Khai thác đất hiếm dưới đáy đại dương, Nhật Bản trên tuyến đầu

Đăng ngày: 22/08/2023

Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ theo đuổi cùng một mục đích : Không còn phải lệ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc, rất cần thiết cho công nghệ số và cho tiến trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh. Đại dương là một nguồn cung cấp rất lớn.

Lòng đại dương, nguồn dự trữ kim loại, đất hiếm vô tận. Ảnh minh họa.
Lòng đại dương, nguồn dự trữ kim loại, đất hiếm vô tận. Ảnh minh họa. AP – Dita Alangkara, File

Chinh phục khoáng sản, kim loại hiếm dưới lòng biển sẽ đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, môi trường và nhất là địa chính trị. Nhật Bản đang dẫn đầu cuộc đua, đã bắt đầu phát triển kỹ thuật và công nghệ để chắt lọc khoáng sản từ bùn đại dương ở độ sâu từ 5 đến 6 ngàn mét. Phụ thuộc đến 60 % vào đất hiếm Trung Quốc, Nhật Bản thông báo bắt đầu khai thác đất hiếm từ đầu năm 2024. 

Viễn cảnh « thoát Trung » từ 2024 

Theo báo tài chính Nhật Nikkei Asia ngày 24/12/2022 Tokyo chuẩn bị khai thác đất hiếm trong lòng đại dương ở khu vực ngoài khơi đảo Minami Torishima, cách thủ đô Tokyo chừng 1.900 km về hướng đông nam, đây là vùng biển xa xôi nhất thuộc hải phận Nhật Bản. Trữ lượng đất hiếm trong khu vực Minami Torishima đủ để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của Nhật Bản cho cả « gần ngàn năm ».

Là một trong những nguồn tiêu thu kim loại hiếm hàng đầu thế giới để sản xuất từ ô tô điện đến màn ảnh phẳng, cánh quạt gió … Nhật rất cần đất hiếm với 17 nguyên tố kim loại nặng. Viễn cảnh từng bước « thoát Trung » tự lực về kim loại hiếm quả là một món quà Giáng Sinh đầy ý nghĩa. Song để đạt đến đích, các nhà khoa học Nhật Bản còn phải vượt qua nhiều thách thức.

Nikkei Asia giải thích : khó khăn đầu tiên là hải lưu Kuroshio, ở tây Thái Bình Dương chảy ngang qua Nhật Bản, nước chảy rất siết, rất nguy hiểm cho các đội tàu thám hiểm hay khai thác lòng đại dương trong khu vực này. Thách thức thứ nhì là khu vực Minami Torishima thường nằm trên lộ trình của các trận bão lớn. Khó khăn thứ ba là phải có phương tiện để chắt lọc kim loại hiếm từ các mẫu đá, bùn dưới lòng đại dương ở độ sâu 5 hay 6 ngàn mét, đưa bùn đại dương ở độ sâu như vậy lên cạn đã là một kỳ công.

Các toán kỹ sư Nhật cũng chưa bao giờ làm việc, khai thác tài nguyên trong những điều kiện « khó khăn như vậy » và phải giải quyết cùng lúc « quá nhiều ẩn số ».

Cuối năm 2022 Quốc Hội Nhật Bản đã thông qua ngân sách 45 triệu đô la cho dự án khai thác, đồng thời quy định chỉ có bên bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công nghiệp được quyền cấp giấy phép cho các công ty khai thác đất hiếm trên lãnh thổ quốc gia. Riêng Cơ Quan An Ninh Kim Loại và Năng Lượng Nhật Bản JOGMEC đầu tư 75 % vào dự án. Hai năm trước đó JOGMEC thông báo đã tìm thấy nhiều kim loại hiếm như cobalt, kẽm … trong đá trầm tích ở khu vực đảo Minami Torishima thuộc lãnh hải Nhật Bản.

Chiến lược mới về an ninh quốc gia Nhật Bản xem việc giảm mức độ lệ thuộc vào đất hiếm của một số quốc gia là một ưu tiên. Đất hiếm là một trong số 11 lĩnh vực thuộc diện « vật liệu thiết yếu đặc biệt » trong bộ luật về an ninh kinh tế vừa được ban hành năm 2023.

Tham vọng của Na Uy 

Chưa tiến xa như Nhật Bản, ở khu vực Bắc Âu, tháng trước Na Uy đệ trình lên Quốc Hội một dự án cho phép khai thác « kim loại nặng » gần quần đảo Svalbard thuộc Bắc Băng Dương. Diện tích khai thác lớn ngang với toàn nước Đức -trên dưới 390.000 km vuông. Đây là một vùng có nhiều kim loại hiếm và có trữ lượng về đồng trên 38 triệu tấn đang ngủ vùi ở độ sâu hơn 4.000 mét dưới đáy biển.

Oslo muốn trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cung cấp từ cobalt cho đến lithium để phục vụ công nghiệp sản xuất bình điện cho xe ô tô, cho các cánh quạt sản xuất năng lượng gió. Trong chưa đầy 2 thập niên nữa -đến ngưỡng 2040, nhu cầu tiêu thụ lithium trên thế giới sẽ lớn gấp hơn 40 lần so với hiện tại.

ISA và các vùng biển quốc tế 

Riêng đối với những vùng biển quốc tế, công tác thăm dò, khai thác thuộc thẩm quyền của Cơ Quan Quản Lý Đáy Biển Quốc Tế -ISA, một tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Kingston, Jamaica.

ISA vừa kết thúc khóa họp trong ba tuần hôm 29/07/2023. Các bên không đạt được đồng thuật về một dự thảo quy định khai thác khoáng sản dưới đáy biển ở độ sâu 4.000 mét trở đi và cũng không đồng ý cho khai thác ngay lập tức các khoáng sản dưới lòng đại dương.

Trước mắt ISA mới chỉ đồng ý cho các công tác « thăm dò » và từ khi bắt đầu hoạt động năm 1994 Cơ Quan Quản Lý Đáy Biển Quốc Tế mới chỉ cấp 31 giấy phép cho các công ty thăm dò đáy biển, chủ yếu liên quan đến vùng Clarion-Clipperton trải rộng trên gần 15 triệu km vuông ở Thái Bình Dương, nằm giữa đảo Hawaii của Mỹ và Mêhicô. 

Giới khoa học chưa thể thẩm định hết tác động của việc khai thác khoáng sản đối với hệ sinh thái biển, nhưng đa phần đưa ra cảnh báo về một sự « mất mát » và nguy cơ « không thể đảo ngược » do còn thiếu kiến thức về sinh học, môi trường và hệ sinh thái cả trên đất liền và đại dương. Một số tập đoàn lớn như Samsung của Hàn Quốc hay hãng xe Đức BMW hưởng ứng kêu gọi tránh sử dụng khoáng sản khai thác từ đại dương.

Pháp, Đức, Chilê hay nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương chủ trương nên dừng lại ở khâu « thăm dò ». Ở góc đài bên kia, từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay đảo Nauru vận động để bắt đầu khai thác nguồn tài nguyên vô tận này.

ISA bế tắc vì Trung Quốc 

Hãng tin Pháp AFP ghi nhận « dưới áp lực của phái đoàn Trung Quốc chủ đề bảo vệ đáy đại dương ở độ sâu không được đưa vào chương trình nghị sự năm nay mà đã bị đẩy lùi sang năm tới 2024 ».

Tuy nhiên, ngay cả trong hàng ngũ các quốc gia chủ trương phải tạm thời đợi thêm kết quả nghiên cứu về tác động của việc khai thác đối với hệ sinh thái biển, cũng có những ý kiến bất đồng như quan điểm của thượng nghị sĩ Teva Rohfritsch, vùng Polynésie : 

« Khoáng sản và các chương trình thăm dò tìm kiếm khoáng sản nảy sinh từ quyết tâm làm chủ các nguồn tài nguyên dưới lòng đại dương. Chúng ta biết có rất nhiều kim loại hiếm cần thiết để sản xuất điện thoại di động, sản xuất những tấm kính … Có rất nhiều quặng mỏ, tài nguyên trong lòng đại dương. Thực ra thì nếu không có đại dương, thì không thể có sự sống trên bộ. Điều đó được chứng minh hàng ngày ».

Kinh tế-môi trường, đề tài tranh luận muôn thủơ

Một lần nữa tất cả các tranh cãi lại xoay quanh hai mục tiêu kinh tế và môi trường. 

Trong một phóng sự trên kênh truyền hình châu Âu Euronews, kỹ sư Ian Stewart chủ nhiệm chương trình khai thác tài nguyên dưới lòng biển MIDAS Project giải thích về tiềm năng rất lớn của đại dương khiến nhiều công ty đang vận động ráo riết để được quyền khai thác :

« Có rất nhiều khoáng sản trong lòng đại dương mà nhiều quốc gia muốn khai thác về mặt thương mại, thí dụ như là hợp chất phosphat, băng cháy methan hydrat mà chúng ta có thể khai thác như là một loại năng lượng vậy. Hiện có nhiều dự án đầu tư rất lớn trong lĩnh vực này »

Về phần nhà địa chất học Erwan Pelletier thuộc–Viện Nghiên Cứu Khai Thác Biển của Pháp IFREMER trong phóng sự trên đài France 24 ông đã xác nhận một số kim loại tìm thấy trong đá trầm tích ngoài khơi Brest miền tây bắc nước Pháp : 

« Có nhiều khoáng sản sáng bóng trong tảng đá này. Tức là ở đây có nhiều kim loại như là kẽm thì có màu xám, đồng thì có màu hơi vàng. Ngoài ra còn có những chất khác như là nguyên tố cadmi một thứ kim loại mềm để chế tạo pin mặt trời ».

Đối với Craig Shesky giám đốc tài chính tập đoàn luyện kim của Canada TMC thì chắc chắn tương lai kinh tế của nhân loại đang được giấu kín dưới lòng đại đương ở những độ sâu hơn 4.000 mét

« Trong những khu vực chúng tôi thăm dò có rất nhiều đồng và nickel, tức là kền. Có cả cobalt, hay manganese … Tất cả những kim loại này cho phép chúng ta trang bị bình điện cho 25 % xe ô tô trên khắp thế giới. Điều đó chứng tỏ tài nguyên trong lòng biển phong phú tới mức độ nào đồng thời chúng ta cần các tài nguyên đó trong tiến trình phi các-bon hóa các hoạt động kinh tế hiện nay ».

Theo một báo cáo được trình lên chính phủ Pháp đến năm 2030 châu Âu chỉ đủ sức cung ứng 30 % nhu câu tiêu thụ về những « khoáng sản thiết yếu » để sản xuất bình điện ô tô và cho công tác phát triển năng lượng tái tạo. Kết luận đó càng châm thêm củi lửa cho các cuộc chạy đua săn lùng đất hiếm và tài nguyên dưới lòng biển, nhất là khi biết rằng trữ lượng chỉ riêng trong khu vực Clairon Clipperton lớn gấp 6.000 lần so với toàn bộ các dự trữ trên mặt đất ! Đất hiếm được sử dụng chủ yếu trong bốn lĩnh vực then chốt từ công nghệ kỹ thuật số, năng lượng, y khoa và công nghiệp quốc phòng. 

Thanh Hà

Bài Liên Quan

Leave a Comment