Pháp và châu Âu lao vào cuộc đua chế tạo drone quân sự

Đăng ngày: 26/07/2023

Các drone đã được sử dụng từ lâu, nhưng chưa bao giờ các thiết bị quân sự này lại chứng tỏ tầm quan trọng như trong cuộc chiến tranh Ukraina và điều này đang thúc đẩy nhiều nước trên thế giới lao vào một cuộc chạy đua chế tạo drone chiến đấu. Đây là lĩnh vực mà nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đang cố bắt kịp các nước khác. 

\"Drone
Drone Aarok của tập đoàn Pháp Turgis et Gaillar được trưng bày tại triển lãm Le Bourget ngày 19/6/2023 © ThanhPhương@rfi.fr

Chưa bao giờ mà các drone đủ kích cỡ, từ loại mini đến loại lớn, trang bị đầy vũ khí, lại được trưng bày nhiều như tại Triển lãm Hàng không và Không gian Le Bourget năm nay ( 19-25/06/2023 ). 

Nắm vị thế áp đảo trong lĩnh vực này chính là tập đoàn Mỹ General Atomics với hơn 1.100 chiếc drone đủ loại đã được bán trong vòng 30 năm qua. Tại triển lãm Le Bourget năm nay, General Atomics giới thiệu kiểu drone mới MQ-9B, với các chiếc đầu tiên đang được giao cho Anh Quốc. 

Theo thượng nghị sĩ Cédric Perrin, tác giả nhiều báo cáo về drone, được hãng tin AFP trích dẫn, nhận định là cũng như nhiều nước châu Âu khác, Pháp bị bỏ rất xa trong việc chế tạo drone gọi là drone tự sát, hay còn gọi là đạn điều khiển từ xa, mà hiện đang chứng tỏ hiệu quả tại Ukraina. Triển lãm Le Bourget là dịp để châu Âu nói chung và Pháp nói riêng thể hiện quyết tâm bắt kịp các nước khác trong lĩnh vực drone vũ trang.

Năm nay, tập đoàn chế tạo máy bay Airbus giới thiệu maquette của drone châu Âu EuroDrone. Được khởi động từ năm 2015, dự án phát triển Eurodrone dưới sự điều khiển của Đức nhắm mục tiêu trang bị cho các nước Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha các drone có khả năng tác chiến ngang hàng với drone Reaper nổi tiếng của tập đoàn Mỹ General Atomics. Nhưng  EuroDrone là một loại drone rất lớn và rất đắt tiền với giá 115 triệu một đơn vị.

Riêng về phía nước Pháp, tập đoàn Safran giới thiệu loại drone chiến thuật Patroller. Patroller đã được cấp giấy chứng nhận vào tháng 02/2023 cho phép bay trong không phận dân sự và bên trên các vùng có mật độ dân cư cao. Theo dự luật về phát triển quân đội hiện đang được Quốc Hội Pháp tiến hành biểu quyết thông qua, đến năm 2030, binh chủng lục quân của Pháp sẽ được trang bị tổng cộng 5 hệ thống drone Patroller, tức là tổng cộng 28 chiếc. Trước mắt, chiếc đầu tiên sẽ được giao cho quân đội Pháp mùa hè năm nay. 

Nhân triển lãm Le Bourget vừa qua, tập đoàn Safran đã ký hợp đồng xuất đầu tiên bán bốn chiếc drone Patroller cho quân đội Hy Lạp trong khuôn khổ hiện đại hóa hệ thống drone chiến thuật của nước này. Theo thông báo của Safran, các drone này sẽ được giao vào khoảng cuối năm 2024 đầu năm 2025.

Khách mời bất ngờ: Aarok

Nhưng thu hút sự chú ý nhiều nhất của giới công nghiệp quân sự chính là chiếc drone chiến đấu Aarok của tập đoàn Pháp Turgis & Gaillard, lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm Le Bourget. Được phát triển với vốn riêng khoảng hơn 10 triệu euro của công ty và được lắp ráp tại thành phố Blois, drone này hiện đang chờ được chứng nhận kết quả bay thử. Mục tiêu của Turgis & Gaillard là thu hút được quân đội Pháp, mà cho tới nay chỉ chú trọng đến drone Reaper của tập đoàn Mỹ General Atomics, và đã mua 12 chiếc drone loại này.

Trả lời RFI Việt ngữ tại Triển lãm Le Bourget ngày 19/06/2023, ông Patrick Gaillard, phó tổng giám đốc công ty Turgis et Gaillard, giới thiệu về Aarok:

“Đây là một drone thuộc loại MALE ( Độ cao trung bình, tầm hoạt động xa ), được sử dụng cho công tác tình báo, giám sát, nhất là giám sát trên biển, và cũng có thể được sử dụng trong các chiến dịch oanh kích, nhất là trong các cuộc chiến tranh khá ác liệt như ở vùng Thượng Karabakh hay ở Ukraina hiện nay.

Drone này cũng được thiết kế để thích ứng với chiến tranh công nghệ số, chiến tranh mà trong đó các drone, với khả năng bay xa, bay cao, với tính bền chắc, là một quân cờ trọng tâm trong các chiến dịch quân sự quy tụ nhiều thành tố khác nhau.

Chúng tôi đã bắt đầu phát triển drone ngay từ trước khi nổ ra chiến tranh Ukraina, thậm chí ngay cả trước khi có các chiến dịch ở vùng Thượng Karabakh. Drone được chế tạo với các thiết bị do công nghiệp quốc phòng do châu Âu sản xuất, có chất lượng rất cao. Các vũ khí được trang bị cho Aarok cũng là do châu Âu sản xuất. Tại triển lãm chúng tôi cũng giới thiệu các vũ khí của tập đoàn Safran, tức 100% do Pháp sản xuất.

Chúng tôi giới thiệu Aarok cho khách hàng đến Le Bourget, và chỉ mới bắt đầu thảo luận với một số quốc gia. Bản mẫu ( prototype) mà chúng tôi trưng bày ở đây chỉ là bước khởi đầu của một con đường dài.

Rất khó mà khẳng định chắc chắn khi nào drone sẽ được đưa vào sử dụng, bởi vì đây là loại thiết bị thuộc một lĩnh vực có những quy định luật lệ rất chuyên biệt. Chính những nhu cầu của khách hàng sẽ quyết định cho thời điểm đưa vào sử dụng. Chẳng hạn như khách hàng muốn drone được trang bị hệ thống này hay hệ thống kia, muốn drone có khả năng vận hành như thế nào hay được phép bay trong không phận dân sự hay không.”

Ưu thế của Aarok đối với các đối thủ cạnh tranh đó là giá rẻ hơn nhiều, chỉ từ 5 đến 10 triệu euro và trọng lượng chỉ khoảng 5,5 tấn, tức là nhẹ hơn gấp ba lần so với EuroDrone. Aarok có thể cất cánh và hạ cánh trên những phi đạo ngắn, đồng thời có thể bắn đến 1,5 tấn đạn. 

Cũng tại Triển lãm Le Bourget vừa qua, ba công ty KNDS, Eos và Traak thông báo đã được Cơ quan sáng chế quốc phòng ( Agence d\’innovation de la défense ) tuyển chọn để phát triển một loại drone tự sát có tầm hoạt động 80km có thể cạnh tranh với drone Switchtable của Mỹ. Quân đội Pháp dự kiến sẽ mua drone do ba công ty này phát triển.

Để đào tạo những người điều khiển drone, Sogitec, một chi nhánh của tập đoàn Dassault Aviation đang hoàn tất việc phát triển một hệ thống mô phỏng mang tên Genius có thể được sử dụng cho nhiều loại drone khác nhau. 

Quân đội các nước NATO sử dụng ngày càng nhiều

Nói chung, theo lời ông Patrick Gaillard, các drone nay đã có một vị trí vững chắc hệ thống vũ khí của các quân đội, nhất là quân đội các nước khối NATO:

“ Hiện nay, drone đã có một vị trí vững chắc. Trong lĩnh vực quân sự, các thiết bị là một thành tố của một tổng thể. Ngày nay, trong các quân đội của khối NATO, drone sẽ được sử dụng lâu dài. 

Các drone loại MALE cũng sẽ được sử dụng nhiều trong các chiến dịch giám sát, cũng như trong việc chuyển tải thông tin liên lạc trong chiến tranh công nghệ số. Khả năng oanh kích cũng vậy, đó là khả năng oanh kích một cách an toàn nhờ vào những loại vũ khí mà drone này sử dụng.

Ngoài ra còn có các drone tác chiến, như drone tác chiến tàng hình, chở theo vũ khí trong khoang, cũng sẽ được phát triển ngày càng nhiều, đặc biệt là loại drone gọi là remote carrier”.

Remote carrrier là loại thiết bị nửa drone, nửa tên lửa như loại mà hãng Airbus phối hợp với nhà sản xuất tên lửa MBDA đang phát triển. Theo dự báo, các remote carier sẽ được sử dụng kể từ năm 2040 để gây rối loạn hệ thống phòng thủ của đối phương, tiến hành các hoạt động gây nhiễu sóng, chấm tọa độ các mục tiêu, thậm chí \”thay mặt chiến đấu cơ\” phóng tên lửa xuống các mục tiêu này.

Drone Thổ Nhĩ Kỳ thu hút nhiều nước

Các nhà sản xuất các thiết bị quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ năm nay cũng đã tham gia rất đông đảo triển lãm Le Bourget và trong số các mặt hàng được “dòm ngó” nhiều nhất dĩ nhiên có các drone quân sự, như drone TB-2 Bayraktar. Các drone này được trưng bày tại khu triển lãm của tập đoàn nhà nước Turkish Aerospace Industries (TAI) bên cạnh các trực thăng và máy bay huấn luyện. Rất nhiều phái đoàn quân sự của các nước đã đến đây để quan sát những chiếc drone được trang bị bom và tên lửa. Theo các dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm SIPRI, các drone của TAI đã được bán trên khắp thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt là cho các nước Kazakhstan, Kirghizistan, Malaysia, Algerie và Tunisie.

Theo giải thích của ông Omer Yildiz, đặc trách về drone của tập đoàn TAI, quan tâm nhiều nhất đến drone là châu Phi, nơi mà nhiều nước muốn dùng thiết bị này để chống khủng bố. Nhưng TAI cũng cố cho thấy là các drone của họ cũng được sử dụng vào những mục đích không dính dáng gì đến quân sự, chẳng hạn như giúp tái lập kết nối mạng điện thoại di động tại một số vùng sau trận động đất dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào tháng 2 năm nay. Các radar gắn trên các drone của TAI  cũng đã được sử dụng để dò tìm các mìn của Nga và Ukraina đe dọa đến lưu thông trên vùng biển Hắc Hải kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Ukraina. 

Thanh Phương

Bài Liên Quan

Leave a Comment