- Y Nguyên
9 tháng 11, 2023
Nhà thờ Hiếu Đạo thời gian đầu mới xây dựng xong.
Giáo xứ Hiếu Đạo (thuộc giáo hạt Pleiku) lại tiếp tục đưa lên lời yêu cầu chính quyền CSVN ở tỉnh này trả lại nhà thờ của họ, vốn đã bị cướp như một chiến lợi phẩm vào năm 1975. Nhiều năm nay, Giáo xứ Hiếu Đạo luôn đưa lại lời yêu cầu này, vào mỗi dịp Lễ Giáng Sinh, với mong muốn cho giáo dân của nơi này có được nhà thờ sinh hoạt như bình thường.
Trong thư đăng tải chính thức trên trang conggiao.vn, có tựa đề Kính thưa cộng đoàn, thật đau lòng một xứ đạo tại GP.Kontum bị nhà nước tịch thu Nhà thờ, nội dung được tóm tắt như sau:
“Như dân Do Thái bị lưu vong khi mất Đền thờ Giêrusalem, giáo dân Giáo xứ Hiếu Đạo (Gp Kon Tum) hiện đang lưu vong chờ ngày trở về, khi Nhà thờ được trả lại theo nguyện vọng của họ. Giáo xứ Hiếu Đạo chưa hề biến mất sau gần 50 năm Nhà thờ bị chiếm dụng làm Nhà Thiếu nhi Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ngày Bổn mạng của Giáo xứ sắp tới, lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ: 26 Tháng Mười Một 2023. Xin cộng đoàn cùng cầu nguyện cho Giáo xứ Hiếu Đạo, GP. Kontum sớm được nhà nước trả lại Nhà thờ để có nơi quay về thờ phượng Chúa”.
Được biết, Giáo xứ Hiếu Đạo được thành lập năm 1960 với khoảng 900 giáo dân. Từ đó đến nay, số giáo dân không ngừng gia tăng trong những năm tiếp theo, đến năm 1967 đã lên đến 2.749 giáo dân, hiện tại con số rất lớn – ước tính hơn 4000 – nhưng phải dạt về các nhà nguyện, nhà thờ của các giáo xứ gần đó sinh hoạt tạm, vì đã bị cướp mất nhà thờ chính.
Năm 1975, nhà cầm quyền CSVN lấy lý do linh mục chính xứ nhận đi làm tuyên úy cho quân đội, nên tự động xác định Nhà thờ Hiếu Đạo là cơ sở của quân đội VNCH, bị tự động liệt vào diện ‘chiến lợi phẩm” để đóng cửa nhà thờ. Tài sản và đất đai của nhà thờ bị lấy chia làm tài sản cho các gia đình cán bộ.
Sự thiếu hiểu biết của chính quyền địa phương rồi cũng được làm rõ sau nhiều năm: Các linh mục tình nguyện phụng sự trên chiến trường đầy chết chóc là công việc của tín ngưỡng, chứ hoàn toàn không phải là nhân sự quân đội. Bên cạnh đó giáo dân còn làm chứng và trưng dẫn đầy đủ các giấy tờ cần thiết để cho thấy đây là một nhà thờ Công giáo của Giáo hội Công giáo với công sức xây dựng của bà con giáo dân Hiếu Đạo và Giáo phận Kontum. Tuy vậy, trong thời gian đầu khi chính quyền cưỡng chiếm, những ai dám đứng ra làm chứng và phản đối ý kiến của chính quyền, lần lượt phải “đi học tập cải tạo” nhiều năm, hoặc gia đình bị khủng bố tinh thần, làm khó dễ trong đời sống sinh hoạt thường ngày.
Ngoài việc cưỡng chiếm tài sản của Giáo xứ, về sau biến thành Cung Văn Hóa Thiếu Nhi Tỉnh Gia Lai, người phụ trách quản lý Nhà thờ Hiếu Đạo là linh mục Giuse Trần Sơn Nam còn bị chính quyền quân quản bắt đi cải tạo 12 năm, không xác định tội, không được ra toà làm rõ sự việc. Khi đi không kịp thông báo cho ai, chỉ được mang theo vài bộ đồ và tràng hạt.
Về sau, người dân dần tìm ra, năm căn nhà chung quanh Nhà thờ Hiếu Đạo được âm thầm chia cho các cán bộ tham gia chiếm đóng miền Nam – cũng như những chiến lợi phẩm. “Một số ghế nhà thờ còn thấy tại Thành đội Pleiku. Cây đàn lớn phòng văn hóa thông tin đang sử dụng. Quả chuông lớn trong số 3 quả chuông hiện đang để tại nhà hầm của nhà thờ”, tài liệu của giáo xứ ghi. Có lẽ về sau, vì nhìn thấy các giấy tờ sở hữu hợp pháp của Nhà thờ Hiếu Đạo, nên chính quyền ở đây chỉ chiếm dụng mà không dám đập phá, sửa lại. Do đó gác chuông vẫn còn giữ nguyên bên cạnh nền nhà thờ cũ.
Theo tin hiệp thông từ Truyền thông Thái Hà, thì trong các đơn thư xin lại nhà thờ, nhà xứ và cả ngôi trường Minh Đức trước đây, trong văn thư ngày 28 Tháng Tám 2007 của Tòa giám mục Giáo phận Kontum gửi ông Chủ tịch Tỉnh Gia Lai có viết: “Chính quyền tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi làm việc tại Văn phòng Tỉnh vào chiều ngày 12 Tháng Bảy 2007, phía chính quyền cũng đã xác quyết: ‘Nhà thờ Hiếu Đạo là cơ sở thờ phượng của Giáo hội, do Giáo hội xây dựng”. Tuy vậy, có lẽ vì mọi thứ đã lâu, được cấp phép, chuyển nhượng, bán lại… đến mức việc trả lại là không thể theo nhiều nghĩa, nên chính quyền tỉnh làm lơ, không xét yêu cầu của Giáo hội.
Điều đáng nói, kỳ diệu là hơn 50 năm qua, nhà thờ bị cướp, nhưng Giáo xứ không bị xóa sổ. Giáo xứ Hiếu Đạo vẫn còn và các đoàn thể, từng giáo họ và ban hành giáo vẫn nhờ các Giáo xứ bên cạnh để sinh hoạt. Giáng sinh 2023, cũng là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ, người công giáo Giáo xứ Hiếu Đạo lại một lần nữa lên tiếng yêu cầu chính quyền trả lại tài sản và nơi thờ phượng hợp pháp của họ.
Ước tính sơ bộ sau năm 1975, theo tài liệu mà Hồng y Phạm Minh Mẫn (Tổng Giám mục Thành phố Sài Gòn) cho hãng thông tấn Fides biết, thì chỉ riêng Giáo phận Sài Gòn bị cướp mất 400 cơ sở, còn tòa tổng giáo phận Hà Nội nói rằng hiện có 95 cơ sở của tổng giáo phận Hà Nội nhà nước đang giành quyền sử dụng. Ngoài ra còn nhiều đất đai, nhà cửa vẫn chưa liệt kê đủ ở mọi tỉnh thành Việt Nam.