Bình luậnAldgra Fredly • 24/08/23
Lãnh đạo Quần đảo Solomon ngày 21/8 tuyên bố rằng các dự án Đại hội thể thao Thái Bình Dương 2023 do Bắc Kinh tài trợ đã cứu quốc đảo này khỏi “sự sụp đổ toàn diện về kinh tế” trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã đưa ra nhận xét trên trong buổi lễ bàn giao Sân vận động phục vụ cho Đại hội Thể thao Thái Bình Dương cho Quần đảo Solomon, với sự tham dự của Đại sứ Trung Quốc tại Quần đảo Solomon Lý Minh (Li Ming).
Đại hội thể thao Thái Bình Dương 2023 sẽ được tổ chức tại Quần đảo Solomon từ ngày 19/11 đến ngày 2/12. Bắc Kinh tài trợ một nửa kinh phí cho dự án này, với tổng trị giá 1,85 tỷ SBD (221 triệu USD), bao gồm việc xây dựng sân vận động.
Quần đảo Solomon đóng góp 1/3 kinh phí cho dự án xây dựng sân vận động. Theo nhiều nguồn tin, Úc, Indonesia, Papua New Guinea và Nhật Bản cũng đã đóng góp cho dự án này.
Ông Sogavare cho biết các khoản đầu tư vào Đại hội thể thao Thái Bình Dương đã đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, chẳng hạn như nâng cấp sân bay quốc tế của đất nước và đẩy nhanh việc xây dựng đường cao tốc.
Trong một tuyên bố, ông nói: “Chính các dự án của Đại hội thể thao Thái Bình Dương 2023 đã cứu Quần đảo Solomon khỏi sự sụp đổ toàn diện về kinh tế trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, khi nền kinh tế toàn cầu, khu vực và chính chúng tôi suy thoái”.
Quần đảo Solomon gần đây đã ký một biên bản ghi nhớ với Trung Quốc, cho phép 80 vận động viên từ Quần đảo Solomon tới Trung Quốc tập luyện cho Thế vận hội Thái Bình Dương sắp tới trong ba tháng.
‘Ngoại giao bẫy nợ’
Ông Lý Minh cho biết, sân vận động chính được xây dựng với sự giúp đỡ của 1.000 người dân đảo Solomon và 300 công nhân Trung Quốc. Ông gọi sân vận động này là “biểu tượng của tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon”.
Bên cạnh đó, ông Lý Minh cũng gọi sân vận động này là dự án lớn nhất mà Trung Quốc xây dựng cho khu vực đảo Thái Bình Dương và cho rằng dự án này nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
BRI của Trung Quốc, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013, đã rót hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Đông Âu và Châu Á.
Tuy nhiên, Mỹ đã nhiều lần chỉ trích ĐCSTQ vì sử dụng chiến thuật cho vay cắt cổ để mở rộng quyền lực địa chính trị. Do mức cho vay không bền vững và các hợp đồng thiếu minh bạch, các dự án BRI đã làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia đi vay, bao gồm cả Sri Lanka và Pakistan.
Bắc Kinh cũng bị chỉ trích vì sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để giành quyền kiểm soát các tài sản trọng yếu ở các quốc gia đang phát triển. Vào tháng 12/2017, chính phủ Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê toàn bộ Cảng Hambantota trong 99 năm để biến khoản vay 1,4 tỷ USD thành vốn chủ sở hữu.Ông Daniel Suidani, cựu lãnh đạo tỉnh Malaita thuộc Quần đảo Solomon, tại Washington, Mỹ, hôm 25/4/2023. (Ảnh: Wei Wu/The Epoch Times)
Cựu quan chức cảnh báo về các thỏa thuận của Trung Quốc
Cựu lãnh đạo tỉnh Malaita Daniel Suidani trước đây đã cáo buộc ĐCSTQ mua chuộc các chính trị gia trên khắp Quần đảo Solomon và vũ khí hóa quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương này vì mục đích riêng của họ.
“Mọi người cần nhận thức được cách ĐCSTQ đang đối phó với sự phát triển ở đất nước chúng ta như thế nào”, ông nói trong cuộc hội thảo hôm 28/4 tại Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn bảo thủ.
“Họ hoàn toàn không chia sẻ các giá trị của chúng ta”, ông lập luận.
Vào thời điểm báo chí đưa tin, Bộ Ngoại giao Quần đảo Solomon vẫn chưa phản hồi yêu cầu bình luận được gửi qua email về tuyên bố của ông Suidani.
Ông Suidani bị phế truất sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Cơ quan lập pháp tỉnh hồi tháng 2/2023. Ông trở thành mục tiêu của các nỗ lực đàn áp do ĐCSTQ hậu thuẫn, phần lớn là do ông lên tiếng ủng hộ người dân Đài Loan và nỗ lực thực thi lệnh cấm đối với các dự án kinh doanh mới do ĐCSTQ hậu thuẫn ở đất nước mình.
Solomon cáo buộc Úc, New Zealand ngừng viện trợ
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2019, ông Sogavare đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan, đồng thời ký một thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với ĐCSTQ vào tháng 4/2022 và nhận được khoản vay 66 triệu USD từ Trung Quốc ba tháng sau đó. Quyết định này cho phép gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei xây dựng 161 tháp truyền thông di động trên khắp quốc đảo này.
Hồi tháng 7, ông Sogavare đã cáo buộc rằng Bắc Kinh đã can thiệp để cung cấp tài chính cho Solomon sau khi Úc và New Zealand lần lượt cắt khoản viện trợ trị giá 12 triệu USD và 15 triệu USD tương ứng.
Phát biểu trước báo giới hôm 17/7 tại Honiara, Quần đảo Solomon, ông Sogavare cho hay: “Điều này đã đặt đất nước này và người dân vào tình thế khó khăn. Nhưng tôi rất vui mừng thông báo rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thực sự đẩy mạnh cung cấp khoản hỗ trợ ngân sách cần thiết cho năm 2023”.
Trong khi đó, chính quyền Úc đã thẳng thừng bác bỏ mọi sự chậm trễ tài trợ nào đối với quần đảo Solomon.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch