Lần đầu tiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức diễn tập quân sự. Cuộc tập trận ASEAN Solidarity Exercices-1 (gọi tắt là ASEX 01-Natuna) 5 ngày, khai mạc hôm nay, 19/09/2023, diễn ra tại khu vực ngoài khơi phía nam quần đảo Natuna của Indonesia, sát với khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Theo nhiều nhà quan sát, cuộc diễn tập quân sự đầu tiên này là một tín hiệu ‘‘đoàn kết’’ của ASEAN gửi đến Bắc Kinh.
Đăng ngày: 19/09/2023
Theo Reuters, quân đội Indonesia thông báo đây là một đợt diễn tập ‘‘không bao gồm các bài tập chiến đấu, nhằm mục đích phát triển các kỹ năng quân sự phối hợp, bao gồm an ninh hàng hải và tuần tra cũng như phân phối hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai’’. Các thành viên ASEAN đều cử lực lượng quân đội tham gia. Riêng Miến Điện chỉ cử tùy viên quân sự. Cuộc tập trận ASEX 01-Natuna lần này có sự hiện diện của năm tàu chiến từ Indonesia, Brunei, Malaysia và Singapore. Không quân Indonesia cử trực thăng tham gia.
Trả lời báo giới tại lễ khai mạc cuộc diễn tập ở đảo Batam (Indonesia), giáp với Singapore, tư lệnh quân đội Indonesia Margono Yudo nhấn mạnh : ‘‘Bằng cách đoàn kết, chúng ta có thể duy trì sự ổn định trong khu vực vì lợi ích của người dân”. Theo AP, khi được hỏi liệu ASEAN có gửi đi một thông điệp mạnh mẽ hơn chống lại các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông hay không, tư lệnh Margono trả lời: ‘‘Chúng tôi có lập trường vững chắc về vấn đề này’’, đồng thời cho biết thêm là khối ASEAN đã đồng ý tổ chức các cuộc diễn tập quân sự hàng năm. Trong tương lai, diễn tập sẽ được mở rộng hơn với các cuộc tập trận toàn diện với sự tham gia của lục quân, hải quân và không quân.
Về địa điểm của ASEAN Solidarity Exercices-1, sau cuộc hội đàm giữa các lãnh đạo quân sự ASEAN vào tháng 6/2023, khối dự định tổ chức ở vùng biển bắc Natuna, nơi Trung Quốc thỉnh thoảng đưa tàu tuần tra tới để khẳng định yêu sách ‘‘chủ quyền lịch sử’’ đối với khu vực này. Tuy nhiên, Indonesia – quốc gia chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay – đã quyết định chuyển địa điểm tập trận tới vùng biển Nam Natuna.
Trả lời báo Nhật Nikkei Asia hôm qua, nhà nghiên cứu Muhammad Waffaa Kharisma, làm việc tại cơ sở ở Jakarta của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), khẳng định cuộc diễn tập quân sự này mang lại ‘‘một luồng sinh khí mới’’ cho ASEAN trong bối cảnh khối này đang lâm vào tình trạng ‘‘trì trệ và bế tắc’’ trong nhiều hồ sơ, như đàm phán kéo dài giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, và cuộc khủng hoảng Miến Điện sau cuộc đảo chính quân sự đầu 2021. Nhà nghiên cứu CSIS khẳng định : ‘‘Cuộc tập trận báo hiệu với các nước ngoài ASEAN là khối các nước Đông Nam Á có thể đoàn kết và có khả năng tiến hành các hoạt động mang tính chiến lược”.