- Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
17 tháng 8 2023
Khi được hỏi vì sao ông lại yêu Hà Nội đến thế, Martin Rama trả lời: “Có ai giải thích được tình yêu không?”.
Nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Martin Rama, đã dành 25 năm qua để viết về Hà Nội và thực hiện các dự án bảo tồn, phát triển thành phố này.
Vì yêu, ông gọi Hà Nội là Nàng, gọi các biệt thự cổ ở Hà Nội là Cô ấy, và gọi nhà thờ Bùi Chu là Bà.
Trả lời phỏng vấn của BBC ngay sau khi vừa cho ra mắt cuốn sách thứ hai, ‘Vì tình yêu Hà Nội’, tiếp đó là một buổi giao lưu có tên “Chà tranh chém gió’ thu hút rất đông bạn trẻ, Martin Rama nói ông ‘rất hạnh phúc’.
Nếu cuốn sách đầu tiên của ông “Hà Nội một chốn rong chơi” (Được giả thưởng Bùi Xuân Phái năm 2014) đưa tên tuổi của ông gần gũi hơn với độc giả Việt Nam thì cuốn thứ hai ‘Vì tình yêu Hà Nội’ lại kéo họ gần nhau hơn và hi vọng là, sẽ “góp phần nâng cao nhận thức của người dân Hà Nội trong việc gìn giữ vẻ đẹp đặc biệt, nhưng mong manh của Nàng”.
Sống ở Hà Nội tám năm, từ 2002 – 2010, Martin Rama, người Uruguay, nói rằng ông từng nghe rất nhiều về chiến tranh Việt Nam. Do đó, ông từng hình dung đây sẽ là một đất nước vẫn còn bị tàn phá, người dân hằn học và cay đắng.
“Nhưng khi tới Hà Nội, tôi không thấy có gì như vậy cả. Trái lại, tôi thấy một thành phố quyễn rũ. Lúc đó phương tiện chủ yếu tại đây là xe đạp. Đó là một Hà Nội yên tĩnh.
“Người dân ở đây rất tích cực, nhiều năng lượng. Đổi Mới mới chỉ diễn ra trước đó vài năm. Ai cũng nỗ lực để vươn lên, để kinh doanh, không ai bận tâm tới giận dữ hay các vấn đề địa chính trị nào khác.
“Và ngạc nhiên nữa là, tôi nhận thấy có điểm tương đồng giữa tính cách của người Việt Nam và người Latinh, rất ấm áp, thân thiện, tình cảm. Tôi cảm thấy như ở nhà.
“Đó thực sự là tình yêu sét đánh,” Martin Rama nói với BBC News Tiếng Việt.
Trong vô vàn những ấn tượng về Hà Nội, Martin Rama dành nhiều tình cảm cho văn hóa vỉa hè, các biệt thự cổ của Pháp, và các khu tập thể.
Vỉa hè, biệt thự cổ và khu tập thể
Với ông, chưa có ở nơi đâu vỉa hè lại phản ánh đời sống văn hóa, kinh tế, giao lưu xã hội sống động và màu sắc như ở Hà Nội. Bạn có thể tìm thấy mọi thứ trên vỉa hè. Thức ăn, các gánh hàng hoa, các quán trà đá, các buổi gặp gỡ.
“Nếu Hà Nội dẹp sạch vỉa hè với lý do là ‘phát triển’, những người này sẽ đi về đâu? Hà Nội sẽ giống như nhiều thành phố khác: nhạt nhẽo – nơi thuận tiện để làm việc, nhưng không có gì khiến chúng trở nên đáng nhớ hay gắn bó,” ông lý giải.
Trong cuốn Vì tình yêu Hà Nội, Martin Rama cũng dành nhiều trang để nói về tình yêu sâu đậm của ông với các biệt thự cổ từ thời Pháp.
Với ông, vẻ duyên dáng của Nàng có sự đóng góp không nhỏ của hơn 1000 biệt thự kiểu này.
Từng sống trong căn biệt thự Pháp xinh đẹp ở 43 Trần Hưng Đạo suốt tám năm, Martin Rama nói khi hoàn thành nhiệm vụ của mình ở Việt Nam, việc phải rời bỏ ngôi biệt thự này khiến ông cảm thấy ‘như thể kết thúc một câu chuyện tình’.
Cũng thế, ông dành trọn vẹn tình yêu cho các Khu Tập Thể – vốn được cho là đặc trưng phong cách xã hội chủ nghĩa – dù ‘nhếch nhác, lộn xộn và ảm đạm’, nhưng ‘không gian công cộng của chúng thì luôn tràn đầy sức sống’.
Ông đặc biệt yêu thích cầu thang của các khu tập thể, nơi các kiến trúc sư đã “khai sinh ra một phong cách thẩm mỹ tối giản” thông qua các ô lọc sáng trên tường, tạo ra các họa tiết đẹp như tranh vẽ.
Ông yêu các khu tập thể đến nỗi đã chọn một căn hộ trên phố Tôn Thất Thiệp để làm căn nhà Hà Nội của riêng mình và dành ba năm để cải tạo nó.
Trong các nỗ lực ‘cứu’ và duy trì vẻ đẹp của Nàng, Martin Rama được biết đến khi đã cứu thành công bức tranh tường cổ động của họa sỹ Trường Sinh ở chợ Mơ, hay sân vường Art Decor của Hanoi Cinematheque – ông đã viết thư lên chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung thời bấy giờ đề nghị không phá bỏ không gian này để xây khu mua sắm Savina – Vingroup.
Ông cũng thành công khi góp phần lên tiếng để bảo tồn Dinh Thượng Thơ 130 năm tuổi ở Sài Gòn.
Nhưng không phải cuộc chiến nào cũng thắng lợi. Trong đó, một trong những thất bại đáng buồn nhất của ông là dù nhiều lần lên tiếng nhưng ông không cứu được nhà thờ Bùi Chu ở Nam Định.
Dù vậy, hành trình nỗ lực cứu các di sản của Việt Nam đã khiến ông kết nối thêm được với nhiều người.
Ông trở nên bận rộn hơn khi nhận thêm được nhiều tin nhắn, các cuộc gọi thông báo ở đâu đó tại Việt Nam người ta đang chuẩn bị phá bỏ công trình cổ này, tác phẩm lịch sử kia.
Một dự án cho Hà Nội
Bắt đầu từ năm 2017, Martin Rama quyết định thực hiện việc bảo tồn và phát triển Hà Nội ở một tầm mức mới, với dự án đầy tham vọng đưa Nàng trở thành một thành phố phát triển bền vững nhưng vẫn giữ được hồn cốt và sự duyên dáng.
“Là một chuyên gia kinh tế, tôi hiểu rằng một thành phố không chỉ cần bảo tồn mà còn cần phát triển. Nhưng làm thế nào để phát triển mà không khiến thành phố dần trở nên nhạt nhẽo một cách vô vọng?,” chuyên gia kinh tế trăn trở.
Dự án của ông hướng tới nghiên cứu áp dụng cho việc nâng cấp một khối nhà chứ không phải một tòa nhà đơn nhất.
Khối nhà này sẽ bao gồm một vài biệt thự Pháp cổ được cải tạo đẹp mắt, xung quanh là không gian mở với những nhà hàng, cửa hiệu và phòng trưng bày nghệ thuật cao cấp.
Và hẳn phải có một Khu Tập Thể được nâng cấp, trong đó các căn hộ hiện đại hóa nhưng bề ngoài vẫn mang dáng vẻ hấp dẫn của các Khu Tập Thể nguyên bản.
Khối nhà sẽ có bãi đậu xe ngầm với những biển quảng cáo và đèn chiếu sáng, “mang nét quyến rũ của Paris, nhưng ở một phiên bản hoàn toàn Hà Nội”.
Martin Rama nhìn nhận rằng giá bất động sản của một khối nhà như vậy chắc chắn sẽ rất cao, và việc đầu tư phát triển khối nhà có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn việc phá hủy mọi thứ trong khối nhà và xây mới.
“Chúng tôi hướng tới một mô hình kết hợp phát triển với bảo tồn có lợi cho cả nhà đầu tư tư nhân và cư dân gốc của khối nhà,” Martin Rama nói.
Theo ông, cần phải làm thí điểm từ từ với sự thẩm định chuyên nghiệp của một hội đồng các chuyên gia kiến trúc và văn hóa.
“Là một nhà kinh tế học, tôi thấy không có gì quan trọng hơn là phát triển thành phố. Việt Nam có tiềm năng trở thành một nước rất phát triển. Và để làm như vậy cần phải thu hút được nhiều tài năng.
“Nhưng một thành phố thu hút các tài năng không phải là một thành phố có nhiều nhà xưởng, mà phải là một nơi sống động, đời sống văn hóa phong phú… Để kết hợp được tất cả các khía cạnh văn hóa, kinh tế… trong một dự án như vậy, điều cần phải làm là nâng cao nhận thức. Ở những thành phố châu Âu, bạn không cần phải làm điều này nữa.
“Nền tảng cho sự thay đổi chính là nhận thức. Nếu mọi người dân, nhà lãnh đạo, nhà báo đều có chung một nhận thức, một cái nhìn như vậy về việc bảo tồn và phát triển thành phố, thì mọi việc sẽ diễn ra đúng trình tự. Bạn không cần phải quản lý vi mô những sáng kiến nhỏ lẻ. Và cuốn sách của tôi là một phần trong hành trình nâng cao nhận thức này,” Martin Rama nói với BBC.
Khi được hỏi về tình cảm của ông với Nàng hiện nay có gì đổi khác so với 25 năm trước, Martin Rama trả lời:
“Suốt 25 năm qua, Nàng chưa từng làm tôi thất vọng. So với 25 năm trước, Hà Nội nay ồn ào, bụi bặm hơn, nhưng không khí đó, sự quyến rũ đó thì vẫn còn nguyên.”