giải thưởng lớn ở hạng mục Cuộc thi tài năng mới quốc tế của LHP Đài Bắc 2021 vào ngày 28/9. Trước đó, phim \”Vị\” còn đoạt giải đặc biệt của ban giám khảo ở hạng mục Encounters tại LHP Berlin (Đức) vào tháng 3/2021.
Việc đưa phim dự LHP Berlin mà chưa được Cục Điện ảnh cấp phép khiến công ty sản xuất phim Vị bị phạt 35 triệu đồng.
Tương tự phim Vị, phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy từng bị phạt hành chính 40 triệu đồng vì lý do phim chưa được Cục Điện ảnh duyệt, nhà sản xuất đã đưa đi liên hoan phim quốc tế.
Tháng 10/2019, phim Ròm đã giành được giải New Currents, tương đương giải Phim hay nhất và là giải quan trọng nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019.
Trong tọa đàm, đạo diễn Trần Thanh Huy kể lại trải nghiệm về việc kiểm duyệt phim:
\”Có một hôm, gần Tết, tôi nhận được một cuộc điện thoại rất cá nhân của một người trong hội đồng. Người đó đưa ra lời khuyên rất cụ thể về việc chỉnh sửa một số chi tiết trong phim của tôi. Tôi cũng được yêu cầu loại bỏ hai tuyến nhân vật cực kì quan trọng trong phim. Lý do là, những bối cảnh đó dễ làm người ta liên tưởng đến ồn ào giải tỏa đất đai ở Thủ Thiêm.\”
Đạo diễn Thanh Huy cho rằng người kiểm duyệt muốn phim có một cái kết \”happy ending\” và cái kết hiện tại ám chỉ Việt Nam không phát triển, không giúp thân phận trẻ em mồ côi.
Đạo diễn Huy nói anh rơi và thế tiến thoái lưỡng nan vì không sửa thì phim \”Ròm\” không thể ra rạp, không thu lại được tiền. Rốt cuộc, anh \”buộc phải quyết định tự tay cắt phim của mình với rất nhiều áp lực, và bất lực.\”
Cuối cùng, phim Ròm ra rạp, anh bị mắng chửi trên Facebook vì khán giả không hiểu phim.
Đạo diễn phim \”Thưa mẹ con đi\” cũng chia sẻ trên Facebook cá nhân cảm giác hoang mang, thất vọng trong quá trình đợi phim được duyệt:
\”Tôi được yêu cầu phải cắt bỏ một lần nhân vật chính thể hiện ý (bằng nhiều cách khác nhau) mong muốn mẹ theo anh sang Mỹ ở. Con cái mong muốn chăm sóc bố mẹ, được ở gần mẹ, đó là mong muốn rất chính đáng và bình thường. Vậy tại sao phải cắt? Một lần nữa tôi suy đoán phải chăng những người duyệt phim đã tự suy diễn về thông điệp đi – ở trong phim, hay họ có những lo ngại nào khác.\”
Đồng thời, đạo diễn cũng thừa nhận riêng với BBC rằng, anh đã không ít lần mình có xu hướng tự kiểm duyệt khi làm phim \”Bằng chứng vô hình\”:
\”Có lẽ việc chứng kiến \”Thất sơn tâm linh\”, bộ phim có đề tài gần phải cắt bỏ nhiều cảnh cảnh mô tả hành động giết người, chỉnh sửa gần như toàn bộ nội dung phim, cấu trúc phim, kết cấu phim, và trải nghiệm phải cắt bỏ những cảnh không có ẩn ý gì đặc biệt trong Thưa mẹ con đi, khiến tôi hơi thận trọng trong xử lý cảnh cảnh quay hành hạ trong bộ phim thứ hai của mình.\”
\”Điều bất ngờ là \”Bằng chứng vô hình\” vượt qua kiểm duyệt (khi Cục Điện ảnh có Cục trưởng mới tại thời điểm phim chuẩn bị ra mắt) mà không phải chỉnh sửa. Nếu nghĩ rằng nếu mình biết được biên độ cho phép, tôi sẽ không đặt ra giới hạn nào cho các cảnh quay này.\” đạo diễn Lê Minh nói.
Từ đó, anh kiến nghị cần cho phép nhà làm phim chọn lựa của việc bị cấm phát hành trong nước nhưng vẫn giữ được quyền mang phim đến các liên hoan phim quốc tế.
\”Tuy nhiên, tôi hiểu bản chất của việc kiểm duyệt ở Việt Nam không chỉ đơn thuần để bảo vệ người xem, mà còn liên quan đến mục tiêu về chính trị, hình ảnh của nhà nước.\” anh nói.
Các nhà làm phim \’tố\’ việc lạm quyền
Hôm nay 5/10, trên Facebook của các nhà làm phim, trong đó có đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, luật gia người Nhật Hirota Fushihara – chia sẻ một bài viết lên án hành vi làm rỏ rỉ, phát tán thông tin về phim với hashtag #ngunglamquyen.
Bài viết có đoạn:
\”Hội đồng duyệt xưa nay luôn có nguyên tắc chung về bảo mật thông tin, đó là một chuẩn mực ứng xử cụ thể: là một tác phẩm điện ảnh khi gửi đi duyệt thì tác phẩm đó được bảo vệ an toàn… Thế nhưng, chuẩn mực này đã bị một thành viên trong Hội đồng nhiệm kỳ này phá vỡ. Thành viên này là ông Trần Việt Văn, đồng thời cũng là một nhà báo.\”
Cụ thể, ông Trần Việt Văn đã đưa các thông tin liên quan đến phim \”Người lắng nghe: Lời thì thầm\” của đạo diễn Khoa Nguyễn và \”Vị\” của đạo diễn Lê Bảo – những phim đang trình duyệt vào các bài báo của mình \”với hàm ý hạ thấp\”.
Bài báo của ông Trần Việt Văn trên tờ Lao động đăng ngày 19/08/2021 với tựa \”Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt\” có đoạn:
\”Phim \”Người lắng nghe: Lời thì thầm\” của đạo diễn Khoa Nguyễn là dạng phim kinh dị, tâm lý, và không vi phạm Luật Điện ảnh về nội dung phim nên đã được cấp phép phổ biến và chỉ phân loại độ tuổi (thời điểm sau khi phim đã tự ý gửi đi dự thi các liên hoan phim quốc tế). \”
\”Trong khi đó, \”Vị\” của đạo diễn Lê Bảo bị cấm phổ biến vì Luật Điện ảnh với cảnh nude tập thể gần 30 phút…Cái xã hội bầy đàn đó tồn tại ở Việt Nam ư, khi mà những người đàn bà đánh mất đi cả sự xấu hổ của con người trong xã hội hôm nay?\”
Ông Việt Văn trong bài báo kết luận: \”Tiếc cho góc nhìn lệch lạc của một đạo diễn trẻ tài hoa ở sự lựa chọn bối cảnh, ánh sáng, nhân vật và tạo nên được không khí của phim.\”
Ông Văn cũng nhận xét phim \”Ròm\” là phim phạm Luật Điện ảnh. Ông nói phim đoạt giải ở Liên hoan phim Busan hạng mục Phim đầu tay \”khi về nước xin cấp phép phổ biến ra rạp, nhiều người mới ngã ngửa rằng phim không hay như các chiêu PR của nhà sản xuất.\”
Theo quan điểm các nhà làm phim, đây là hành vi lạm quyền vì ông Việt Văn lạm dụng vị trí vừa là thành viên trong Hội đồng, vừa là nhà báo để độc quyền thông tin và định hướng dư luận theo ý kiến chủ quan. Đồng thời, họ kêu gọi lên án hành vi này trước khi quá muộn.
Ngày 1/10, công ty TNHH Phim Đa Sắc, đơn vị sản xuất phim Người lắng nghe, nói họ gửi công văn đến tòa soạn báo Lao Động, để làm rõ về bài viết \”Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt\” của tác giả Trần Việt, đăng trên bản điện tử của báo Lao Động.
Họ nói: \”Trong công văn, chúng tôi đã đề nghị Ban biên tập báo Lao Động xem xét lại nội dung bài báo; đồng thời, phản hồi các vấn đề chúng tôi nêu ra.\”
Trước đó, ngày 2/10, cư dân mạng xôn xao vì những hình ảnh của phim \”Vị\” xuất hiện trên trang cá nhân và bình luận của một số nhà báo, nhà làm phim. Đặc biệt, góc phải bức ảnh có dòng chữ \”Vietnam Cinema Department\” (Cục Điện ảnh Việt Nam).
Nhiều người cho rằng tấm ảnh bị rò rỉ bằng cách chụp ảnh từ màn hình chiếu và người phát tán bức ảnh này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Sáng 3/10, hầu hết bài đăng, bình luận có các bức ảnh nói trên đã biến mất trên mạng xã hội.
Trên Facebook, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng phim là một loại hình tài sản sở hữu trí tuệ được Luật pháp của Nước CHXHCN Việt Nam bảo vệ. Chưa kể, phim \”được đầu tư kinh phí sản xuất bằng cả gia tài của rất nhiều người, do đó nếu sự tổn hại về kinh tế là rất lớn\”.
Đạo diễn phim \”Mặt trời, con ở đâu\” nhận định:
\”Dù là phim được phép phổ biến hay phim không được phép phổ biến thì đó vẫn là tài sản hợp pháp của người làm phim, của các doanh nghiệp sản xuất phim, đây là nguyên tắc. Thành viên Hội đồng thẩm định, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL hay thậm chí cả Chủ tịch nước cũng không có quyền xâm phạm và có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam.\”
\”Càng nắm trong tay nhiều quyền lực nhà nước thì càng phải tuân thủ các nguyên tắc tuyệt đối của Pháp Luật. Dưới đây là chia sẻ lại một vụ việc mà tôi cảm thấy rất quan ngại về trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của một bộ phận công chức, một bộ phận các cơ quan quản lý nhà nước.\” ông Tuấn viết.