- Tác giả,Phạm Cao Phong
- Vai trò,Gửi tới BBC từ Paris, Pháp
Cụm từ “gõ búa”, thường được dùng đến mòn nhẵn để nói về hoạt động đấu giá trên thị trường, đã được nhà bán đấu giá Maison de ventes aux enchères Lynda Trouvé thay bằng từ “ngọn lửa” khi nói đến 19 bức tranh của vua Hàm Nghi, mà hãng sẽ mang lên sàn vào ngày 22/9 tại Hôtel Drouot Paris.
Với cụm từ chỉ sức nóng này, nhà Lynda Trouvé nhắc tới cơn sốt mua bán các tranh của các họa sĩ Đông Dương, cũng như các sản phẩm liên quan đến Hoàng gia Nguyễn.
Riêng về tranh của vua Hàm Nghi, ngay lần ra mắt đầu tiên bức “Chiều tà” năm 2010 đã gây cơn sốt săn lùng và tìm hiểu về bước đường nghệ thuật của người được cho là họa sĩ Việt đi tiên phong trên con đường sáng tác theo phong cách châu Âu.
Bà Lynda Trouvé cho tôi biết, lần đấu giá gần đây, hãng của bà cũng đã bán được một bức của vua Hàm Nghi với giá 60.000 euro.
Tuy nhiên từ “ngọn lửa” còn ẩn dụ một câu chuyện khác tôi sẽ nói phía dưới.
Đây là lần “đấu giá với chủ đề nghệ thuật Đông Dương giai đoạn 1800-1960”. Dòng chữ này cũng được ghi bằng hai thứ tiếng Việt-Pháp trên ấn phẩm trình bày mỹ thuật trang trọng của nhà Lynda Trouvé.
Sử dụng tiếng Việt trong sách hẳn là thịnh tình nồng ấm được Lynda Trouvé dành cho các nhà sưu tầm cũng như cơ sở văn hóa hoặc bảo tàng tư nhân Việt Nam xuất hiện ngày càng chững chạc trong các loại hình mua bán liên quan đến cổ vật và nghệ thuật có giá trị cao.
Nói chuyện với tôi về lai lịch các bức tranh, bà giám đốc Lynda Trouvé cho biết số tranh kể trên đã được cứu thoát một cách kỳ diệu.
Chiếc cặp chứa những bức tranh phủ lớp thời gian dầy cả thế kỷ lẽ ra đã có số phận đi vào thùng rác. Các chữ ký trên tranh bằng son đỏ bằng chữ hán “Tử Xuân” (tên húy của vua Hàm Nghi) không cung cấp nhiều thông tin về tác giả. Song, một chiếc carte đi kèm với bức tranh đề tặng Trung tá bộ binh thuộc địa Henri Aubé, cục trưởng Cục Địa lý Đông Dương ở Hà Nội đã gợi sự tò mò thú vị cho người tìm thấy chiếc cặp.
Tên Henri Aubé đã được giành cho cho con phố trong quận 16 ở Paris. Trên tường ngôi nhà số 7 bis, rue des Bauches còn một tấm biển bằng đá trắng ghi tên
ông, người có tiểu sử từng có mặt tại Tonkin (Bắc Kỳ), Bờ biển Ngà, Trung quốc, Madagascar, Syria, Đại chiến thế giới thứ nhất.
Theo Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ năm đời của Vua Hàm Nghi, có thể viên sĩ quan Henri Aubé trong những đợt đến khám và nghỉ ở Viện quân sự điều trị bệnh nhiệt đới Vichy đã gặp vua Hàm Nghi theo lời giới thiệu của một bạn đồng học trường sĩ quan Saint Cyr là Henri de Gondrecourt. Chị cũng cho biết là vua Hàm Nghi chỉ không có mặt tại Vichy vào năm 1910. Điều này được xác nhận là không có một bức tranh nào của ông vẽ về Vichy ghi nhận vào thời điểm đó.
Henri de Gondrecourt là bạn của vua Hàm Nghi thời gian ông bị lưu đầy ở Algeria. Hai người thường trao đổi thư từ với nhau. Algeria lúc đó được coi là một tỉnh thuộc địa hải ngoại lớn của Pháp.
Theo tìm hiểu của tôi thì, hai người đều tốt nghiệp niên khóa có một tên đặc biệt gọi là “Promotion de l’Annam (1885-1887).” Tên gọi này nhắc tới chiến thắng của Pháp tại Lạng Sơn, bắt triều đình nhà Thanh phải ký Hòa ước Thiên Tân (Traité de Tianjin 1885), chấm dứt chiến tranh Pháp-Thanh, buộc quân Thanh phải rút khỏi Bắc Kỳ, và công nhận nền bảo hộ của Pháp với Việt Nam. Hòa ước này cũng chấm dứt lệ triều cống của triều đình Huế ở địa vị phiên quốc đối với nhà Thanh.
Henri Aubé có chức vị cao hơn là chỉ huy sư đoàn lính thủy đánh bộ, còn Henri de Gondrecourt chỉ huy lữ đoàn bộ binh. Thời gian de Gondrecourt phục vụ tại Algeria 1893-1895 trùng với giai đoạn vua Hàm Nghi bị lưu đầy ở đây, nên dẫn đến việc ba người quen biết và hình thành một mối liên hệ bằng hữu.
Trong những bức tranh được nhà Lynda Trouvé kiểm định và hỏi ý kiến, tất cả từ lô số 91 đến số 106, trừ bức tranh đánh số 92 đều là những bức tranh vua Hàm Nghi vẽ về phong cảnh Vichy.
Bức tranh đánh số 93 mang tên “Mặt trời lặn xuống đồng quê ” miêu tả cảnh hoàng hôn dần đến với những con bò đang gặm cỏ yên bình. Chủ đề này ít thấy trong tranh của ông. Đa số các bức tranh có gam mầu trong sáng và dịu dàng, ít những gam mầu trầm và hiệu ứng cô đơn buồn bã.
Có thể lý giải phần nào từ trạng thái tâm lý của vua Hàm Nghi đang trong giai đoạn hạnh phúc gia đình cao trào với sự ra đời của hai công chúa Như Mây (1905 -1999), Như Lý (1908- 2005) và Hoàng tử Minh Đức (1910-1990).
Vào thế kỷ 19, Vichy là một khu nghỉ dưỡng thời thượng, được những người nổi tiếng thời đó thường xuyên lui tới, được biết đến với các suối nước khoáng, có tác dụng chữa bệnh ngay từ thời cổ đại.
Thành phố này đã trở thành một trong những khu nghỉ mát nổi tiếng nhất đối với người nước ngoài, và đặc biệt hơn là từ Algeria. Du khách đến đây theo các khuyến nghị y tế được cho là nước khoáng Vichy có tác dụng điều trị và chữa nhiều căn bệnh. Thành phố cùng với 10 spa nước nóng thiên nhiên khác ở Châu Âu (Great Spa Towns of Europe), đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới kể từ ngày 24 tháng 7 năm 2021.
Hàm Nghi thường đến nghỉ tại Vichy ngay từ năm 1893 đến những năm 30 của thế kỷ trước tại Vichy. Ở thành phố hiện còn một căn nhà thiết kế theo phong cách Art Nouveau mang tên ” Villa Prince d’Annam ” tại số 14 rue des Sources.
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1904 theo thiết kế của kiến trúc sư Adrien Dacq nằm trên một dẫy phố nhỏ, duyên dáng dẫn thẳng ra bờ sông Allier, một con sông hiền hòa tô điểm cho thành phố miền trung nước Pháp.
Ngôi nhà dành cho vua Hàm Nghi sử dụng trong thời gian đến Vichy khoảng những năm 1903-1911. Sẽ không ngạc nhiên nếu những bức tranh sáng tác vào gian đoạn này của vua Hàm Nghi hiện là một phần trong bộ sưu tập Đông Dương của nhà Lynda Trouvé.
Câu chuyện về ngôi nhà một thời mang hơi ấm của vua Hàm Nghi ở Vichy đã được Đài truyền hình Pháp France quay tại đây vào ngày 28 và 29/10/2019.
“Villa Prince d’Annam” hay còn gọi “Biệt thự Hoàng tử Annam” bị bỏ hoang một thời gian khá dài, sau được một cặp vợ chồng nghệ sĩ Pháp mua lại, sửa sang thành một khách sạn nhỏ. Theo người chủ hiện tại, khi ông mua lại căn nhà, trên những bức tường vẫn còn những bức tranh không biết do ai vẽ. Họ đã sửa lại toàn bộ trong 18 tháng và quét sơn đè chồng lên trên.
Ngoài những bức tranh của vua Hàm Nghi, cuộc bán đấu giá còn mang đến những tác phẩm được thẩm định với giá cao của các họa sĩ Việt và Pháp về Đông Dương.
Hẳn là, những bức tranh vừa thoát cung oan nghiệp của vua Hàm Nghi ra mắt sắp tới sẽ còn khơi gợi những khát khao tìm hiểu thêm về cuộc đời có số phận kỳ lạ của nhà vua.
* Bài thể hiện văn phong và quan điểm của ông Phạm Cao Phong, nhà báo tự do ở Paris, Pháp.