Xung đột Cận Đông : Ai cung cấp vũ khí cho Hamas ?

Cách nay hai năm, một nghiên cứu của trung tâm JCPA chuyên về quân sự và ngoại giao, trụ sở tại Jerusalem đã báo động « Hamas giờ đây tự sản xuất phần lớn vũ khí, drone, drone biển, hiện diện trong lĩnh vực chiến tranh mạng và đang tiến gần tới việc sử dụng tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao ». Đây là kết quả của nhiều năm dưới sự dẫn dắt của Iran.

Đăng ngày: 23/10/2023

Hình tư liệu minh họa: Đội quân al-Qassam của Hamas phô trương lực lượng tại dải Gaza, ngày 21/08/2016.
Hình tư liệu minh họa: Đội quân al-Qassam của Hamas phô trương lực lượng tại dải Gaza, ngày 21/08/2016. AP – Adel Hana

Thanh Hà

Nhật báo Le Monde hôm 10/10/2023 trích dẫn nhiều chuyên gia thuộc các trung tâm nghiên cứu quốc tế đưa kết luận như trên. Ian Williams, phó giám đốc chương trình chống tên lửa thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS của Mỹ ghi nhận : Hamas đã phóng một số lượng rocket rất lớn vào lãnh thổ Israel, với cường độ rất cao và với sự phối hợp chặt chẽ chưa từng thấy.

Còn theo Fabian Hinz thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS trụ sở tại Luân Đôn thì Iran chủ trương giúp các đồng minh « tự chế tạo một số vũ khí như tên lửa tầm ngắn và một số tổ hợp sản xuất tại chỗ ». Bên cạnh đó cho đến năm 2020 Iran còn cung cấp luôn cả những mẫu để chế tạo tên lửa Fajr-5 có tầm bắn 75 km. 

Ngoài việc được Iran trực tiếp cung cấp đạn dược, Hamas cũng có những « đầu mối khác » qua các ngả đường biển và đường bộ.

Ai Cập, Libya hay Sudan

Cách nay 3 năm kênh truyền hình Qatar Al Jazira trong một phóng sự đã cho thấy một số rocket dài 6,5 mét được « lắp ráp » ngay tại Gaza. Iran cung cấp luôn cả tên lửa chống tăng gần giống như tên lửa Kornet của Nga. Cũng trong bài phóng sự trên Al Jazira, chỉ huy đơn vị sản xuất vũ khí của Hamas thậm chí còn giải thích, vũ khí được đưa vào dải Gaza « qua các ngả đường bộ và đường biển ». « Hàng nhận của Iran khá đa dạng » và « ngoài Iran thì Syria và Sudan cũng đóng một vai trò trong việc trang bị vũ khí » cho Hamas.

Le Monde giải thích : để vũ khí của Iran đến được Sudan bằng đường bộ thì các xe tải phải đi qua lãnh thổ Ai Cập. Ai Cập là nơi mà « có tiền mua tiên cũng được », chỉ cần chi ra từ 25 đến 35 ngàn đô la cho các tay môi giới trung gian thì một số vũ khí của Iran dừng lại ở Ai Cập và rồi từ Ai Cập vào Gaza.

Thế còn bằng đường biển ? Theo báo Le Monde tàu chở vũ khí thả hàng ở ngoài khơi dải Gaza hay neo đậu hẳn trong vùng biển của Ai Cập, rồi đưa hàng đến thẳng tay các chiến binh Hamas. Ahmed Fouad Alkhatib cộng tác viên của viện nghiên cứu Washington Institute, chuyên nghiên cứu về phong trào Hồi Giáo Palestine khẳng định Hamas « được Iran và phong trào hồi giáo Liban Hezbollah yểm trợ và họ rất thạo khi cần mua chuộc giới chức trong quân đội Ai Cập để các chuyến xe tải đi từ Lybia hay ngang qua lãnh thổ Sudan » dừng lại trên lãnh thổ của các vị Pharaon, rồi hàng cấm từ đó sẽ được đưa vào Gaza qua ngả các hệ thống địa đạo tinh vi giữa Gaza với Ai Cập.

Vũ khí của Hamas do Israel cung cấp

Ngạc nhiên hơn cả, là chính quân đội Israel cũng là một nguồn cung cấp vũ khí quý giá cho Hamas. Le Monde giải thích : sau mỗi đợt tấn công quân đội Israel Tsahal tiến hành, chiến binh Hamas cẩn thận nhặt nhạnh từng viên đạn, pháo, mìn và kể cả những quả bom còn chưa phát nổ. Thủ lĩnh Hamas đặc trách về kho đạn dược của tổ chức này cho biết, nội trong chiến dịch Israel oanh kích Gaza hồi 2014 Hamas đã « nhặt lại được hàng chục quả bom MK84 do Hoa Kỳ sản xuất » và « trong mỗi quả bom này có 470 ký thuốc nổ ». Phong trào Hồi Giáo Palestine này có hẳn những « tổ hợp chuyên tái xử lý thuốc nổ » tìm thấy trong đạn dược quân đội Israel trút xuống lãnh thổ Palestine sau mỗi đợt giao tranh.

Những phương tiện chiến đấu hiện đại : drone và công nghệ số

Để tiến hành vụ đánh úp hôm 07/10/2023 vừa qua Hamas không chỉ sử dụng những vũ khí quy ước mà còn chứng minh là phong trào này đã rất thành thạo trong việc sử dụng drone và công nghệ kỹ thuật số.

Chuyên gia Fabian Hinz của viện nghiên cứu chiến lược IISS nhắc lại từ 2014 Hamas vừa tập trung vào mục tiêu tự chế tạo « thuốc nổ, rocket, tên lửa » với hai điểm tựa là Iran và tổ chức Hồi Giáo Liban Hezbollah, vừa khai thác những công nghệ mới.

Theo điều tra của báo Pháp Libération, cách nay 9 năm Hamas đã bắt đầu sử dụng drone trinh sát Ababil của Iran, rồi drone tự sát Shehab từ năm 2021. Shehab theo chuyên gia Fabian Hinz là một phiên bản của drone Iran và « rất có thể là chúng đã được lắp ráp ngay tại Gaza ». Điều đó có nghĩa là các chiến binh Hamas được cung cấp phụ tùng để chế tạo hay lắp ráp drone ngay bên trong Dải Gaza.

Song bên cạnh đó Hamas cũng đã khai thác những công cụ chiến đấu mới mà công nghệ kỹ thuật số và tin học đem lại. Trong đó bao gồm « mở rộng các hoạt động do thám và phát triển khả năng phòng thủ trên mạng ».  

Báo cáo hồi tháng 11/2022 do một nhóm điều tra về các hoạt động trên mạng thuộc cơ quan tư vận Atlantic Council của Mỹ ghi nhận « ngày càng có nhiều vụ do thám trên mạng được cho là do Hamas tiến hành ». Tin tặc thường dùng tài khoản Facebook của phụ nữ trẻ để giao lưu với lĩnh Israel và qua đó « gài mã độc » vào máy điện toán và điện thoại di động của những người lính trẻ đó để tiện bề theo dõi. Vẫn báo Libération nhắc lại năm 2019 quân đội Israel đã từng oanh kích vào một khu chung cư ở Gaza bởi đấy là « trụ sở của các toán hoạt động cyber Palestine ».

Một mạng lưới nằm vùng qua mặt tình báo Israel

Trở lại với câu hỏi phong trào Hồi Giáo Hamas đã chuẩn bị chiến dịch « Mưa Al Aqsa » hôm 07/10/2023 trên lãnh thổ Israel như thế nào, nhật báo La Croix –ngày 12/10/20203 phân tích :

Vài giờ trước cuộc tấn công, lữ đoàn Al Qassam, nhánh vũ trang của phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas đã cho đăng trên các mạng xã hội hình ảnh drone thả lựu đạn « chọc mù mắt » video Israel.  Phá hủy chòi quan sát của quân đội Israel trước khi « đổ bộ lên lãnh thổ Israel ». Và để thực hiện cuộc tấn công đẫm máu đó, Hamas đã « huy động từ  2.500 đến 3.000 chiến binh », chuẩn bị cả một kế hoạch quy mô và tinh vi như vậy mà quân đội và tình báo Israel không hề hay biết gì. Giám đốc quỹ nghiên cứu chiến lược trong vùng Địa Trung Hải FMES, ông Pierre Razoux ghi nhận đây là bằng chứng rõ rệt cho thấy phong trào Hamas đã thực sự « có nhiều tiến bộ trong việc phối hợp, sáng tạo và khai thác cùng lúc  các đường hầm dưới lòng đất, đường bộ, trên biển và trên không (…) khiến mọi người liên tưởng đến lối hành xử của lực lượng vũ trang Hồi Giáo Liban, Hezbollah ».

Lữ đoàn Al Qassam ước tính có khoảng 20.000 chiến binh được đặt dưới sự chỉ huy của chừng 80 thủ lĩnh, tất cả đều đang sống trong vòng ẩn dật. Ngoài ra hiện có khoảng trên dưới 20.000 tay súng dự bị đang « nằm vùng » . Vẫn theo ông Pierre Razoux, giám đốc quỹ nghiên cứu FMES, Al Qassam hoàn toàn có khả năng chiến đấu ngay cả trong trường hợp thủ lĩnh của họ bị loại. Đầu não chiến dịch « Mưa Al Aqsa » hôm 07/10/2023 được cho là Mohammed Deif và dường như nhân vật này đã nhiều lần thoát lưới của quân đội Israel.

Bài Liên Quan

Leave a Comment