Bài Do Thái tại Pháp : Sự căm ghét biến “tôn giáo” thành “chủng tộc” từ thời Trung Đại

Đăng ngày: 25/10/2023

Kể từ khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra, bộ Nội Vụ Pháp cho biết đã thống kê khoảng 588 hành vi bài Do Thái, câu lưu 336 người vì các hành vi, từ những lời lăng mạ, xúc phạm cá nhân cho đến cầm dao, rình rập cạnh giáo đường Do Thái. Các hình thức, căm ghét bài trừ người Do Thái không phải là mới mẻ mà đã xuất hiện từ thời Trung Đại, bị gán là “dân tộc phản bội”, “giết chúa Jesus” cho đến những kẻ giàu có hà tiện, thao túng quyền lực. 

Tấm áp phích của Liên minh Sinh viên Do Thái tại Pháp (UEJF) với hình Đức Mẹ Mary bị vẽ nghuệch ngoạc dòng chữ "Người Do Thái bẩn thỉu".
Tấm áp phích của Liên minh Sinh viên Do Thái tại Pháp (UEJF) với hình Đức Mẹ Mary bị vẽ nghuệch ngoạc dòng chữ “Người Do Thái bẩn thỉu”. © AP/Agence colorado/Union of Jewish Students of France (UEJF)

Hôm 19/10, báo chí Pháp đưa tin cửa nhà của một cặp vợ chồng cao tuổi ở quận 20 ở Paris đã bị phóng hỏa. Tại Grenoble, một căn hộ đã bị cướp và các bức tường bao phủ các nét vẽ bậy cho thấy sự căm ghét đối với người Do Thái. Cộng đồng người Do Thái tại Pháp đã trở nên lo lắng trong bối cảnh xung đột Israel – Hamas và đặc biệt là sau vụ tấn công khủng bố sát hại một thầy giáo ở Arras. Nhiều trường học Do Thái đã đóng cửa, nhiều học sinh cũng vắng mặt. Theo đài Europe 1, “bầu không khí lo lắng bao trùm” khiến một số phụ huynh tự tìm cách bảo vệ các tòa nhà, một số không muốn gửi con đến trường. Nhiều người đã mua các loại vũ khí tự vệ như súng điện, dùi cui, bom hơi cay, hoặc súng báo động, nhiều hơn gấp 50 % so với thông thường. 

Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu tại Sciences Po, bà Marie-Anne Matard-Bonucci cho biết “cứ mỗi lần căng thẳng gia tăng tại vùng Trung Đông, thì các hành vi bài Do Thái xuất hiện trở lại tại Pháp. Vì Pháp là một trong những nước có cộng đồng người Do Thái lớn nhất ở châu Âu, và cũng là nước có đông đảo cộng đồng người Hồi giáo. Tại Pháp, tình trạng bài Do Thái vốn đã tồn tại từ lâu, theo thời gian, các hành vi có giảm nhưng những người Do Thái vẫn phải chịu cảnh bị bạo lực qua lời nói hay thể xác”.  

Các hình thức kì thị thay đổi theo giai đoạn lịch sử

Trên thực tế, các hành vi bài Do Thái ở Pháp, vốn xuất hiện từ thời Trung Đại, vẫn luôn tồn tại và chưa bao giờ biến mất. Bà Marie-Anne Matard-Bonucci, giảng viên lịch sử tại trường Paris 8 cho biết, dưới thời Trung Đại, người Do Thái bị cáo buộc là những kẻ phản bội, “phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Jesus Christ, dù rõ ràng điều này mâu thuẫn với các nghiên cứu lịch sử.” Ngoài ra còn có những cáo buộc vô lý khác như người Do Thái làm nhiễm độc giếng nước, lây lan dịch bệnh, chuyên đi cho vay nặng lãi… Đến thế kỉ 13, họ buộc phải phải mang những trang phục có ký hiệu để phân biệt với những người khác.  

Đến giai đoạn người Do Thái được giải phóng trong bối cảnh Cách Mạng Pháp năm 1791, người Do Thái được trao quyền công dân, có quyền bình đẳng như mọi người. Thế nhưng, đây là giai đoạn “biến chủ nghĩa bài Do Thái từ lý do tôn giáo, thành chủ nghĩa bài Do Thái đương đại hoặc hiện đại”. Họ bị cáo buộc là những người khởi xướng Cách Mạng Pháp để giành được quyền bình đẳng, bởi những người ủng hộ chế độ cũ… Tuy nhiên, nhờ được giải phóng mà họ được hoà nhập vào xã hội, nhanh chóng nắm giữ các vị trí quan trọng trong các ngân hàng, doanh nghiệp vào đầu thế kỷ 19. Thế nhưng những trường hợp này chỉ là thiểu số. Giáo viên về lịch sử đương đại, bà Matard-Bonucci nói thêm : “Giai đoạn này có thể được xem là chủ nghĩa bài Do Thái mang tính xã hội, khi họ bị cáo buộc có quyền lực về kinh tế và người Do Thái có mối quan hệ đặc biệt với tiền. Nếu dưới thời Trung Đại, họ bị coi là là những kẻ làm giàu nhờ cho vay nặng lãi, thì đến thời điểm này, người Do Thái bị cáo buộc là những kẻ nắm giữ nhiều tài sản, thao túng tài chính… Đây cũng là giai đoạn mà chủ nghĩa bài Do Thái xuất hiện trong cánh tả của Pháp, trong khi trước kia là ở cánh hữu, những người muốn bảo vệ chế độ cũ.” 

Đến cuối thế kỷ 19, thời đại của báo chí và phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức bài Do Thái được loan tải, các hình ảnh châm biếm người Do Thái được loan truyền rộng rãi, không chỉ ở Pháp, Đức mà ở nhiều nước trên thế giới. Họ trở thành vật tế thần, bị cáo buộc là nguồn căn của khủng hoảng, bị đổ lỗi cho bất cứ thất bại nào và thậm chí chiến tranh. Phải kể đến trường hợp của Alfred Dreyfus, một người lính bị cáo buộc làm gián điệp, phản quốc, làm rỏ rỉ bí mất quốc gia, chỉ dựa vào căn cứ duy nhất là nguồn gốc Do Thái. Theo bà Matard-Bonucci giai đoạn khiến chủ nghĩa bài Do Thái lên đến đỉnh điểm đó là giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, nhất là sau năm 1933 và trong Đệ Nhị Thế Chiến. “Đó là sự tuyên truyền tích cực của Đức quốc xã truyền bá chủ nghĩa bài Do Thái tại nhiều nước ở châu Âu và cả ở các nước Ả Rập, họ muốn kích động sự căm hận từ các nước Ả Rập chống lại người Do Thái.” 

Khi tôn giáo trở thành một chủng tộc

Theo nhà xã hội học Perrine Simon-Nahum, tại Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử của trường École des Hautes Études en Sciences Sociales (EHSS), Do Thái là một trong những tôn giáo lớn ở phương Tây, nhưng Do Thái cũng “bị coi là một dân tộc qua các cuộc đàn áp chỉ vì họ theo đạo Do Thái, dù họ thuộc tầng lớp xã hội khác nhau, thuộc về các dân tộc quốc gia khác nhau”. Sự chuyển đổi từ nghĩa bài Do Thái ở thời Trung Đại sang hiện đại đó là “nỗi sợ không thể phân biệt được người Do Thái, vì học quá giống với những người bình thường khác, họ ở trong số chúng ta…” Đặc biệt là các hình thức bài Do Thái trong giới chính trị mà phe cực hữu tại Pháp loan tải từ những năm 1970. 

Nhà nghiên cứu Perrine Simon-Nahum cho rằng “bài Do Thái đã nhanh chóng trở thành công cụ chính trị, nhằm thu hút công luận, đặc biệt là trong chủ nghĩa phát xít, quốc xã, hay chủ nghĩa Staltin, tức là cần phải quy tất cả những đau khổ hay thất bại cho kẻ thù. Khi phải xác định ai là kẻ thù thì người Do Thái có thể được coi là đứng đầu danh sách”.   

Trên thực tế, theo nhà sử học Matard++Bonucci ,“ngay từ thời Trung Cổ, từ thế kỉ 12, đã xuất hiện những hình ảnh chỉ ra các đặc điểm cơ thể đặc trưng của người Do Thái. Ví dụ như mô tả về chiếc mũi khoằm là điều phổ biến nhất. Đến cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa bài Do Thái vừa mang tính chính trị và xã hội, và nhanh chóng trở thành sự kì kỳ thị phân biệt chủng tộc. Những người bài Do Thái nhanh chóng tìm kiếm các đặc điểm về thân thể, di truyền của người Do Thái, dù đây là một điều phi lý. Đây cũng là thời điểm mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phát triển, khi các cơ sở về sinh học, giả khoa học được đưa ra để phân biệt người Do Thái… Người ta muốn phân loại và cố gắng nhìn thế giới qua ống kính khoa học dù tốt hay xấu, đó là lúc mà người ta cố tạo ra mối liên hệ giữa các chủng tộc của con người qua các đặc điểm về hình thể”. 

Chính vì lẽ đó mà chủ nghĩa bài Do Thái đã đi kèm với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhưng sự phân biệt chủng tộc đối với người Do Thái có phần khác biệt. Bà Matard-Bonucci, giáo sư về lịch sử đương đại ở trường Paris 8 cho rằng “thông thường phân biệt chủng tộc là hành vi hạ thấp giá trị của những người thuộc một chủng tộc nào đó, như đối với người da màu hay người Ả Rập, nhưng bài Do Thái thì lại khác đó là gắn cho người Do Thái có những quyền hạn quá mức, quá quyền lực, quá giàu, …, có thể nói sự phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, giống với sự phân biệt chủng tộc đối với người châu Á, với các định kiến áp đặt lên cộng đồng người này”. Nhà nghiên cứu Simon-Nahum thì nhắc đến một hiện tượng quy chụp người Do Thái, đặt nguồn gốc tôn giáo này lên trên tất cả các phẩm chất khác của một con người. 

Với sự thành lập của Nhà nước Israel năm 1948, chủ nghĩa bài Israel xuất hiện song song với chủ nghĩa bài Do Thái, qua việc các nước Ả Rập coi sự thù nghịch đối với cộng đồng người Do Thái, theo bà Matard-Bonucci, “là một công cụ chính trị để phản đối Israel, ủng hộ người Palestine”. Trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, chính trường Pháp bị chia rẽ khi đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất đã từ chối lên án tổ chức Hồi giáo Hamas ở Gaza, giết hại bắt người Israel làm con tin, từ chối coi đây là khủng bố. Đảng cực tả của Pháp đã nhanh chóng bị cáo buộc bài Do Thái.  

Bài Do Thái kiểu Pháp ?

Nếu đặt câu hỏi liệu có tồn tại một hình thức bài Do Thái kiểu Pháp hay không, trả lời RFI Tiếng Việt, nhà sử học Emmanuel Debono nhắc lại trường hợp của một trong những nhà lý luận học Pháp, Charles Maurras, mong muốn xây dựng một chủ nghĩa bài Do Thái kiểu Pháp, tức là tất cả những người Do Thái bị coi là một hạng người thấp kém, không được coi là công dân, không có quyền, không có quốc gia… Ông Debono, thành viên của Liên đoàn quốc tế chống phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái (LICRA), cho biết : “Trong bối cảnh hiện nay, liệu Pháp có xu hướng bài Do Thái kiểu khác hay không, thì điều này khó nói. Phong trào bài Do Thái từ cộng đồng người Hồi Giáo là một chuyện. Nhưng bài Do Thái cũng xuất hiện ở phe cực tả cực hữu và những kẻ theo thuyết âm mưu…Cuộc xung đột Palestine Israel mang tính biểu tượng, khiến nhiều người lo lắng, nhưng khó có thể nói là đặc trưng từ một nước nào đó vì sự căm hận đối với người Do Thái không có biên giới. Đặc biệt là với mạng xã hội, bài Do Thái, lan rộng toàn cầu.” 

Nhà nghiên cứu Matard-Benucci, giám đốc tạp chí Revue Alarmer cho rằng ngày nay, các hình thức bài Do Thái thường tiềm ẩn, khiến nhiều người không dám mặc trang phục theo tín ngưỡng Do Thái, một số lo sợ rằng khi bị nhìn nhận như người Do Thái, thì sẽ bị kỳ thị, không khác gì với nỗi sợ bị kỳ thị mà người đồng tính phải đối mặt.  

Về phần mình, nhà sử học Perrine Simon-Nahum nhận thấy rằng tại Pháp, “hiện nay người ta có thể công khai bày tỏ lập trường bài Do Thái trong lời nói, diễn ngôn chính trị trong đời sống hàng ngày”. Trong khi đó, sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, hàng triệu người Do Thái ở châu Âu đã bỏ mạng, những từ ngữ hành vi bạo lực đối với người Do Thái không được thể hiện một cách công khai.  

Vậy làm sao để có thể chống lại chủ nghĩa bài Do Thái ? Bà Perrine Simon-Nahum cho rằng “chỉ cần nhìn vào thực tế, vào các nghiên cứu xã hội là có thể thấy rằng không phải người Do Thái nào cũng giàu có, có rất nhiều người sống trong cảnh nghèo túng, không làm việc trong lĩnh vực tài chính, thương mại. Và mọi người cần phải sẵn sàng thừa nhận thực tế này. Tuy nhiên, chúng ta đang sống ở thời đại mà sự thật chỉ là tương đối, do đó, theo một cách nào đó, ngày càng khó để công chúng có thể công nhận những điều là thực tế”. 

Chi Phương

Bài Liên Quan

Leave a Comment