Phóng vệ tinh gián điệp lần hai thất bại, Triều Tiên tuyên bố sẽ sớm thử lần ba

 Bình luậnMimi Nguyen Ly • 24/08/23

Thứ 5 (24/08), truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin rằng nỗ lực lần thứ hai của Bình Nhưỡng trong việc phóng vệ tinh do thám lên quỹ đạo đã thất bại khi tên lửa rơi xuống biển.

“Giai đoạn bay thứ nhất và thứ hai của tên lửa diễn ra bình thường, nhưng vụ phóng đã thất bại do lỗi trong hệ thống kích nổ khẩn cấp trong giai đoạn ba”, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) – cơ quan ngôn luận của Bình Nhưỡng – cho biết.

Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) – cơ quan vũ trụ của Triều Tiên – nói rằng họ đã sử dụng tên lửa đẩy thế hệ mới Chollima-1 để đưa vệ tinh trinh sát Malligyong-1 vào quỹ đạo. Họ nói thêm rằng nguyên nhân của vụ tai nạn không phải là vấn đề lớn khi xét đến độ tin cậy của các động cơ và hệ thống.

Bình Nhưỡng cam kết sẽ thực hiện nỗ lực đưa vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của họ lên quỹ đạo lần thứ ba vào tháng 10, như một phần trong kế hoạch có một đội vệ tinh để giám sát quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

“NADA bày tỏ lập trường rằng họ sẽ tiến hành vụ phóng vệ tinh trinh sát lần thứ ba vào tháng 10 sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng lý do và thực hiện các biện pháp xử lý”, KCNA đưa tin.

Nỗ lực đầu tiên của Triều Tiên vào ngày 31/5 đã không thành công sau khi tên lửa Chollima-1 mới của họ rơi xuống biển. Vụ phóng đó đã thất bại ở giai đoạn bay thứ hai; truyền thông nhà nước cho biết lỗi đến từ hệ thống động cơ mới không ổn định và không đáng tin cậy.

Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản lên án vụ phóng

Tòa Bạch Ốc nói rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Họ cho biết cánh cửa ngoại giao “chưa đóng lại”, nhưng cảnh báo Bình Nhưỡng “phải chấm dứt ngay lập tức các hành động khiêu khích, và thay vào đó hãy chọn cách hợp tác”.

Tòa Bạch Ốc tuyên bố thêm rằng Hoa Kỳ cam kết thực hiện tất cả các bước cần thiết để đảm bảo an ninh và để bảo vệ các đồng minh của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng gây áp lực, yêu cầu Triều Tiên ngừng “các hoạt động có tính đe dọa khác”.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố: “Các phương tiện phóng vào không gian (SLV) tích hợp các công nghệ mà giống hệt với và có thể thay thế được các công nghệ đang được sử dụng trong tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)”.

Về phía Hàn Quốc, nước này xác nhận vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng đã thất bại. Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã theo dõi hành trình bay của tên lửa kể từ khi nó được phóng tại bãi phóng vệ tinh Sohae của Bình Nhưỡng. Hiện tại, Hàn Quốc đang tìm cách trục vớt các mảnh vỡ.

Hàn Quốc đã trục vớt được một phần của tên lửa mà Bình Nhưỡng đã phóng thất bại trong lần phóng đầu tiên. Vào thời điểm đó, Seoul cho biết tên lửa này dường như không có khả năng thực thi các nhiệm vụ quân sự.

Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc đã lên án vụ phóng mới nhất này của Triều Tiên, cho rằng nó vi phạm các nghị quyết cấm công nghệ tên lửa đạn đạo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, vào 4 giờ sáng giờ địa phương, Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về vụ phóng của Bình Nhưỡng trên hệ thống phát sóng cảnh báo J (J-alert broadcasting system). Cư dân của tỉnh cực nam Okinawa được yêu cầu tìm nơi trú ẩn. Cảnh báo khẩn cấp được dỡ bỏ sau 20 phút, người dân được thông báo rằng tên lửa đã bay qua khu vực.

Tokyo, giống như Washington và Seoul, đã lên tiếng chỉ trích vụ phóng tên lửa. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno phát biểu tại một cuộc họp báo trên truyền hình rằng các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng gây ra mối đe dọa cho an ninh khu vực. Ông nói: “Chúng tôi sẽ mạnh mẽ phản đối Triều Tiên và lên án nước này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể”.

Ông cho hay các bộ phận của tên lửa đã rơi xuống Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương.

Vụ phóng diễn ra 3 ngày sau cuộc tập trận quân sự hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc mà Triều Tiên gọi là cuộc diễn tập xâm lược. Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày này làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên đã nhiều lần cố gắng đưa vệ tinh “quan sát trái đất” vào không gian, với 2 lần dường như đã thành công, một trong số đó là vào năm 2016. Theo các nhà quan sát quốc tế, vệ tinh năm 2016 dường như đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ xung quanh các hoạt động truyền tải của nó.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment