Bình luận của Phạm Văn Nam
2023.10.26
Va chạm giữa tàu hải cảnh của Trung Quốc và tàu tiếp tế (trái) của Philippines gần Bãi Cỏ Mây, Biển Đông hôm 22/10/2023
AFP PHOTO / CHINESE COAST GUARD
Căng thẳng tiếp tục trên Bãi Cỏ mây
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí còn diễn biến căng thẳng hơn trước.
Va chạm mới đây nhất xảy ra giữa hai bên vào ngày 22/10 khi lực lượng Philippines “tiếp tế” cho binh sĩ đồn trú trên một tàu hải quân của nước này mắc cạn ở phía Nam Biển Đông. Các quan chức Philippines cáo buộc một tàu hải cảnh và một tàu dân quân biển của Trung Quốc đã “di chuyển nguy hiểm” dẫn đến va chạm với một tàu tiếp tế và một tàu tuần duyên của Philippines ở vùng biển gần Bãi Cỏ Mây. Trong khi đó, phía Trung Quốc cho biết họ đã ngăn chặn tàu vận chuyển “vật liệu xây dựng bất hợp pháp” của Philippines, dẫn đến “va chạm nhẹ” (1).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 22/10 cáo buộc Philippines khiêu khích “bằng cách liên tục xâm nhập vào Nhân Ái Tiêu (Renai Jiao) và tiếp tục truyền bá thông tin sai lệch” (2). Nhân Ái Tiêu là cách gọi của Trung Quốc với Bãi Cỏ Mây, Philippines thì gọi là Bãi cạn Ayungin – một khu vực ở Biển Đông nơi xảy ra vụ va chạm. Nó là một phần thuộc Quần đảo Trường Sa.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines trước đó cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã “quấy rối và cố ý tấn công” một tàu tiếp tế và một tàu bảo vệ bờ biển Philippines. Ông Gilbert Teodoro cho biết tại Manila hôm 22/10: “Chúng tôi ở đây để thực sự lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể về hành vi vi phạm nghiêm trọng và bất hợp pháp này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý (370km) của Philippines và việc che giấu sự thật bằng cách Trung Quốc bóp méo câu chuyện để phù hợp với mục đích của họ” (3).
Trong khi Trung Quốc coi đây là một “vụ va chạm nhỏ”, Thiếu tướng Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tarriela hôm 22/10 cho rằng thiệt hại đối với tàu tiếp tế “nhiều hơn là một vết xước” (4). Philippines đã triệu Đại sứ Trung Quốc hôm 22/10 để gửi phản đối ngoại giao, trong khi Đại sứ quán Bắc Kinh tại Manila cho biết họ cũng đã làm điều tương tự.
Tiến trình COC sẽ chết yểu?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza phát biểu trong cuộc họp báo chung 22/10 rằng: “Tất cả những sự cố như thế này sẽ củng cố luận điểm rằng Philippines không phải là kẻ xâm lược, mà chính là bên kia, đó là Trung Quốc” (5).
Cuộc đối đầu hôm 22/10 diễn ra ngay trước vòng đàm phán mới nhất về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh và Manila nằm trong số các bên tham gia. Các cuộc đàm phán, bắt đầu vào ngày 22/10 tại Bắc Kinh, nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang lớn ở Biển Đông.
Học giả Ding Duo của Trung Quốc đã cảnh báo về tác động đối với quan hệ song phương. Ông nói: “Trong những năm qua, hai bên đã kiểm soát tốt những khác biệt nên có sự thỏa thuận ngầm về cách giải quyết tranh chấp trên biển. Nhưng bây giờ, những thỏa thuận như vậy đã bị phá vỡ” (6). Theo ông Ding, cuộc đối đầu có thể làm tổn hại đến niềm tin song phương và ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về COC đang diễn ra và được chờ đợi từ lâu.
Vì sao Trung Quốc gây ra căng thẳng lúc này?
Sau vụ việc hôm 22/10, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Anh đều đưa ra tuyên bố lên án hành vi của Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc “vi phạm luật pháp quốc tế khi cố tình can thiệp vào hoạt động tự do hàng hải của các tàu Philippines” (7).
Collin Koh, học giả quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói với VOA rằng Mỹ cần thực hiện lời hứa hỗ trợ Philippines thông qua các hành động cụ thể vì Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thử thách khả năng can dự của Washington. Ông nói: “Nếu người Mỹ dường như không làm nhiều hơn những gì họ đang làm hiện nay, thì điều đó có thể là tín hiệu không chính xác cho người Trung Quốc rằng họ đang thành công trong việc vượt giới hạn. Trung Quốc có thể sẽ đẩy nó đi xa hơn nữa. Lúc đó, Mỹ phải lo lắng về độ tin cậy của mình” (8).
Hiện nay, Mỹ đang phải căng mình ra để hỗ trợ cho cả Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đồng thời cũng phải hỗ trợ đồng minh Israel trong cuộc chiến chống Hamas ở Trung Đông. Chính vì vậy, Trung Quốc muốn thử khả năng của Mỹ ở Biển Đông ra sao, đồng thời cũng làm giảm độ tập trung của Mỹ vào các mặt trận khác. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho Bắc Kinh và các đồng minh như Nga hay Iran.
Justin Baquisal, một nhà phân tích địa chính trị ở Manila nói với VOA rằng Bắc Kinh cuối cùng đang thử thách quyết tâm của Washington. Ông nói: “Trung Quốc đang cố tình làm điều này để xem liệu Mỹ có sẵn sàng mở mặt trận thứ ba trong cuộc xung đột của mình hay không”, đồng thời cho biết thêm rằng những nỗ lực này đang khiến hoạt động hậu cần của Washington bị căng trải (9).
Chiến thuật của Philippines có hiệu quả?
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông đã diễn ra cả chục năm nay, tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Philippines đang thay đổi chiến thuật. Philippines đang dùng truyền thông để tố cáo hành vi của Trung Quốc đối với thế giới. Đại tá đã nghỉ hưu Raymond Powell thuộc Trung tâm Gordian Knot của Đại học Stanford (Mỹ) nói với BBC rằng: “Tôi nghĩ năm 2023 đã chứng kiến sự thay đổi lớn. Đó là chiến dịch minh bạch hóa sự quyết đoán” (10). Nhận xét về các hành động cung cấp các hình ảnh và clip công khai và kịp thời cho báo chí quốc tế của Manila trước các hành động hung hăng của Trung Quốc, Raymond Powell cho biết: “Việc này giống như ‘rọi sáng’ các hoạt động vùng xám của Trung Quốc” (11).
Có lẽ, Trung Quốc cũng khá ngạc nhiên trước phản ứng quyết liệt của Philippines, BBC trích lời chuyên gia Oriana Skylar Mastro thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli (Mỹ) cho rằng có vẻ như chiến lược này đang tỏ ra hiệu quả: “Chúng tôi thấy các hoạt động của Trung Quốc có phần tạm lắng” (12).
Diễn biến sắp tới?
Căng thẳng trên Biển Đông lần này không chỉ liên quan giữa Philippines và Trung Quốc. Nhiều quốc gia khu vực Biển Đông cũng là nạn nhân trước sự côn đồ của Trung Quốc, mà Việt Nam là một trong số đó.
Các chuyên gia nhận định việc Philippines tiếp tế cho tàu Sierra Madre không chỉ là lương thực, thực phẩm và nước uống. Mục tiêu lớn hơn của Philippines là tìm cách là gia cố con tàu rỉ sét tại đây. Đại tá Powell cho rằng: “Thật khó để biết Philippines có thể kéo dài tuổi thọ của con tàu như thế nào. Tôi nghĩ giờ là thời điểm khủng hoảng. Ngày tàn của tàu Sierra Madre đã cận kề. Con tàu này sẽ sớm vỡ vụn” (13).
Nếu con tàu này không còn, thì sự hiện diện của Philippines thông qua các binh sĩ ở đây, sẽ có nguy cơ biến mất. Chính vì vậy, Manila đã nỗ lực tăng cường việc gia cố con tàu để duy trì sự hiện diện tại Bãi Cỏ Mây. Còn Bắc Kinh cũng nhận ra điều đó và cố tìm cách ngăn cản Manila. Theo tính toán của Trung Quốc thì nếu họ ngăn cản được việc tiếp tế cho con tàu tại Bãi Cỏ Mây, sớm muộn gì con tàu này cũng sẽ không còn, và đây sẽ là cơ hội cho Bắc Kinh chiếm đoạt khu vực này.
Nếu Bắc Kinh chiếm đoạt được Bãi Cỏ Mây, thì có thể đây sẽ là con cờ domino dẫn tới hàng loạt thay đổi trên khu vực biển này, và nước giành lợi thế sẽ là Trung Quốc.
Các quốc gia Biển Đông như Việt Nam cần phải giúp Philippines giữ nguyên hiện trạng trên Biển Đông, vì nếu Trung Quốc thành công ở Bãi Cỏ Mây, họ sẽ tiếp tục làm như vậy với các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ ở Trường Sa.
__________
Tham khảo:
1. https://x.com/globaltimesnews/status/1716372040696168822?s=20
2. https://news.abs-cbn.com/video/news/10/23/23/china-tells-philippines-stop-creating-tension-in-south-china-sea
3. https://pcij.org/article/10881/philippines-confronts-unlikely-adversary-south-china-sea-row-filipinos-echo-pro-beijing-narratives
4. https://x.com/jaytaryela/status/1716060726597648739?s=20
5. https://www.reuters.com/article/southchinasea-philippines-china-idAFKBN31N03H
6. https://www.channelnewsasia.com/asia/china-philippines-south-china-sea-collisions-conflict-3867836
7. https://www.state.gov/u-s-support-for-our-philippine-allies-in-the-face-of-repeated-prc-harassment-in-the-south-china-sea/
8. https://www.voanews.com/a/analysts-china-tests-us-commitment-to-indo-pacific-in-south-china-sea-/7322809.html
9. https://www.voanews.com/a/analysts-china-tests-us-commitment-to-indo-pacific-in-south-china-sea-/7322809.html
10. https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-67191205
11. https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-67191205
12. https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-67191205
13. https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-67191205
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.