Hôm qua, 17/07/2023, điện Elysée thông báo giữ nguyên vị trí thủ tướng của bà Elisabeth Borne và tiến hành cải tổ nội các, với khoảng một chục bộ trưởng sẽ ra đi.
Đăng ngày: 18/07/2023
Tối hôm qua, phủ tổng thống Pháp xác nhận sẽ không thay đổi chức thủ tướng của bà Elisabeth Borne là để « duy trì sự ổn định ». Ngay sau thông báo này, bà Borne cho biết mong muốn thay đổi nội các chính phủ, thay thế một số bộ trưởng và sẽ gửi danh sách này lên tổng thống Emmanuel Macron trong tuần này.
Theo bình luận của hãng tin AFP, tổng thống Pháp quyết định giữ bà Borne tiếp tục làm thủ tướng vì « không có lựa chọn nào khác ». Ngoài ra, nếu thay thủ tướng vào lúc này, thì chẳng khác nào muốn nói rằng thủ tướng Borne phải chịu trách nhiệm một phần nào đó về các vụ bạo động cuối tháng Sáu vừa qua.
Vào ngày 22/03, trên kênh truyền hình TF1 và France 2, tổng thống Macron đã ám chỉ đến tương lai của vị trí thủ tướng của bà Elisabeth Borne. Theo Le Monde, bà Borne bị cho là người phải chịu trách nhiệm về thất bại trong các cuộc đối thoại với giới công đoàn liên quan đến luật cải cách hưu trí, nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi.
Hồi tháng Tư, tổng thống thống Emmanuel Macron đã thông báo kế hoạch 100 ngày để « hòa giải », đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, bạo động và biểu tình phản đối luật cải cách hưu trí. 100 ngày đã kết thúc, báo chí Pháp nói về kết quả mơ hồ của kế hoạch (bao gồm ba nội dung chính : việc làm, công lý và trật tự của nền cộng hòa và những tiến bộ để có cuộc sống tốt đẹp hơn).
AFP trích dẫn nhận định của tổng biên tập tạp chí Chính Trị và Quốc Hội, Arnaud Benedetti, cho rằng việc bà Elisabeth Borne tiếp tục giữ vị trí thủ tướng là một cách « để kéo dài kế hoạch 100 ngày của Macron », để có thêm thời gian. Ông Macron dự trù sẽ có bài phát biểu trước người dân Pháp vào ngày 23/07, trước khi công du châu Đại Dương.
Nhậm chức vào tháng 05/2022, vị trí thủ tướng của bà Borne đã nhiều lần bị lung lay ; đầu tiên là trong cuộc bầu cử lập pháp cách nay hơn một năm, sau đó là vì các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của phe đối lập ở Quốc Hội vì bà sử dụng điều 49.3 của Hiến Pháp để thông qua luật cải tổ hưu trí.