Đại sứ Trung Quốc ở Estonia, bà Quách Hiểu Mai nói việc nước chủ nhà cho mở Văn phòng Đại diện của Đài Loan, “có thể sẽ khiến bà phải rời Estonia”, các báo châu Âu đưa tin.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch nhóm nghị sĩ quốc hội Estonia-Trung Quốc, ông Toomas Kivimägi hôm 07/11, bà Quách đã nêu ra lời cảnh báo như vậy, trang Postimees hôm 9/11/2023 đưa tin.
Estonia nêu quan điểm rằng như một số nước EU khác, họ đồng ý cho mở Văn phòng Đại diện Đài Bắc để thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa với Đài Loan, nhưng vẫn công nhận nguyên tắc “Một nước Trung Hoa”.
Vào hôm 02/11, chính phủ Estonia đã ra quyết định về việc cho mở văn phòng mang tên “Đài Bắc” ở thủ đô Tallinn, mặc cho Bắc Kinh phản đối.
Cùng thời gian, Estonia đón Ngoại trưởng Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan), ông Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu), bất chấp việc Đại sứ Trung Quốc nêu lời bất bình.
Hôm 08/11, ông Ngô Chiêu Nhiếp bắt đầu chuyến thăm các nước vùng Baltic nhưng chỉ được các nghị sĩ Estonia đón, và phát biểu ở các tổ chức dân sự chứ không gặp các quan chức chính phủ.
Tuy thế, với Trung Quốc đây vẫn làm một vấn đề và việc Estonia, quốc gia 1,3 triệu dân từng thuộc Liên Xô cũ, nay là thành viên EU, Nato tăng cường quan hệ với Đài Loan tạo ra tình huống khó xử, theo các báo châu Âu.
Một khía cạnh nữa trong quan hệ với Trung Quốc được chính giới Estonia nêu ra là “Trung Quốc không làm hết mình để khuyên ông Putin dừng cuộc chiến tại Ukraine”.
Đây là vấn đề an ninh mang tính sống còn với Estonia, sau khi có các quan chức cao cấp Nga từng nêu ra phát ngôn bóng gió phủ nhận chủ quyền của Estonia, coi nước này “thuộc về vùng ảnh hưởng mang tính lịch sử của Nga”.
Ông Toomas Kivimägi đã nói thẳng với nữ đại sứ Trung Quốc điều “ông đã nói nhiều lần là Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine”.
Theo ông Kivimägi, “Chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ là người duy nhất là Vladimir Putin lắng nghe”.
Ngoài ra nghị sĩ Estonia cho hay ông đã nói với đại sứ Trung Quốc rằng “nếu Nga dùng các nước thứ ba để tránh lệnh trừng phạt [vì cuộc chiến đánh Ukraine] và nếu Trung Quốc giúp Nga tìm thị trường bán dầu khí thì đó là việc làm chống lại các lệnh trừng phạt”.
CEEC không còn hấp dẫn hay vì Bắc Kinh ủng hộ Moscow?
Tháng 8 vừa qua, Latvia và Estonia cùng rút khỏi Nhóm hợp tác Trung Âu và Đông Âu với Trung Quốc (CEEC). Năm 2021, Lithuania đã rút khỏi nhóm này.
Sáng kiến từ 2012 của TQ đã đưa gần 20 nước vùng Baltic, Trung Âu, Đông Âu và Balkan (China and Central & Eastern European Countries-CEEC) vào một nhóm quốc gia chia sẻ lợi ích hợp tác cùng Trung Quốc, tuy không có cơ chế ràng buộc gì.
Nhóm nước này đã được Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân cam kết trợ giúp chống Covid năm 2021.
Nhưng sau khi Nga xâm lăng Ukraine vào tháng 2/2022 một số quốc gia thuộc CEEC cho rằng Trung Quốc phải có thái độ bớt ủng hộ Nga, điều đã không xảy ra.
Ngay cả trước cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Lithuania đã quay sang tăng cường quan hệ với Đài Loan và cho Đài Bắc mở văn phòng đại diện.
Nay thì Estonia quyết định làm tương tự.
Hiện chưa thấy quyết định hay phản ứng gì cao hơn cấp đại sứ từ Bắc Kinh và cũng không rõ Trung Quốc có rút bà Quách Hiểu Mai về nước để phản đối Estonia hay là không.
Từng thuộc Liên Xô, Estonia đã giành được độc lập năm 1991, nay là nhóm quốc gia ở vùng biển Baltic có nền văn hóa gần với Bắc Âu và kinh tế , công nghệ phát triển khá cao. Nhiều người dân nước này cho là tổ quốc họ bị Hồng quân chiếm sau Thế Chiến II và việc họ thuộc Liên Xô là chuyện cưỡng bức.