- Lê Tây Sơn
25 tháng 8, 2023
Ảnh: Joe Raedle/Getty Images
“Mỗi tuần, tôi vào trang web của Walmart và đặt mua nhiều loại hàng tạp hóa giao đến nhà, nhưng sau đó cảm thấy hơi… tội lỗi! Lý do: Walmart là một tập đoàn trị giá hàng tỷ đôla có trụ sở chính cách nhà tôi hơn 1,000 dặm; số tiền tôi chi tiêu ở đó sẽ được chuyển đến các cổ đông và ban lãnh đạo sống ở xa, trong khi Key Food, chuỗi cửa hàng tạp hóa gần 86 tuổi đời có trụ sở gần nhà tôi ở New York rất cần số tiền đó để tồn tại. Bằng cách mua sắm tại Walmart, tôi có thể đang góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của cửa hàng tạp hóa thuộc sở hữu độc lập, vốn đang biến mất trên khắp đất nước” – Alana Semuels viết trên tờ TIME.
Đạo luật Robinson-Patman
“Chính giá cả đã dẫn đến quyết định của tôi và nhiều người mua khác mà không cần đắn đo. Gần đây, hộp Quaker Oats 42 oz tôi mua mỗi tuần có giá $9.99 tại Key Food nhưng chỉ có $5.68 tại Walmart. Một chai dầu ô liu California Olive Ranch 500 ml có giá $14.49 tại Key Food và $8.37 tại Walmart. Nước sốt cà chua của Rao có giá $9.99, trong khi trên Walmart chỉ có $6.88! Riêng ba mặt hàng này, tôi đã tiết kiệm được $14 nếu mua chúng tại Walmart” – Alana Semuels phân tích.
Mức giá cạnh tranh là một lý do khiến Walmart chiếm đến 25% tổng doanh thu bán hàng tạp hóa ở Mỹ. Nhưng khi Walmart và các chuỗi cửa hàng lớn khác như Dollar General bành trướng với tốc độ chóng mặt trên toàn nước Mỹ và thống lĩnh sức mạnh thị trường thì mức giá niêm yết đó vừa không công bằng vừa vi phạm Đạo luật Robinson-Patman (Robinson-Patman Act -1936), trong đó nêu rõ:
“Về cơ bản, các nhà cung cấp trong bất kỳ ngành nào cũng không được phép đưa ra mức giá thấp hơn và ưu đãi hơn cho các chuỗi cửa hàng lớn của mình nếu chi phí cho chúng tương đương với các cửa hàng nhỏ khác”.
Luật cũng quy định các nhà bán lẻ lớn không được ép buộc các nhà cung cấp bán giá rẻ cho mình. Nhưng, theo Small Business Rising và Main Street Competition Coalition, hai tổ chức chủ doanh nghiệp nhỏ độc lập, vì Walmart và các tập đoàn tương tự quá lớn, chiếm phần lớn doanh thu của nhà cung cấp, nên chúng thường nhận được mức giá thấp và ưu tiên từ họ.
Không chỉ các cửa hàng tạp hóa nhỏ độc lập mới bị chặn nguồn cung mà các hiệu thuốc độc lập, nhà sách, cửa hàng phụ tùng xe hơi và các loại hình bán lẻ khác cũng gặp khó khăn trên một sân chơi không bình đẳng. Giá rẻ như tại Walmart có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với người tiêu dùng. Trong thời đại lạm phát phi mã, ai cũng muốn có giá mua thấp nhất. Nhưng trong thời đại dịch, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng sống ở các khu vực có thu nhập thấp và cách xa các cửa hàng lớn, không thể mua được những mặt hàng họ cần.
Walmart càng bành trướng, các cửa hàng tạp hóa nhỏ độc lập càng nhanh sụp đổ. Khi các nhà cung cấp mất tiền do phải bán giá thấp cho các ông lớn bán lẻ như Walmart, họ sẽ tính giá cao hơn cho các cửa hàng yếu thế khác, một hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là “waterbed effect” (hiệu ứng giường nước, ép chỗ này nước tràn sang chỗ kia). Các cửa hàng bách hoá độc lập bán giá cao sẽ mất khách hàng, giảm doanh thu và phá sản. Và ngay khi các đối thủ nhỏ lẻ bị xoá sổ, các ông lớn thiết lập sự thống trị và tăng giá trở lại.
Stacy Mitchell, đồng giám đốc điều hành của Viện Tự lực địa phương (Institute for Local Self-Reliance-ILSR), một nhóm vận động chống lại việc hợp nhất các tập đoàn buôn bán, nhận xét: “Việc thâu tóm thị trường tạp hóa của Walmart đã khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn”.
Một cuộc điều tra của NPR cho thấy giá Walmart đã tăng khoảng 23% từ Tháng Tám, 2019 đến Tháng Mười Hai, 2022. Trong số hàng hoá tăng mạnh nhất có Quaker Old-Fashioned Oats, tăng 73% từ Tháng Tám, 2019 đến Tháng Mười Hai, 2022 và khăn giấy Bounty, tăng 67%”.
Theo một bài báo gần đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston (Federal Reserve Bank of Boston), hoạt động sáp nhập và mua lại trong nền kinh tế đã làm tăng giá ở nhiều ngành công nghiệp. ILSR nêu rõ: “Nhờ một sân chơi không bình đẳng, các cửa hàng Dollar General, Dollar Tree và Family Dollar đã thành công trong chiến lược lan toả khắp nước Mỹ và đẩy các cửa hàng tạp hóa độc lập ra khỏi thị trường. Sự thống trị của các chuỗi cửa hàng khổng lồ là bằng chứng cho thấy Đạo luật Robinson-Patman cần được thực thi nghiêm túc”.
Ủy ban Thương mại Liên bang vào cuộc
Kiến nghị các ông lớn cửa hàng bán lẻ cần phải được kiềm chế đã thu hút sự chú ý của Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission-FTC), cơ quan có nhiệm vụ thực thi Đạo luật Robinson-Patman. Dưới thời Chủ tịch Lina Khan (được bổ nhiệm năm 2021), FTC bắt đầu quan tâm đến chống độc quyền nhiều hơn. Đến Tháng Ba, Khan cho biết uỷ ban muốn điều tra nhanh và nhiều vụ khiếu kiện hơn nữa (khi còn là sinh viên tại Trường Luật Columbia, Khan đã viết một bài phê bình nêu rõ “chính sách chống độc quyền đã thất bại trong việc kiềm chế Amazon”).
Ngoài ra, Alvaro Bedoya, Ủy viên FTC, cũng bắt đầu chuyến “vi hành” nghe ngóng khắp đất nước, gặp gỡ chủ các cửa hàng tạp hóa độc lập và chủ các hiệu thuốc độc lập để nghe họ nói về cách Đạo luật Robinson-Patman có thể giúp họ tồn tại thế nào nếu được thực thi đầy đủ. Gần đây, FTC đã mở một cuộc điều tra sơ bộ về việc liệu cách định giá bán tại hai công ty Coca-Cola và PepsiCo có mang tính “thông đồng” và vi phạm Đạo luật Robinson-Patman không nhưng đến nay vẫn chưa có kết luật chính thức.
Tháng Ba, 2022, một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng gồm 43 thành viên Quốc hội do Hakeem Jeffries (Dân chủ-New York) và W. Gregory Steube (Cộng hoà-Florida) đại diện đã viết một lá thư gửi FTC yêu cầu uỷ ban làm nhiều hơn nữa để đối phó với các công ty bán lẻ vi phạm Đạo luật Robinson-Patman.
Họ viết trong thư: “Tác động phản cạnh tranh của việc định giá và khống chế nguồn cung mang tính phân biệt đối xử nhắm vào một số doanh nghiệp nhỏ trong toàn bộ chuỗi cung ứng là gây hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ độc lập”.
Việc các nhà lập pháp và quan chức chính phủ bắt đầu tăng cường bảo vệ các doanh nghiệp độc lập thể hiện sự thay đổi lớn trong suy nghĩ của những người mua sắm ở Mỹ. Trong nhiều thập niên, FTC và Bộ Tư pháp đã sử dụng lá bài chống độc quyền để bảo vệ người tiêu dùng trước hành vi câu kết thao túng giá cả. Nếu người mua hàng nhận được ưu đãi tốt và giá thấp thì không có lý do gì để chính phủ phải can thiệp.
Nhìn chung, nhiều người Mỹ không thấy có vấn đề gì khi các cửa hàng nhỏ không thể cạnh tranh trong một thị trường tự do nơi các hãng lớn giành ưu thế nhờ giá rẻ và tiện lợi. Phần mình, các nhà kinh tế vẫn chưa thống nhất trước câu hỏi: Liệu việc thực thi nghiêm túc Robinson-Patman có làm tăng giá hàng hoá? Có nghiên cứu nói có, nghiên cứu nói không!
Nếu FTC chứng minh việc thực thi luật sẽ không làm tăng giá mà thay vào đó sẽ tạo ra một quốc gia có chuỗi cửa hàng lớn và các cửa hàng độc lập nhỏ với mức giá tương đương, thì việc thực thi luật sẽ không gặp trở ngại. Nhưng trận chiến giữa các ông lớn và những chú bé hạt tiêu vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua sắm tại Walmart trong lúc FTC cố cứu các cửa hàng bán lẻ độc lập thì Walmart không có lý do gì để tự thay đổi.