Trong một động thái bất thường, Trung Quốc đã cho nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông trở lại Biển Đông từ ngày hôm qua, 15/09/2023. Theo thông cáo của Bộ Quốc Phòng Nhật Bản, Bắc Kinh đồng thời điều năm trong số tám chiến hạm đã tiến vào Biển Philippines hôm thứ Hai (11/09) trở lại Biển Hoa Đông.
Đăng ngày: 16/09/2023
Trong bản thông cáo công bố hôm qua, Văn Phòng Ban Tham Mưu Liên Quân thuộc Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc, mang theo 40 chiến đấu cơ J-15 và 20 trực thăng Z-18 đã từ vùng Biển Philippines bắt đầu di chuyển về phía Biển Đông ngay từ Thứ Năm (14/09).
Nguồn tin trên không nêu chi tiết chiến hạm nào tháp tùng theo chiếc Sơn Đông vào Biển Đông, nhưng trong một thông cáo trước đó, bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết là tàu sân bay Trung Quốc đi cùng với hai khu trục hạm Quế Lâm (Guilin) – 164 và Trường Sa (Changsha) – 173, hai hộ tống hạm Hàm Ninh (Xianning) – 500 và Hứa Xương (Xuchang) – 536, cùng với tàu tiếp liệu Tra Can Hồ (Chaganhu) – 905.
Theo trang mạng Mỹ USNI, sự kiện nhóm tàu sân bay Trung Quốc sớm rời khu vực Biển Philippines gần đảo Guam và Nhật Bản để trở lại Biển Đông khá bất thường. Vào tháng 4 vừa qua, tàu sân bay này cũng đến vùng Biển Philippines, nhưng hoạt động ở đó tổng cộng 19 ngày. Lần này, chiếc Sơn Đông tiến vào Biển Philippines hôm thứ Hai (11/09) và đã rời đi hôm thứ Sáu (15/09) để vào Biển Đông.
Theo USNI, một trong những lý do khiến cuộc tập huấn của Hải Quân Trung Quốc tại vùng Biển Philippines bị rút ngắn hay hủy bỏ là tình hình liên quan đến bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, đã không xuất hiện công khai từ hai tuần lễ nay.
Trong những ngày qua, truyền thông Anh-Mỹ như báo The Wall Street Journal và Financial Times hay hãng tin Anh Reuters, đều nhắc đến khả năng ông Lý Thượng Phúc bị điều tra về tội tham nhũng.
Sự kiện tàu sân bay Trung Quốc sớm trở lại Biển Đông cũng diễn ra hai ngày trước một cuộc tập trận hỗn hợp hải-lục-không quân của khối ASEAN, được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 09 ở khu vực đảo Batam (Indonesia) ở phía đông eo biển Malacca.
Với tư cách là một khối, ASEAN trước đây đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các nước khác, trong đó có cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên mở ra một cuộc tập trận chỉ bao gồm các thành viên của Hiệp Hội Đông Nam Á.