- Tác giả,Kelly Ng
- Vai trò,BBC News, Singapore
- 9 tháng 11 2023
Đài Loan đang nhắm vào những người bị cáo buộc là “gián điệp cộng sản” của Trung Quốc trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng, nơi mối quan hệ của hòn đảo với Bắc Kinh sẽ được đưa vào lá phiếu.
Đài Loan và Trung Quốc đã do thám lẫn nhau từ năm 1949, khi những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc thành lập một chính phủ riêng ở Đài Bắc để phản đối Trung Quốc cộng sản của Mao Trạch Đông.
Trong mười tháng qua, chính quyền Đài Loan đã đưa ra hàng loạt cáo buộc và kết án – họ nói rằng có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã tăng cường chiến lược gián điệp và mở rộng ra ngoài giới tinh hoa quân sự. Đại tá không quân đã nghỉ hưu Liu Sheng-shu bị kết án 20 năm tù vào tháng 10 vì điều hành một đường dây gián điệp quân sự cho Bắc Kinh.
Ít nhất 16 người đã bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc kể từ đầu năm, so với 44 vụ gián điệp được Cục Điều tra Bộ Tư pháp Đài Loan cho vào hồ sơ từ năm 2013 đến năm 2019.
Điều này xảy ra khi các yêu sách của Trung Quốc đối với hòn đảo tự trị ngày càng mang tính đe dọa hơn, với áp lực quân sự và chính trị ngày càng gia tăng. Bắc Kinh không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo, ngay cả khi Mỹ ngày càng công khai tăng cường ủng hộ Đài Loan.
Các báo cáo cho thấy Bắc Kinh đang mở rộng các nỗ lực gián điệp toàn cầu, đặc biệt đối với Mỹ. Washington cũng đang tăng cường thu thập thông tin tình báo về Trung Quốc.
Grant Newsham, một đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, người đã phục vụ nhiều thập kỷ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết Đài Loan là mục tiêu dễ dàng của các điệp viên Trung Quốc.
Ông cho biết thêm, vị trí gần Trung Quốc và thực tế là hầu hết người Đài Loan nói tiếng Trung Quốc là các lý do, nhưng hòn đảo này cũng “không nghiêm khắc lắm” về việc trừng phạt hoạt động gián điệp. “Điều này tác động đến việc sẵn sàng làm gián điệp cho Trung Quốc, nếu bạn cho rằng ‘các rủi ro’ không quá nghiêm trọng.”
Ông Newsham cũng cho biết Đài Loan chưa có hệ thống hiệu quả để hạn chế quyền truy cập vào thông tin mật cho đến gần đây.
“Nếu bạn không kiểm soát tốt thông tin nhạy cảm và bí mật… Bạn nên sẵn sàng cho việc bất kỳ cơ quan tình báo nước ngoài có thẩm quyền nào cũng có thể truy cập được thông tin đó. Điều đó đã diễn ra ở Đài Loan trong một thời gian dài.”
Các chuyên gia và quan chức Đài Loan cho rằng hoạt động gián điệp là một trong nhiều cách mà Trung Quốc cố gắng can thiệp hoặc gây ảnh hưởng lên hòn đảo này.
Tuần trước, Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Đài Loan, ông Thái Minh Ngạn (Tsai Ming-Yen) cho biết Bắc Kinh từ lâu đã tiến hành một “cuộc chiến không tiếng súng” chống lại Đài Loan.
Trung Quốc điều số lượng máy bay chiến đấu ngày càng tăng vào vùng phòng không của Đài Loan, khiển trách các nhà lãnh đạo nước này về các chuyến thăm nước ngoài nhằm mục đích ngoại giao và cấm nhập khẩu dứa, xoài và một số loại cá của Đài Loan.
Nhiều người dự đoán các động thái tương tự sẽ diễn ra nhiều hơn khi cuộc bầu cử vào tháng Giêng đang đến gần. Ông Thái cũng cáo buộc chính phủ Trung Quốc cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử thông qua các cuộc tấn công mạng.
Cuộc bỏ phiếu vào tháng Giêng rất có ý nghĩa vì nó khiến Đảng Dân chủ Nhân dân (DPP) đương nhiệm, vốn coi Đài Loan là độc lập và có chủ quyền, chống lại ít nhất ba ứng cử viên đối lập ủng hộ việc duy trì hiện trạng bằng cách bắt đầu lại đối thoại với Bắc Kinh. Và một chiến thắng dành cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) và đương kim phó tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai), người mà Bắc Kinh cho rằng “ngoan cố giữ lập trường ly khai”, sẽ đặt ra thách thức cho kế hoạch thống nhất của Trung Quốc.
Những người ‘bắt’ gián điệp Đài Loan dường như đang tập chung sự chú ý nhiều quân đội. Hầu hết các điệp viên bị cáo buộc đều có liên hệ với quân đội hoặc bị buộc tội cố gắng chiêu mộ binh lính.
Vào tháng Bảy, một huấn luyện viên Diabolo, Lu Chi-hsien và bốn người khác đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc thiết lập một mạng lưới gián điệp. Ông Lu bị cáo buộc tuyển dụng những người lính đang kẹt tiền vào mạng lưới bằng cách tập trung vào các hiệu cầm đồ, những người cho vay tiền và hoạt động cho vay nặng lãi gần các căn cứ quân sự. Nghi phạm thứ sáu, Kuo Po-ting, là em trai của ca sĩ nổi tiếng Đài Loan Kuo Shu-yao.
Các chuyên gia tin rằng cuộc điều tra các doanh nhân Đài Loan sẽ cho các kết quả tương tự. Một doanh nhân Đài Loan và con trai ông bị buộc tội vào tháng Bảy vì tuyển dụng hai binh sĩ để giúp họ thu thập thông tin bí mật.
Điều đáng lo ngại là các “điệp viên” Trung Quốc không chỉ đánh cắp bí mật mà còn giúp định hình dư luận để thu hút sự ủng hộ dành cho Trung Quốc.
Kerry Gershaneck, một học giả thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Chengchi của Đài Bắc, cho biết một nửa chiến lược của Trung Quốc tại Đài Loan liên quan đến “chiến tranh truyền thông” nhằm làm rạn nứt tâm lý và làm mất tinh thần của Đài Loan. Ông chỉ ra thời điểm trước cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2020, khi Bắc Kinh bị phát hiện đã trả tiền cho truyền thông Đài Loan để đưa tin tích cực về đại lục.
Lev Nachman, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Chengchi, cho biết lần này, kế hoạch của DPP trong cuộc chiến thông tin liên quan đến việc công khai các cáo buộc gián điệp.
Giáo sư Nachman cho biết thêm đây là “quan hệ công chúng tốt” cho đảng. Nhưng ông tin rằng những nỗ lực xâm nhập của Trung Quốc sẽ ít có tác động và chỉ ra chiến thắng vang dội của Tổng thống Thái Anh Văn vào năm 2020 bất chấp những lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc.
“Những trường hợp này không có gì mới. Chúng là một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Đài Loan và tôi tin rằng cử tri biết về chúng rõ hơn là chúng ta nghĩ.”
DPP đã thông qua luật chống gián điệp sâu rộng trước cuộc bầu cử năm 2020, sau khi điệp viên Trung Quốc tự nhận Vương Lập Cường (Wang Liqiang) nói với truyền thông Úc rằng ông ta đã nhắm mục tiêu vào Đài Loan và Hong Kong nhân danh một đường dây can thiệp nước ngoài do Bắc Kinh chỉ đạo. Chính quyền Trung Quốc bác bỏ tuyên bố của ông này.
Đối với Giáo sư Nachman, đó là bằng chứng thêm cho thấy “chiến thuật xâm nhập” của Trung Quốc không hiệu quả.
Nhưng những người khác, như Wen-Ti Sung từ Đại học Quốc gia Úc, cho rằng việc công khai là con dao hai lưỡi.
“Nó có khả năng cảnh báo và ngăn cản các đối tác và bạn bè tiềm năng khác hợp tác với Đài Loan trong tương lai. Những người khác có thể nghĩ, tại sao Đài Loan không thể ngăn chặn những điệp viên này xâm nhập vào hệ thống hoặc bị đối thủ tuyển dụng ngay từ đầu.”