G20 tại Ấn Độ : Bất đồng về Ukraina và ảnh hưởng ngày càng tăng của các nước « Nam bán cầu »

Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã kết nạp Liên Hiệp châu Phi (AU) làm thành viên của khối hôm 09/09/2023 và nước chủ nhà Ấn Độ đã thuyết phục được các quốc gia có những quan điểm khác nhau ký vào tuyên bố chung, nhưng chỉ sau khi các tranh cãi về cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraina có phần dịu xuống.

Đăng ngày: 12/09/2023

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Trung tâm Truyền thông Quốc tế lúc bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 10/09/2023.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Trung tâm Truyền thông Quốc tế lúc bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 10/09/2023. AP – Dar Yasin

Phan Minh

Trong nhiều tháng trước khi hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra ở New Delhi, Ấn Độ đã không tìm được sự đồng thuận về cách diễn đạt liên quan đến Ukraina, với việc Nga và Trung Quốc còn phản đối chính luận điệu mà họ đã tán thành vào năm ngoái tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia.

Tuyên bố chung được đưa ra một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh chính thức kết thúc, nhấn mạnh đến “sự đau khổ của nhân loại và việc gia tăng những tác động tiêu cực do cuộc chiến ở Ukraina gây ra”, nhưng không hề đề cập đến cuộc xâm lược của Nga.

Tuyên bố này trích dẫn Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, nói rằng “tất cả các quốc gia phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ, chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là điều không thể chấp nhận”.

Ngược lại, tuyên bố Bali (Indonesia 2022) đã trích dẫn một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án “Liên Bang Nga xâm lược Ukraina” và cho biết “hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraina”.

Nazia Hussain, nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết tuyên bố New Delhi 2023 cho thấy “luận điệu mềm mỏng hơn về cuộc chiến ở Ukraina”.

“Tuy nhiên, đối với New Delhi, việc đưa ra một tuyên bố chung có liên quan đến Ukraina, hoặc đơn thuần một tuyên bố chung, đặc biệt có sự tham gia của Mỹ cùng các đồng minh phương Tây, cũng như Trung Quốc và Nga, đang có lập trường cứng rắn về cuộc chiến, là một thành công.”

Nhiều người đã nghi ngờ rằng G20 New Delhi không có tuyên bố chung nào được đưa ra và trong trường hợp này, đây sẽ lần đầu tiên mà G20 không ra được thông cáo chung và là một đòn giáng mạnh vào uy tín của khối.

Các phái đoàn phương Tây đã hoan nghênh thỏa thuận này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz miêu tả đây là một “thành công của ngoại giao Ấn Độ”. Ông nói với các phóng viên rằng điều quan trọng là cuối cùng Nga đã “từ bỏ sự chống đối” và ký vào văn bản có đề cập đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Một quan chức cấp cao của Liên Hiệp châu Âu (EU) xin ẩn danh để có thể nói thẳng về các cuộc thảo luận, cho biết, Liên Âu không từ bỏ lập trường của mình và việc Nga ký vào tuyên bố chung là một điều rất quan trọng.

Quan chức này nói : “Hoặc là chúng tôi ra được tuyên bố chung, hoặc là không ra được, và tôi nghĩ rằng ra được tuyên bố chung là tốt nhất. Ít ra, nếu họ không tuân thủ các nội dung văn bản này, thì khi đó chúng tôi càng biết là không nên trông đợi vào những điều đó.”

Nhà đàm phán Nga Svetlana Lukash mô tả các cuộc thảo luận về những điểm liên quan đến Ukraina trong tuyên bố chung đã diễn ra một cách “rất khó khăn”, đồng thời cho biết thêm rằng thỏa thuận được thống nhất có “quan điểm cân bằng” về tình hình chung, theo truyền thông Nga.

Bà Lukash nói rằng Ukraina không phải là vấn đề gây tranh cãi duy nhất trong việc đạt được một tuyên bố chung và cáo buộc các cường quốc phương Tây đã tìm cách khắc sâu ý tưởng “cuộc xung đột ở Ukraina đã gây ra tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới hiện nay”.

Ngược lại, các nước đã ủng hộ rộng rãi việc kết nạp Liên Hiệp Châu Phi vào G20, làm cho Liên Phi trở thành khối các nước thứ hai là thành viên thường trực của G20 sau Liên Âu và tạo thêm động lực cho nỗ lực của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm mang lại tiếng nói lớn hơn cho những quốc gia “Nam bán cầu”.

Châu lục này cũng trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý do trận động đất ở Maroc, xảy ra trong khi hầu hết các phái đoàn tập trung ở New Delhi đang ngủ. Ông Modi gửi lời chia buồn và bày tỏ hỗ trợ Maroc trong bài phát biểu khai mạc.

Ông Modi nói : “Toàn bộ cộng đồng thế giới luôn sát cánh cùng Maroc trong thời điểm khó khăn này và chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho họ mọi sự hỗ trợ có thể.”

Ông nói với các nhà lãnh đạo rằng họ phải tìm ra “các giải pháp cụ thể” cho những thách thức lan rộng mà ông cho rằng bắt nguồn từ “sự thăng trầm của nền kinh tế toàn cầu, sự chia rẽ giữa các nước Bắc bán cầu và Nam bán cầu, khoảng cách giữa Đông và Tây” cùng với các vấn đề khác như khủng bố, an ninh mạng, y tế và an ninh nguồn nước.

Ông Modi phát biểu trước các phái đoàn, trên nền một tấm bảng ghi tên nước của ông là “Bharat” thay vì Ấn Độ, một cái tên tiếng Phạn cổ được những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu hưởng ứng.

Ấn Độ đã tập trung nhiều hơn đến việc giải quyết những nhu cầu của các nước đang phát triển và muốn vấn đề này trở thành trọng tâm của thượng đỉnh G20. Mặc dù nhiều vấn đề không được giải quyết triệt để tại thượng đỉnh, như an ninh lương thực và năng lượng, hay cuộc chiến ở Ukraina.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra chỉ ít ngày sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết thỏa thuận mang tính bước ngoặt do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép Ukraina xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn qua Biển Đen không được triển hạn cho đến khi các quốc gia phương Tây đáp ứng yêu cầu của chủ nhân điện Kremlin đối với việc xuất khẩu nông sản của Nga.

G20 kêu gọi nối lại các chuyến hàng vận chuyển ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Nga và Ukraina, đồng thời cho rằng cần phải cung cấp lương thực cho người dân ở châu Phi và các khu vực khác thuộc các nước đang phát triển.

Nga đã tấn công các cơ sở cảng biển của Ukraina, và G20 trong tuyên bố chung cũng kêu gọi Matxcơva chấm dứt các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc, đồng thời bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về ảnh hưởng của xung đột đối với dân thường.

G20 bao gồm Achentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ và Liên Hiệp châu Âu. Tây Ban Nha giữ ghế khách mời thường trực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định không đến dự thượng đỉnh vào năm nay để không phải đối mặt với những cuộc đối thoại trực tiếp gay gắt với những người đồng cấp Mỹ và châu Âu.

Hàng trăm người Tây Tạng sống lưu vong cũng đã tụ tập biểu tình cách xa địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh để lên án sự tham gia của Trung Quốc vào sự kiện này và kêu gọi các nhà lãnh đạo thảo luận về quan hệ Trung Quốc-Tây Tạng.

Chương trình nghị sự G20 nêu ra các vấn đề quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển, bao gồm nhiên liệu thay thế như khí hydro, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, hay an ninh lương thực và phát triển khuôn khổ chung cho cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 không để mất sự đoàn kết quốc tế do cuộc chiến Ukraina gây ra và làm họ sao nhãng những vấn đề khác tại hội nghị thượng đỉnh.

Ngoài ra, Meenakshi Ganguly, phó giám đốc bộ phận châu Á của HRW, cho biết các thành viên không nên “né tránh việc thảo luận một cách cởi mở về những thách thức như phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc và các rào cản cố hữu khác đối với sự bình đẳng, bao gồm cả với nước chủ nhà Ấn Độ, nơi các quyền dân sự và chính trị đã suy giảm nghiêm trọng dưới thời chính quyền Modi”.

Vào tối 08/09, trước khi cuộc họp chính thức diễn ra, ông Modi đã gặp tổng thống Mỹ Joe Biden. Trợ lý Nhà Trắng Kurt Campbell sau đó đã nói với các phóng viên rằng có “sự tin tưởng không thể phủ nhận giữa hai nhà lãnh đạo”

Khi đối thủ của Ấn Độ là Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đã tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ và các nước khác.

Mỹ, Ấn Độ, EU và các nước khác hôm 09/09 đã công bố các kế hoạch đầy tham vọng xây dựng hành lang đường sắt và vận tải nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu, nhằm tăng cường tăng trưởng kinh tế và hợp tác chính trị.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định rằng đó là một bước đột phá lớn.

Nguồn : AP

Bài Liên Quan

Leave a Comment