- Tác giả,Jean Mackenzie và Derek Cai
- Vai trò,Từ Seoul và Singapore
- 17 tháng 8 2023
Bắc Hàn cho biết binh nhì Travis King của Mỹ đã chạy sang lãnh thổ của họ hồi tháng trước vì “sự ngược đãi vô nhân đạo và phân biệt chủng tộc” trong quân đội.
Binh nhì 23 tuổi đã vượt biên từ Hàn Quốc sang CHDCND Triều Tiên vào ngày 18/7 khi đang tham gia một chuyến du lịch khu Phi quân sự có hướng dẫn viên.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin, người lính Mỹ gốc châu Phi thừa nhận đã vượt biên trái phép và muốn tị nạn ở Bắc Hàn.
Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng thừa nhận bắt giữ binh sĩ này. Những tuyên bố này chưa được kiếm chứng.
Thông báo của Bắc Hàn chỉ xuất hiện trong một bản tin của hãng tin nhà nước KCNA.
KCNA không cung cấp thêm thông tin chi tiết về sức khỏe của binh nhì King hoặc liệu Bình Nhưỡng có chấp nhận cho anh ta tị nạn hay không.
Tình trạng sức khỏe của người lính Mỹ ngày càng thu hút nhiều mối quan tâm, không ai trông thấy hoặc nghe thấy gì từ binh nhì King kể từ khi anh ta vượt biển.
Mỹ đang cố gắng thương lượng để Bắc Hàn thả binh nhì King với sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, cơ quan điều hành khu vực biên giới liên Triều và có đường dây điện thoại trực tiếp với quân đội của Bình Nhưỡng.
Trả lời thông báo của Bắc Hàn hôm thứ 16/8, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết Mỹ không thể xác minh các tuyên bố và ưu tiên của họ là đưa binh nhì King về nước an toàn “thông qua tất cả các kênh có sẵn”.
Bắc Hàn không đưa ra thông tin về kế hoạch đối xử với binh nhì King như thế nào nhưng cho biết người lính này thừa nhận đã nhập cảnh “bất hợp pháp” vào nước này.
“Thực tế là tuyên bố của Bắc Hàn nhấn mạnh việc nhập cảnh bất hợp pháp của binh nhì King cho thấy rằng họ không nghĩ đến việc để anh ta ở lại ngay cả khi anh ta mong muốn”, Christopher Green, nhà tư vấn cấp cao tại Tổ chức nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế nhận định.
“Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Anh ta sẽ mất tất cả giá trị chính trị của mình đối với họ nếu trường hợp đó xảy ra”, ông Green lý giải, nhưng nói thêm rằng Bắc Hàn chưa vội đàm phán để Travis King trở lại Mỹ.
“Họ đã rất công khai ủng hộ Bắc Kinh và Moscow, thông qua các chuyến thăm của phái đoàn cấp cao từ cả hai nước tới Bình Nhưỡng trong những tuần gần đây. Thật sai lầm khi nghĩ rằng Bắc Hàn đang hoặc cần phải vội vàng giải quyết vụ rắc rối của Travis King,” anh nói.
Tuyên bố trên KCNA không cho biết liệu binh nhì này có bị truy tố hay trừng phạt hay không, và không đề cập đến anh này đang ở đâu hoặc tình trạng hiện tại như thế nào.
“Trong quá trình điều tra, Travis King thú nhận rằng anh ta đã quyết định đến CHDCND Triều Tiên [Bắc Hàn] vì anh ta bất mãn trước sự ngược đãi vô nhân đạo và phân biệt chủng tộc trong Quân đội Mỹ”, KCNA đưa tin.
“Anh ấy cũng bày tỏ sẵn sàng tị nạn ở CHDCND Triều Tiên hoặc một nước thứ ba, nói rằng anh ấy đã vỡ mộng trước xã hội Mỹ bất bình đẳng.”
Binh nhì King là một lính trinh sát đã nhập ngũ từ tháng 1/2021 và đã ở Hàn Quốc thực hiện nhiệm vụ.
Trước khi vượt biên, anh ta đã bị giam giữ hai tháng ở Hàn Quốc vì tội hành hung và được thả vào ngày 10/7.
Người lính này đáng lẽ phải bay trở lại Mỹ để đối mặt với các thủ tục kỷ luật nhưng đã tìm cách rời khỏi sân bay và tham gia chuyến tham quan Khu phi quân sự (DMZ), ngăn cách Bắc và Nam Triều Tiên.
DMZ là một trong những khu vực được canh phòng nghiêm ngặt nhất trên thế giới, rải đầy mìn, được bao quanh bởi hàng rào điện và dây thép gai, đồng thời được giám sát bằng camera an ninh. Lực lượng bảo vệ có vũ trang ở đây được cho là luôn trong tình trạng cảnh giác 24/24 mặc dù các nhân chứng nói rằng không có binh lính Bắc Hàn nào ở đó khi binh nhì King chạy qua.
Gia đình của King trước đó đã nói với truyền thông Mỹ rằng anh ta đã từng bị phân biệt chủng tộc trong quân đội. Họ cũng cho biết sức khỏe tâm thần của anh dường như đã giảm sút sau khi ngồi tù ở Hàn Quốc.
“Cảm giác như tôi đang ở trong một cơn ác mộng dài,” mẹ của Travis, Claudine Gates nói và cho biết thêm gia đình bà đang vô cùng mong đợi câu trả lời.
Bắc Hàn là một trong số ít quốc gia trên danh nghĩa vẫn nằm dưới sự cai trị của cộng sản và từ lâu đã là một xã hội cực kỳ bí mật và biệt lập.
Chính phủ do ông Kim Jong-un lãnh đạo cũng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền có hệ thống.
Các nhà phân tích cho rằng việc giam giữ Travis King đã góp phần vào thông điệp chống Mỹ của Bắc Hàn, vào thời điểm quan hệ giữa hai nước đang tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Bình Nhưỡng rất có thể sẽ tận dụng cơ hội này để nêu bật vấn đề phân biệt chủng tộc và những thiếu sót khác trong xã hội Mỹ, đặc biệt là trước những lời quốc tế chỉ trích họ về những vi phạm nhân quyền.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 17/8 để thảo luận về tình hình nhân quyền ở Bắc Hàn lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Trước những bình luận về Travis King, truyền thông Bắc Hàn đã đưa ra tuyên bố về cuộc họp của Liên Hợp Quốc do Mỹ chủ trì.
“”Bất mãn với sự dung dưỡng nạn phân biệt chủng tộc và tội phạm liên quan đến súng đạn, Mỹ đã áp đặt các tiêu chuẩn nhân quyền phi đạo đức đối với các quốc gia khác”, thông báo này viết.