RFA
2023.09.07
Ông Lê Trọng Hùng tích cực vận động và có kế hoạch tranh cử Đại biểu Quốc hội trước khi bị bắt
AFP/RFA edited
TNLT Lê Trọng Hùng đang tuyệt thực đến ngày thứ năm ở Trại giam số 6 để bảo vệ Hiến pháp
Tù nhân lương tâm (TNLT) Lê Trọng Hùng, thành viên của nhóm CHTV đang thụ án tù tại Trại giam số 6, tuyên bố tuyệt thực trong hơn hai tháng để bảo vệ Hiến pháp Việt Nam vốn đang bị nhiều quan chức vi phạm mà không bị trừng phạt.
Nhà báo Lê Trọng Hùng, 44 tuổi, là thành viên của “Phong trào chấn hưng nước Việt” có mục tiêu sử dụng nền tảng mạng xã hội để khai dân trí bằng cách thẳng thừng phanh phui những sai phạm của tầng lớp lãnh đạo đất nước trên cơ sở pháp luật và giải ảo thần tượng lãnh tụ, cũng như phổ biến sách về Hiến pháp Việt Nam.
Ông bị bắt vào tháng ba năm 2021 sau khi nộp đơn tự ứng cử vào Quốc hội khoá 14 trong cuộc bầu cử vào tháng 5 năm đó. Sau đó, ông bị kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế.
Bà Đỗ Lê Na, vợ của ông, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về cuộc tuyệt thực của chồng mình trong ngày 07/9:
“Tính đến hiện tại chồng tôi đã tuyệt thực được năm ngày trong Trại giam số 6. Anh sẽ tiến hành một đợt tuyệt thực bắt đầu vào ngày 3/9 đến ngày 9/11- ngày pháp luật Việt Nam.”
Bà cho biết trong cuộc thăm gặp chồng định kỳ ở trại giam vào tháng trước, chồng bà đã thông báo kế hoạch tuyệt thực của ông. Sau khi trở về Hà Nội, bà đã gửi thư cho bà Lê Thị Nga– Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, ông Lưu Bình Nhưỡng– Phó ban Dân nguyện của Quốc hội cùng một số đại biểu quốc hội khác để trình bày nguyện vọng của chồng.
Nói về mục tiêu của cuộc tuyệt thực mà chồng mình đang tiến hành ở Trại giam số 6, một trong những cơ sở giam giữ hà khắc nhất của Bộ Công an, bà Na khẳng định:
“Thứ nhất chồng tôi mong muốn những người có thẩm quyền của Quốc hội Việt Nam cũng như là các đại biểu quốc hội có thể vào Trại 6 để tiếp xúc gặp gỡ và lắng nghe nguyện vọng của anh, nếu có cuộc gặp gỡ đó thì anh sẽ kiến nghị Quốc hội Việt Nam phải ngay lập tức thành lập tòa án hiến pháp thì đã có khá nhiều cá nhân, tổ chức và cơ quan ở Việt Nam vi phạm một cách nghiêm trọng Hiến pháp Việt Nam.
Mục đích thứ hai của đợt tuyệt thực này của chồng tôi yêu cầu đang trại giam phải tôn trọng quyền lợi cũng như là quyền làm người của các tù nhân nói chung cũng như là tù nhân lương tâm nói riêng chẳng hạn như là quyền được chăm sóc y tế được khám chữa bệnh, phải cho họ viết thư liên lạc với gia đình…”
Bà cho biết trong hơn nửa năm nay, bà và các con không hề nhận được thư của chồng mặc dù ông vẫn viết đều cho vợ con. Bên cạnh đó, ông Hùng có viết thư cho Chủ tịch nước cũng như nhiều đơn tố cáo về phiên toà phúc thẩm, tuy nhiên cán bộ quản giáo không gửi thư và đơn tố cáo của ông đi những nơi mà ông yêu cầu.
Bà Na, giáo viên khiếm thị của một trường dành cho trẻ em khuyết tật ở Hà Nội, cho biết gia đình rất lo lắng cho sức khoẻ của ông Hùng vì ông tuyên bố chỉ dừng tuyệt thực khi đại biểu quốc hội vào gặp ông trong trại giam.
Việc đại biểu quốc hội hầu hết là đảng viên cộng sản vào gặp người tù chính trị đang tuyệt thực là việc làm chưa từng có tiền lệ, cho nên bà Na vô cùng lo ngại cho sức khỏe của chồng mình.
Bà kêu gọi người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế chú ý đến vụ tuyệt thực của chồng mình và trợ giúp, gây áp lực cho đại biểu quốc hội để họ có hành động kịp thời nhằm cứu tính mạng của Lê Trọng Hùng.
Ông Hùng từng là giáo viên của Trường câm điếc Xã Đàn (Hà Nội). Năm 2015, ông nghỉ việc và tố cáo sai phạm của hiệu trưởng nhà trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp và học sinh khuyết tật nơi đây.
Ông tham gia vào lĩnh vực báo chí tự do nhằm thay đổi nhận thức của xã hội hướng tới một nền văn minh, dân chủ. Ông còn tham gia Phong trào Chấn hưng nước Việt của nhà hoat động Vũ Quang Thuận.
Sau khi ông Thuận bị bắt vào đầu năm 2017, ông Lê Trọng Hùng cùng với một số người bạn lập kênh truyền hình CHTV (Chấn hưng TV) để phổ biến kiến thức pháp luật và giúp dân oan tố cáo sai phạm trong việc giải tỏa, đền bù đất đai và giúp họ soạn thảo đơn thư gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ông cùng nhiều người trong nhóm mua bản in Hiến pháp Việt Nam để tặng cho người dân nhằm giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình.
Từ năm 2015 đến ngày bị bắt, ông Hùng còn tích cực tham gia hoạt động cùng nhóm Cựu giáo chức Chu Văn An do giáo sư Nguyễn Khắc Mai cùng một số trí thức yêu nước thành lập.
Trước và sau ông bị kết án, nhiều tổ chức quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Phóng viên Không Biên giới kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.
Trại giam số 6, toạ lạc ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, là một trong những nhà tù hà khắc nhất đối với tù nhân lương tâm, theo những tù nhân từng bị giam giữ ở đây và nhiều nơi khác.
Gần đây, hai nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức và Đặng Đình Bách tố cáo một nhóm mặc quần áo tù nhân đang đêm vào khu vực giam giữ tù chính trị và đe doạ họ. Sau khi thông tin cho gia đình việc này, luật sư Đặng Đình Bách đã bị quản giáo đánh đập gây nhiều thương tích ở gáy và một số nơi khác trên cơ thể.