RFA
2023.09.27
Nạn nhân Bùi Văn Hải và giấy xác nhận của Bệnh viện Đa khoa Khu vực phía Nam, thuộc Sở Y Tế Tỉnh Bình Thuận cấp theo yêu cầu của gia đình
Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân (CAND) đối với Thượng úy cảnh sát hình sự Lê Hữu Tùng thuộc Công an huyện Đức Linh vì bị cho là có liên quan đến cái chết của một nghi phạm trong đồn công an.
Trang tin điện tử báo Nhân Dân và nhiều báo khác ngày 26/9 cho hay, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận Trần Văn Mười đã ký quyết định này và nó có hiệu lực ngay lập tức.
Theo đó, ông Tùng (sinh năm 1992) đã có hành vi vi phạm kỷ luật được quy định trong Thông tư số 38/2022/TT-BCA do Bộ Công an ban hành ngày 14/10/2022 quy định việc xử lý kỷ luật trong Công an nhân dân.
Ông Tùng bị cho là có liên quan đến cái chết của công dân Bùi Văn Hải, trú ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh vào tối 3/9, tuy nhiên báo chí nhà nước không cho biết ông này liên quan như thế nào và vi phạm điều gì đến mức bị sa thải khỏi ngành công an.
Ông Bùi Mạnh Hùng, anh ruột của nạn nhân nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/9 về thông tin này:
“Tôi cho rằng anh Tùng đó điều tra em tôi vào đánh đập em tôi nên mới xảy ra hậu quả như vậy. Nhưng tôi đoán rằng không chỉ mỗi mình anh Tùng mà còn có nhiều người khác nữa.”
Cũng theo ông Hùng, gia đình chỉ biết được thông tin nêu trên qua báo chí và Công an Bình Thuận đến nay chưa thông báo kết luận giám định tử thi và nguyên nhân cái chết của Bùi Văn Hải.
Theo báo chí nhà nước, vào rạng sáng 2/9, ông Hải bị triệu tập đến trụ sở Công an xã Vũ Hòa làm việc vì bị cho là có liên quan đến một vụ phạm pháp tại địa phương.
Ngày hôm sau, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đức Linh (trong đó có Thượng úy Lê Hữu Tùng) tiếp tục làm việc với ông Hải tại trụ sở Công an huyện.
Tại đây, ông Hải bị cho là có biểu hiện mệt, khó thở nên được đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận nhưng đã tử vong.
Tuy nhiên, gia đình ông Hải nghi cái chết của ông là do bị tra tấn và ép cung, yêu cầu Bộ trưởng công an Tô Lâm có trách nhiệm giải trình vụ việc.
Theo lời kể của ông Bùi Mạnh Hùng với RFA hai ngày sau khi xảy ra sự việc, vào khoảng 18 giờ ngày 03/9, Trưởng Công an xã Vũ Hòa xuống mời ông Hải lên trụ sở Công an xã để làm việc.
Ông Hùng chở em trai lên xã, giao cho công an xã Vũ Hòa, sau đó Trưởng Công an xã giao lại cho hai sỹ quan công an huyện là Bùi Sỹ Ngân và Lê Hữu Tùng. Trong chiều tối hôm đó, hai công an đưa ông Hải lên trụ sở của Công an huyện Đức Linh làm việc.
Nửa đêm, ông Hùng nhận được một thông tin là có người chết, mang lên Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam. Ông Hùng lên đó và thấy em trai đã tử vong.
Phía bệnh viện cho ông Hùng biết vào lúc 21 giờ có hai người đeo khẩu trang đưa ông Hải đến. Theo xác nhận của bệnh viện, ông Hải tử vong trước khi được đưa tới bệnh viện.
Ông Hùng là người đầu tiên của gia đình thấy xác em trai mình ở bệnh viện, mắt trợn lên, mồm há ra, hai tay bị vết còng treo lên trầy xước và có mấy vết “cắn” ở bắp tay và hai đùi, mông, và lưng.
Ông Hùng nhận xét, trên thi thể của em trai mình có nhiều vết bầm tím, vết đánh là nội thương, chứ không phải là vết đánh ngoại thương, và khẳng định rằng cơ quan điều tra của Công an huyện Đức Linh đã gây ra cái chết của em trai ông.
Báo Công an Nhân dân và nhiều báo khác ngày 04/9 có tường trình về sự việc trong đó nói rằng ông Hải là nghi can trong một vụ trộm chó vào rạng sáng ngày 02/9.
Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định em trai của ông có vợ con, làm nghề tự do và trong thời điểm xảy ra vụ việc đang ngủ ở nhà, không giống như các báo đưa tin.
Sau phản ứng của gia đình, báo Bình Thuận, một tờ báo ở địa phương, đã phải gỡ bài viết có nội dung như trên.
Ông Hải là một trong nhiều nạn nhân bị chết một cách bất minh trong đồn công an trong thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê mà RFA tổng hợp được dựa trên thông tin được công bố trên các báo nhà nước, riêng trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2021, có ít nhất 16 trường hợp người chết trong đồn công an hoặc trại giam, trong khi Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống Tra tấn năm 2015.