Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc « mất tích » : Tập Cận Bình nghi ngờ lòng trung thành của quân đội?

Báo chí Nhật và Ấn Độ từ hai ngày qua đặt nhiều nghi vấn về việc bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc không xuất hiện trước công chúng từ cuối tháng 8/2023. Sau ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang), rồi tư lệnh Lực Lượng Tên Lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) và cấp phó Lưu Quang Bân (Liu Guangbin), đến lượt viên tướng họ Lý bặt vô âm tín. Ông là một nhân vật hàng đầu trong guồng máy lãnh đạo tại Bắc Kinh và từng được cho là thân tín với ông Tập Cận Bình.

Đăng ngày: 14/09/2023

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Lý Thượng Phúc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh chụp ngày 12/03/2023.
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Lý Thượng Phúc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh chụp ngày 12/03/2023. AP – Andy Wong

Thanh Hà

Báo tài chính Nhật Nikkei Asia hôm 12/09/2023 trích lời cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản ví von những vụ mất tích trong hàng ngũ lãnh đạo ở Bắc Kinh tương tự như truyện trinh thám của nhà văn nữ người Anh Agatha Christie « And Then There Were None /Ten Little Nigger – Và Rồi Chẳng Còn Ai ». Từ tháng 3/2023, sau khi ông Tập Cận Bình chính thức bước vào một nhiệm kỳ thứ ba trong cương vị chủ tịch nước, chủ tịch Quân Ủy Trung Ương và tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ghế ngoại trưởng đang từ tay Tần Cương đã được trao lại cho cựu ngoại trưởng Vương Nghị. Lần chót ông Tần Cương xuất hiện là hôm 25/06/2023 sau khi tiếp các quan chức ngoại giao cao cấp của Nga, Việt Nam và Sri Lanka. Giờ đây đến lượt thượng tướng Lý Thượng Phúc, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, « vắng mặt » không một lời giải thích.

Bắc Kinh chưa chính thức lên tiếng về thông tin mà báo Nhật và Ấn Độ loan tải. Lần cuối cùng ông Lý Thượng Phúc xuất hiện trước công chúng là hôm 29/08/2023 nhân diễn đàn Trung Quốc-Châu Phi lần thứ ba tại Bắc Kinh. Ngày 31/07/2023 chủ tịch Tập Cận Bình bổ nhiệm tướng Vương Hậu Bân (Wang Houbin) nguyên phó tư lệnh Hải Quân đứng đầu Lực Lượng Tên Lửa, thay thế ông Lý Ngọc Siêu. Tân Hoa Xã khi đó đã không giải thích hay bình luận việc thay đổi nhân sự trong Lực Lượng Tên Lửa trực thuộc Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tiết lộ hai quan chức này bị điều tra vì tham nhũng. Còn hãng tin Mỹ Bloomberg hồi tháng 7/2023 gắn liền việc thay đổi nhân sự trong hàng ngũ quân đội Trung Quốc với một vụ « điều tra tham nhũng liên quan đến việc mua trang thiết bị điện tử ». Theo một số nhà quan sát, việc ông Tập Cận Bình can thiệp vào vấn đề nhân sự kiểu này là điều « bất thường ». Do vậy đặt ra câu hỏi : Phải chăng ông Tập Cận Bình bắt đầu hoài nghi về sự trung thành của quân đội ? Ông nghi ngờ luôn cả những nhân vật mà chính ông đã cất nhắc sau Đại Hội Đảng hồi tháng 10/2022 ?

Trong thông cáo hôm 09/09/2023, ông Tập Cận Bình đã khẳng định mục tiêu « duy trì ở mức độ cao tính trong sạch và sự đoàn kết trong hàng ngũ quân đội để bảo đảm ổn định và an ninh » cho lực lượng này.

Báo Ấn Độ India Express nhắc lại, ngay từ khi chính thức ngồi vào ghế lãnh đạo năm 2013, ông Tập Cận Bình đã viện cớ bài trừ tham nhũng để triệt hạ các đối thủ chính trị và liên tục củng cố quyền lực « nhưng đó là một tiến trình dài hơi ». Từ sau Mao Trạch Đông đến nay, kể cả dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, cũng chưa bao giờ nhân vật số một tại Bắc Kinh lại nắm trong tay nhiều quyền lực như ông Tập Cận Bình, nhưng đương kim lãnh đạo Trung Quốc cũng gây nhiều thù oán.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã bước vào nhiệm kỳ ba vào lúc nhiều thách thức đang đặt ra cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc : Về đối nội thì phép lạ kinh tế đã « hết thiêng », sự phục hồi sau giai đoạn đóng cửa kinh tế để chống dịch Covid mang lại nhiều thất vọng, đến nỗi mà từ tháng trước Bắc Kinh chính thức ngừng công bố chỉ số thất nghiệp và đề xuất những công cụ mới để thâu thập thông tin về tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Về đối ngoại, chưa bao giờ Trung Quốc lại chịu nhiều áp lực của phương Tây như hiện nay. Mỹ và châu Âu đã xem cường quốc châu Á này là một mối « đe dọa có hệ thống ». Quan hệ giữa Trung Quốc với hai nước Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản bị đặt trước nhiều thử thách cả về chiến lược lẫn kinh tế. Riêng với nước láng giềng phương nam là Ấn Độ, bang giao với New Delhi « đã xấu đi trong những năm gần đây ». Chủ trương quá hung hăng của Bắc Kinh về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải gây hoang mang trong khu vực. 

Vậy câu hỏi còn lại trong lúc khó khăn này, ai là những người thực sự trung thành với ông Tập ? Hay là như cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Rahm Emanuel đã mượn tựa đề cuốn sách « Và Rồi Chẳng Còn Ai » (And Then There Were None) chung quanh chủ tịch Trung Quốc ?

Song có một chi tiết quan trọng khác không thể bỏ qua : Đương kim bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc có tên trong danh sách những cá nhân bị Hoa Kỳ trừng phạt do liên quan đến những vụ mua bán vũ khí tăng cường khả năng quốc phòng cho Bắc Kinh. Nửa năm từ khi tướng Lý Thượng Phúc được bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng Quốc Phòng, đối thoại quân sự Mỹ-Trung vẫn tê liệt, ông và tướng Lloyd Austin chưa từng trực tiếp đối thoại, dù là qua video hay qua điện đàm. Vậy phải chăng đây là một tín hiệu mới Bắc Kinh muốn gửi tới Lầu Năm Góc?

Bài Liên Quan

Leave a Comment