Báo Le Figaro hôm nay 25/07/2023 có bài về « Đội quân công dân đang chiến đấu để giải phóng Ukraina khỏi ách thống trị của quân Nga ». Lữ đoàn cơ giới số 67, nguyên là binh đoàn tình nguyện DUK-Pravyi Sektor, đã đóng vai trò chủ chốt trong việc cứu vãn cuộc cách mạng Maidan và bảo vệ Donbass. Đơn vị này là biểu hiện cho mối liên hệ « quân dân cá nước ».
Đăng ngày: 26/07/2023
Thời thế tạo anh hùng
Qua trung gian của David Piguet, cựu sĩ quan Pháp đã gia nhập đội ngũ chí nguyện quân quốc tế sau khi Nga xâm lăng Ukraina, nhà báo gặp được Andriy Stempitskiy, phó chỉ huy lữ đoàn và tham mưu trưởng Oleksandr Sachko. Cả hai vừa từ chiến trường về, hẹn gặp bên cạnh một con đường ở đông nam Ukraina, ở một địa điểm được giữ bí mật đến phút chót. Họ cho biết : « Hầu hết lính của chúng tôi là thường dân, sẽ quay lại với nghề nghiệp chính sau khi đuổi xong giặc. Đó là các doanh nhân, kiến trúc sư…thậm chí có cả một ca sĩ của Nhà hát Opéra Paris là Wassyl Slipak đã tử trận ».
Còn có Dmytro Kutsioubailo tức anh hùng « Da Vinci » đã hy sinh ở Bakhmut tháng Ba năm nay. Anh được tổ chức quốc tang với sự hiện diện của tổng thống Zelensky và tổng tham mưu trưởng quân đội Zaloujny, mọi người đều quỳ gối trước quan tài để tiễn biệt. Da Vinci từng chiến đấu dưới quyền của Stempitskiy và Sachko. Họ đều có niềm tin vững chắc là Ukraina sẽ giành lại được tất cả những vùng đất bị tạm chiếm, dù quân số ít hơn nhiều và đang bị thiệt hại nặng.
Cả hai không giấu diếm rằng vượt được « vạn lý trường thành » mà quân Nga dựng lên không khác nào cuộc đổ bộ Normandie đối với người Ukraina. Sachko đưa điện thoại cho xem ảnh một chiến binh bị mất cả hai chân sau khi đạp phải mìn khi cố vượt qua phòng tuyến Nga, một nỗ lực « đã và sẽ còn đẫm máu ».
Từ cách mạng Maidan, Donbass đến toàn quốc kháng chiến
Cuộc phiêu lưu của tiểu đoàn tình nguyện « Pravyi Sektor » (nghĩa là « cánh bên phải ») bắt đầu từ năm 2013, khi nổi lên cuộc cách mạng Maidan chống lại tổng thống thân Nga Viktor Yanukovitch. Cũng như Putin và Lukachenko, ông ta ra tay đàn áp, nhưng lực lượng Berkut vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ bất ngờ.Một số người biểu tình yêu nước ở « khu vực bên phải » quảng trường Maidan đã bí mật đưa vũ khí đến để bảo vệ người dân. Đó là những chiến binh trong đó có vài nhóm dân tộc chủ nghĩa và cực hữu kịch liệt chống cộng, họ làm thành chiếc khiên bảo vệ cho những người phản kháng.
Sau khi đã có 62 người chết và hàng trăm người bị thương, Yanukovitch chạy trốn. Những người ở « cánh phải » đã giúp cách mạng thắng lợi. Đến năm 2014 khi Luhansk và Donetsk ly khai dưới sự giựt dây của Matxcơva, đơn vị tình nguyện quân DUK-Pravyi Sektor hình thành với hàng trăm người « cánh phải » Maidan tham gia. Nhiệt huyết và sự linh hoạt của đội ngũ này giúp ích rất nhiều cho quân đội vẫn còn chưa thoát khỏi nạn quan liêu thời xô-viết.
Khi quân Nga tràn sang ngày 24/02/2022, họ đã sẵn sàng chiến đấu : 1.000 quân đang ở Donbass cộng với 7.000 quân dự bị và thêm 10.000 người tình nguyện gia nhập ngay từ ngày đầu tiên. Từ 2014 đến 2022, những chiến sĩ tình nguyện không hề có lương, họ lệ thuộc hoàn toàn vào sự đóng góp của người dân. Cũng như tiểu đoàn Azov và Svoboda, DUK-Pravyi Sektor từ lâu mang tiếng là cực hữu do tuyên truyền của Nga. Trên thực tế, đơn vị thu hút một xã hội dân sự đa dạng, trong đó có nhiều người nói tiếng Nga, người gốc Do Thái và cả người Hồi giáo. Những khuôn mặt cực đoan, phân biệt chủng tộc, bài Do Thái đều đã bị trục xuất.
Nhà báo Natalya Pozniak-Khomenko, chủ tịch một tổ chức tình nguyện khẳng định : « Ai nói Azov hay DUK là phát-xít ? Chính là tuyên truyền của Nga ! Chương trình hành động của Pravyi Sektor là đuổi quân Nga chiếm đóng, giảng dạy tiếng Ukraina, giáo dục tình yêu đất nước. Chẳng lẽ đó là điều xấu ? ». Đến tháng 4/2022, việc hội nhập DUK vào quân đội đã xóa bỏ mối hoài nghi cuối cùng về lực lượng này. Chín năm sau khi thành lập, những chiến binh DUK tượng trưng cho dân tộc cô-dắc cầm súng bảo vệ tổ quốc, hoàn toàn khác với những đội quân lính đánh thuê như Wagner mà Putin sử dụng, cầm súng vì tiền.
Ngõ cụt chính trị của Tây Ban Nha
Cũng tại châu Âu, Le Monde trong bài xã luận nhận định « Tây Ban Nha đang trong ngõ cụt chính trị ».Khi thủ tướng Pedro Sanchez giải thể Quốc Hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn sau khi phe tả thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương hôm 28/05, mục tiêu là làm rõ tình hình chính trị tại một đất nước chưa bao giờ chia rẽ như vậy. Rốt cuộc Tây Ban Nha lại lâm vào tình thế rối rắm hơn. Cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật 23/07 dẫn đến bế tắc còn trầm trọng hơn trước. Không đảng nào chiếm được đa số, không loại trừ khả năng phải tổ chức cuộc bầu cử mới, và cũng không có gì bảo đảm rằng sau đó sẽ có được một đa số ổn định. Chỉ có một liên minh rộng rãi mới mở ra được triển vọng, nhưng ai có thể tin vào kịch bản này khi mâu thuẫn giữa cánh tả và cánh hữu chưa bao giờ sâu sắc đến thế ?
Bầu cử Cam Bốt : Không được bỏ phiếu trắng !
Liên quan đến Đông Nam Á, Le Monde cho biết « Tại Cam Bốt, đảng của ông Hun Sen chiến thắng trong cuộc bầu cử đã được đo ni đóng giày ». Đảng đối lập duy nhất là Ánh Nến (The Candlelight Party hay CLP) bị loại hồi tháng Năm do không cung cấp được bản chính đăng ký hoạt động ở bộ Nội Vụ. Kim Suor Phirith, phát ngôn viên đảng này nói rằng đã xin cấp bản sao nhưng không được. Tài liệu bị mất trong vụ khám xét trụ sở năm 2017, đặt chung địa chỉ với đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt đã giải thể.
Trong số 17 đảng nhỏ, Funcipec quay lại chính trường nhưng có thể trở thành bù nhìn cho gia tộc Hun Sen. Ông hoàng Chakravuth, lâu nay làm giám đốc tin học cho một tập đoàn đa quốc gia ở nước ngoài, ít được biết đến trong nước. Để tránh rủi ro bị tẩy chay, một đạo luật đưa ra ngay trước cuộc bầu cử nhằm trừng phạt mọi xúi giục bỏ phiếu trắng, có nghĩa là gạch chéo trên phiếu bầu. Bốn nhà tranh đấu của đảng Ánh Nến đã bị bắt vì tội này trong những tuần vừa qua. Hôm Chủ nhật lúc bầu cử đang diễn ra, báo chí liên tục đưa tin về 37 người được cho là « nổi loạn » thuộc một nhóm Telegram « âm mưu » kêu gọi bỏ phiếu trắng và « phá hoại dân chủ ».
Với 78 % số phiếu, 84 % cử tri tham gia, đảng PCC chiếm 120/125 ghế trong Quốc hội. Số chỗ còn lại có thể của đảng bảo hoàng Funcinpec, ít khi chỉ trích thủ tướng. Điều quan trọng là vị trí dân biểu cho con trai của Hun Sen là Hun Manet, 45 tuổi, tướng bốn sao và là phó tổng tham mưu trưởng quân đội Cam Bốt. Hun Manet ứng cử tại thủ đô Phnom Penh và chiếm được gần 80 % số phiếu, giai đoạn đầu tiên trước khi chuyển giao quyền lực từ cha sang con. Trong bài phỏng vấn ngày 21/07, thủ tướng loan báo con trai ông sẽ lên thay « trong ba hoặc bốn tuần nữa ». Chính phủ mới Cam Bốt sẽ tuyên thệ ngày 29/08.
Hun Sen-Hun Manet : Thủ tướng cha truyền con nối
La Croix nhận thấy « Tái đắc cử, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen chuẩn bị sẵn chỗ cho con trai ». Le Monde trích lời Dim Sovannarom, phát ngôn viên Ủy ban bầu cử quốc gia : « Có gì sai nếu con ông Hun Sen làm thủ tướng ? Cuộc bầu cử của chúng tôi là tự do, công bằng và bình đẳng, đáp ứng mọi tiêu chí. Ở Singapore, con ông Lý Quang Diệu đang là thủ tướng, tại Nhật Bản, các dân biểu là con cái của những nghị viên trước đây ». Tuy nhiên nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher của IFRI nhận định trên La Croix về cuộc bầu cử : « Hoàn toàn không phải là một tiến trình dân chủ, mà là một chế độ độc tài tự khoác cho mình tính chính danh ».
Hun Manet có thành tích học tập ấn tượng, dù theo Sophie Boisseau du Rocher thì « vừa do cái tên, vừa bằng năng lực bản thân ». Năm 1999 tốt nghiệp trường võ bị West Point, sau đó lấy bằng thạc sĩ kinh tế ở New York, đến 2009 là tiến sĩ kinh tế đại học Bristol. Trở về nước, Hun Manet giữ nhiều chức vụ khác nhau trong quân đội và đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột biên giới với Thái Lan năm 2008 và 2011, nhờ đó chiếm được sự tin cậy của 16,5 triệu dân Cam Bốt.
Hun Manet cũng lãnh đạo đoàn thanh niên, thường xuyên tháp tùng cha trong những chuyến công du, đã gặp Tập Cận Bình năm 2020. Bà Boisseau du Rocher cho rằng quá trình và kinh nghiệm giúp Hun Manet « có thể được cả Trung Quốc và Mỹ chấp nhận ».
« Con vua lại làm vua », con bộ trưởng lại làm bộ trưởng
Xuất hiện thường xuyên trên Facebook vàTelegram, nhưng ông ta không bộc lộ nhiều về ý đồ chính trị. Nhà nghiên cứu không chờ đợi những thay đổi quan trọng khi Hun Manet lên cầm quyền : « Đó là một người con của chế độ, sẽ không bao giờ chối bỏ và chắc chắn muốn làm hệ thống được trường tồn ». Tuy vậy trong giai đoạn đầu, Hun Sen khó thể giao trọn quyền cho Hun Manet.
Một nhà quan sát nói với Le Monde, điều đáng lo tại Cam Bốt là những gì diễn ra bên trong đảng PPC : một đảng của những người đã đi qua chiến tranh muốn giành chỗ cho con cái mình. Hun Sen muốn chắc rằng con ông ta sẽ lên thay, và không ai dám chống lại. Từ nhiều tháng qua, đã có những cuộc thương lượng trong hậu trường để phân bố các bộ cho con cái hoặc người thân của các bộ trưởng hiện nay. Nếu Hun Sen vẫn bình thường thì sẽ ổn thỏa, còn nếu ông ta bị bệnh hay qua đời, mọi khả năng đều có thể xảy ra.