Làm thế nào để đòi Israel đồng ý « thành lập một Nhà nước Palestine » sau cuộc tấn công đẫm máu hôm 07/10/2023 ? Những nỗ lực ngoại giao Ả Rập Xê Út để bình thường hóa quan hệ với Israel liệu có bị lực lượng Hồi Giáo Palestine Hamas phá hỏng hay không ?
Đăng ngày: 12/10/2023
Là một đồng minh truyền thống của Palestine cả về chính trị lẫn tôn giáo,Ả Rập Xê Út chưa bao giờ công nhận Nhà nước Israel, động lực nào đã thúc đẩy hoàng thái tử Mohammed Ben Salmane người đang thực sự nắm giữ quyền lực mở kênh đối thoại với Tel Aviv, cho dù là chính quyền của thủ tướng Benjamin Netanyahu liên tục siết chặt gọng kềm và khuyến khích người Israel giành sân lấn đất của dân Palestine ?
Ngày 20/09/2023 hoàng thái tử Mohammed Ben Salmane xác nhận trên đài truyền hình Mỹ Fox News « mỗi ngày trôi qua Riyad và Tel Aviv càng tiến đến gần nhau hơn » mặc dù Riyad vẫn đặt điều kiện phải « thành lập một Nhà nước Palestine ». Chưa đầy ba tuần sau, tuyên bố này bị cho là « không còn tính thời sự », khi mà máu của ít nhất 1200 người Do Thái đã đổ và Hamas còn đang bắt giữ nhiều con tin Israel. Giới quan sát về tình hình Cận Đông đồng loạt cho rằng « tiến trình bình thường hóa quan hệ » giữa Ả Rập Xê Út và Israel đã chết yểu vì nhiều lý do.
Thứ nhất, cho tới nay, đối với công luận trong nước, lãnh đạo tương lai Ả Rập Xê Út đã « lội ngược dòng ». Chiến dịch « mưa bom Al Aqsa » Hamas tiến hành cuối tuần qua bắt buộc phía Israel phải phản công với mức độ khốc liệt « gấp bội » mà những nạn nhân là người Palestine. Công luận Ả Rập Xê Út đến nay luôn đứng về phía Palestine. Hoàng thái tử Mohammed Ben Salmane lại càng khó thuyết phục thần dân vương quốc dầu hỏa này về tính chính đáng trong việc công nhận Nhà nước Israel.
Thất bại thứ nhì là Hamas đã phá vỡ những nỗ lực ngoại giao của Riyad đối với ba đối tác liên quan gồm Mỹ, Israel và cả với tổ chức chính trị của Palestine Fatah. Trong cương vị lãnh đạo thế giới Hồi Giáo, Riyad tuy « gắn kết chặt chẽ » với Palestine nhưng đã bắt đầu mệt mỏi với chính sách thụ động của tổ chức chính trị Fatah, mà đương kim lãnh đạo là ông Mahmmoud Abbas, 87 tuổi. Cả Fatah lẫn ông Abbas đã bị phong trào Hamas vũ trang đẩy vào thế « việt vị » từ 2007 khi họ giành được chính quyền, chiếm đa số ở Nghị Viện.
Ả Rập Xê Út theo hệ phái Sunni mặt khác cần đối thoại với Israel, kẻ thù không đội trời chung của nước Iran, quốc gia Hồi Giáo theo hệ phái Shia. Iran có ảnh hưởng lớn đối với tổ chức Hezbollah đặt cơ sở ở Liban, sát biên giới phía bắc với Israel. Liên hệ giữa Hezbollah và lực lượng Hồi Giáo Palestine cực đoan Hamas càng lúc càng « chặt chẽ trong thời gian gần đây » như ghi nhận của giới phân tích trên tờ báo rất có uy tín của Liban là tờ L’Orient du Jour (ấn bản ngày 10/10/2023). Nói cách khác, nỗ lực của Ả Rập Xê Út bình thường hóa quan hệ với Israel nhằm đề phòng « trục Iran –Hezbollah với Hamas ». Cũng chính vì muốn giảm thiểu « nguy cơ Iran », mà ngày 10/03/2023 tại Bắc Kinh đại diện Riyad và Teheran đã bắt tay nhau nối lại bang giao sau « 10 năm cắt đứt quan hệ ».
Thêm một yếu tố nữa để Ả Rập Xê Út công nhận Nhà nước Do Thái : đó là vấn đề kinh tế. Hoàng thái tử Mohammed Ben Salmane từ 2018 khởi động kế hoạch Tầm Nhìn 2030 để giảm bớt lệ thuộc vào dầu hỏa nên đã ráo riết tìm kiếm những đối tác mới. Ả Rập Xê Út cần công nghệ của các tập đoàn Israel.
Riêng với Hoa Kỳ thì chính quyền Riyad muốn dùng lá bài « Israel đổi lấy an ninh » trước mối đe dọa Iran. Ả Rập Xê Út thừa biết từ thập niên 1960 các đời tổng thống Mỹ liên tiếp luôn đều muốn đi vào lịch sử như người mang lại hòa bình cho Cận Đông. Năm 2020 ông Donald Trump đã rất tự hào về thỏa thuận Abraham cho phép Israel bắt tay hai nước Hồi Giáo là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Bahrein. Tiếp theo đó là một số quốc gia « thù nghịch » khác với Tel Aviv, như Soudan hay Maroc cũng đã tham gia. Trước viễn cảnh lại đương đầu với Donald Trump trong một hiệp mới, chuẩn bị tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ông Joe Biden cũng muốn để lại dấu ấn ở Cận Đông.
Vì thế, theo một số nguồn thạo tin tại Washington, dường như Riyad đã được chính quyền Biden hứa « cung cấp một số những bảo đảm về mặt an ninh đồng thời giúp Ả Rập Xê Út phát triển các chương trình hạt nhân dân sự ». Đó sẽ là hai lá bùa hộ mạng cho vương quốc dầu hỏa này trước hiểm họa Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.
Ngần ấy yếu tố cho phép kết luận, cùng với hàng ngàn người dân Palestine ở Gaza và các công dân Israel, nền ngoại giao của Ả Rập Xê Út cũng là « nạn nhân » chiến dịch tấn công đẫm máu « Mưa bom Al Aqsa » hôm 07/10/2023 gây nên.