Bất ổn chính trị, Thái Lan mất lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài

Đăng ngày: 18/07/2023

Bangkok đang đánh mất hào quang kinh tế. Khác với Việt Nam, Thái Lan  không tranh thủ được xung khắc Mỹ-Trung Quốc để thu hút đầu tư nước ngoài. Quyền lực trong tay tập đoàn quân sự từ 2014, những rạn nứt trong hàng ngũ quân đội, thái độ thân Bắc Kinh khiến Bangkok đang mất lợi thế của một con rồng châu Á. Những khó khăn kinh tế “đang ở phía trước”.

\"Pita
Pita Limjaroenrat (G) lãnh đạo đảng Move Forward : đắc cử vẻ vang nhưng đường vào phủ thủ tướng Thái Lan không thông suốt. Ảnh chụp ngày 13/07/2023 tại Bangkok. AP – Sakchai Lalit

QUẢNG CÁO

Hai tháng sau bầu bầu cử Quốc Hội, Thái Lan vẫn chưa có chính phủ mới. Thủ tướng mãn nhiệm, tướng Prayut Chan O Cha đã từ chức.

Toàn cảnh chính trị rối ren

Ứng viên duy nhất đứng đầu nội các, Pita Limjaroenrat, chủ tịch đảng Khao Klaï (Move Forward -Tiến Bước) bị điều tra và có nguy cơ mất tư cách nghị viên. Đảng của ông tuy về đầu trong cuộc bầu cử hôm 14/05/2023 và giành được 152 trên tổng số 500 ghế tại Quốc Hội. Dù vậy, có thể ghế thủ tướng sẽ được dành cho một đảng khác – chẳng hạn là đảng Pheu Thai – Người Thái yêu Người Thái của gia đình tỷ phú Thaksin.

Được đa số cử tri ủng hộ, đảng Khao Klaï có chủ trương đòi cải tổ chế độ quân chủ, nên ít có khả năng nhà vua ban hành sắc lệnh để đảng này điều hành đất nước. Để thay thế tướng Chan O Cha, người ra tranh chức thủ tướng phải hội đủ 372 phiếu của Quốc Hội Lưỡng Viện. Khi biết rằng đa số tại Thượng Viện trong tay phe quân đội và được nhà vua yểm trợ, hy vọng Pita Limjaroenrat trở thành thủ tướng đang thu hẹp lại dần.

Trước ngần ấy trở ngại, giới chuyên gia đồng loạt cho rằng toàn cảnh chính trị Thái Lan ít có triển vọng nhanh chóng ổn định.

Trên đài RFI, chuyên gia Đông Nam Á, Sophie Boisseau du Rocher, Trung Tâm Châu Á thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI nêu bật một “tình huống nẩy lửa” khi biết rằng liên minh cầm quyền sắp tới giữa hai đảng về đầu trong cuộc bầu cử Thái Lan vừa qua, (tức là giữa đảng Khao Klaï của ông Pita và đảng Pheu Thai của gia đình Thaksin vốn được thành phần ở nông thôn ủng hộ) sẽ là một mối liên minh “tùy theo tình huống”.

Nhà chính trị học Eugénie Merieau, giảng dậy tại đại học Paris 1 – Panthéon-Sorbonne nói rõ hơn : về nhì trong cuộc bầu cử hôm 14/05/2023, đảng Pheu Thái (đảng này giành được 141 ghế ở Quốc Hội) đã lập tức tuyên bố liên kết với phe của ông Pita. Mục tiêu của gia đình Thaksin – với cô con gái của nhà tỷ phú đang sống lưu vong này trong cương vị chủ tịch đảng, là trở lại cầm quyền. Do vậy “không loại trừ khả năng đảng Pheu Thai đi tìm một điểm tựa khác”.

Yếu tố chính trị và viễn cảnh kinh tế kém tươi sáng

Trong hoàn cảnh đó, Thái Lan liệu có thể là một điểm đầu tư an toàn ? Trên đài RFI tiếng Pháp giáo sư David Camroux, trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế CERI trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po ghi nhận Thái Lan đang đánh mất hào quang của một “con rồng, con cọp châu Á” : 

“Vế kinh tế là phông nền trong chương trình của đảng Move Forward. Đảng này chủ trương dỡ bỏ các đại tập đoàn trong tay các doanh nhân Thái gốc Hoa, mà chính thành phần này thống lĩnh cỗ máy kinh tế Thái Lan. Có từ 70 đến 80 % dân số Thái Lan là nông dân, dù vậy các lĩnh vực công nghiệp dịch vụ và phát triển rất mạnh. Hiện tại quốc gia này đang chịu hai áp lực cạnh tranh rất lớn : Du lịch Thái Lan, động lực chính đem lại tăng trưởng và chiếm hơn 10 % GDP, thì đang bị Việt Nam qua mặt. Về công nghiệp, Thái Lan lâu nay được mệnh danh là chiếc nôi của ngành sản xuất xe hơi Đông Nam Á thì nay đang bị Indonesia cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất xe điện, do Indonesia giàu các kim loại hiếm cần thiết để chế biến các bình điện. Hai thí dụ đó cho thấy Thái Lan đang trong thế kẹt và những khó khăn kinh tế đang ở phía trước. Thêm vào đó, khác hẳn với trường hợp của Việt Nam, Thái Lan đã không tận dụng được tình thế trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung. Các doanh nghiệp nước ngoài trên con đường đi tìm những bãi đáp mới thay thế Trung Quốc đã không mấy chú ý đến Thái Lan như là họ đã quan tâm đến Việt Nam ”. 

Kèm theo đó là cái vòng luẩn quẩn giữa vế kinh tế và nguy cơ bất ổn về chính trị. Giáo sư David Camroux :

“Đằng sau những vấn đề kinh tế đó thì còn có khá nhiều hệ quả về mặt xã hội và chúng tác động nhiều đến các tầng lớp trẻ. Tương tự như tại Trung Quốc, nhiều thanh niên Thái Lan có bằng cấp cao nhưng họ không tìm được việc làm xứng đáng. Thất vọng và bất mãn đó nuôi dưỡng tinh thần bài chế độ quân chủ ở Thái Lan”

Trung Quốc một nhà bảo trợ “cồng kềnh”

Ngân Hàng Thế Giới hồi tháng 4/2023 dự phóng GDP Thái Lan năm nay tăng 3,6 % và tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với thành tích 5 % trong suốt giai đoạn từ 1999 đến 2008. Năm 2021 dưới tác động của đại dịch Covid kinh tế Thái Lan tụt giảm mất hơn 6 %. Xét về chỉ số phát triển con người Thái Lan bị sụt hạng trong ba năm liên tiếp. Cơ quan thẩm định tài chính S&P và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á trong báo cáo gần đây nhất ghi nhận kinh tế Thái Lan “phục hồi chậm”.

Trong bản thống kê vừa cập nhật hôm 17/07/2023 Tổng Cục Du Lịch Thái Lan ghi nhận : trong sáu tháng đầu năm 2023 Thái Lan đón 1,4 triệu lượt khách du lịch, chủ yếu là khách Trung Quốc, Nga và từ các nước láng giềng châu Á chung quanh. Để so sánh, năm 2019 trước Covid Thái Lan là điểm hẹn của từ 7 đến 10 triệu du khách một năm. Vào lúc mà ngành du lịch bảo đảm từ “15 đến 20 % thu nhập cho cả nước, tùy theo cách tính”, đây là một khó khăn mà Thái Lan cần nhanh chóng vượt qua.

Nhìn đến một lĩnh vực khác là công nghiệp, bảo đảm 1/3 GDP, nhiều nghiên cứu quốc tế báo động chỉ số về năng suất công nghiệp của Thái Lan sụt giảm. Điều đó có nghĩa là cỗ máy sản xuất của nền kinh tế phát triển thứ nhì trong ASEAN “kém năng động”. 

Trở lại với chỉ số tăng trưởng, năm 2022 GDP Thái Lan tăng 3,4 % theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, thua xa Việt Nam hay Malaysia, thậm chí thua cả Philippines. Một trong những lý do giải thích điều đó là Thái Lan đã không thu hút được đầu tư nước ngoài như trong trường hợp của Việt Nam.

Dưới tác động kép một mặt là từ dịch Covid và chính sách chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, mặt khác là từ xung đột thương mại Mỹ-Trung, nhiều tập đoàn đa quốc gia bắt đầu di dời cơ sở khỏi Hoa Lục và chọn điểm đến là Ấn Độ hay Việt Nam. Điều bất thường là với cơ sở hạ tầng khá hơn so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng Thái Lan lại không được các doanh nghiệp nước ngoài xem là một điểm đến “ưu tiên”. Theo nhà chính trị học Eugénie Merieau, yếu tố Trung Quốc dường như là điểm bất lợi trong bài toán này.

“ Trong dịch Covid vừa qua, Thái Lan chọn dùng vacxin Trung Quốc. Đó chính là điều khiến tập đoàn quân sự đang cầm quyền bị chỉ trích, bởi vì thuốc của Trung Quốc kém hiệu quả hơn là của Âu, Mỹ. Đó chính là lúc mà công luận ý thức được là chính quyền trong tay thủ tướng Prayut Chan O Cha từ sau cuộc đảo chính 2014 đang xích lại gần với Bắc Kinh cho dù điều đó có bất lợi cho người dân đi chăng nữa. Dù vậy Bangkok từ trước cuộc đảo chính luôn có lập trường thân Trung Quốc. Hoàng tộc cũng rất thân với Bắc Kinh. Song Thái Lan có truyền thống thân Mỹ. Đừng quên rằng Thái Lan từng là thành trì của Mỹ để kềm tỏa phe cộng sản tại Đông Nam Á trong Chiến Tranh Lạnh. Hoa Kỳ yểm trợ cả từ bên quân đội đến triều đình Thái Lan ”.

Chuyên gia về Đông Nam Á viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI Sophie Boisseau du Rocher giải thích thêm :

“Vào thập niên 1970 Hoa Kỳ dựa vào cả bên quân đội lẫn gia đình hoàng tộc thì giờ đây Bắc Kinh đi lại đúng nước cờ của Mỹ. Kèm theo đó là những tác động về tình hình nội bộ Thái Lan như kết quả bầu cử hôm 14 tháng 5 vừa qua cho thấy, có nghĩa là đa số cử tri không tán đồng cặp bài trùng giữa bên quân đội với hoàng gia. Từ 2014 Thái Lan đã ngừng các công cuộc cải tổ cần thiết để hiện đại hóa cỗ máy sản xuất và điều đó đã có lợi cho các đối tác của chính quyền Bangkok trong Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN, đồng thời chính quyền Thái Lan đã lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc (…) Chỉ nội thí dụ chính quyền Thái Lan mua tàu ngầm của Trung Quốc với cái giá đắt hơn so với thị trường đã làm dấy lên nhiều tranh cãi ngay trong hàng ngũ quân đội. Điều đó cho thấy đang có những rạn nứt âm ỉ bên quân đội và đó là một sự phân hóa giữa các thế hệ trong giới sĩ quan. Một phe chủ trương kiểm soát, điều hành đất nước bằng mọi giá và một cách không minh bạch, còn bên kia thì cởi mở và tìm cách đưa ra hình ảnh của một nước đang ‘lột xác’ để trở thành một nền kinh tế lành mạnh và hiện đại” … 

Trên đài RFI cựu giáo sư trường Khoa Học Chính Trị Paris David Camroux ghi nhận những khó khăn kinh tế của Thái Lan vẫn “ở phía trước”. Song quốc gia Đông Nam Á đang bước vào một giai đoạn chuyển tiếp về chính trị, kinh tế, về dân số và kể cả về địa chính trị. Dân số Thái Lan đang trên đà lão hóa, lực lượng lao động có khuynh hướng sút giảm từ hai năm trở lại đây. Ngoài ra như giáo sư David Camroux trường Khoa Học Chính Trị Paris vừa nêu, vị trí “con rồng châu Á” của nước này càng lúc càng bị một số đối tác khác trong ASEAN mà đứng đầu là Việt Nam thách thức.

Trong điều kiện đó giải pháp còn lại là Thái Lan dứt khoát phải nâng cao trị giá gia tăng trong dây chuyền sản xuất, tức là đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục, vào cơ sở hạ tầng và nâng cao năng suất lao động. Cùng lúc tương tự như rất nhiều các quốc gia khác trong khu vực, Thái Lan cũng cần tránh rơi vào thế phải chọn phe trong cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời tránh để biến mình thành một sân sau của Trung Quốc trên bàn cờ thương mại. 

Thanh Hà

Đọc thêm cùng chủ đề:

Bài Liên Quan

Leave a Comment