Myanmar yêu cầu quân đội chuẩn bị cho ‘tình trạng khẩn cấp’

Kokang
Chụp lại hình ảnh,Năm 2015, sau các giao tranh dữ dội với phiến quân, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng thiết quân luật ở Kokang. Năm nay, chiến sự lại bùng nổ ở khu vực này, nằm bên phía Nam đường biên giới của tỉnh Vân Nam, TQ

Chính quyền Myanmar ra lệnh cho quân đội và nhân viên dân sự có kinh nghiệm quân sự “chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp”, Reuters đăng tin hôm 16/11/2023.

Diễn biến tình hình Myanmar đang ngày càng phức tạp với quân chính phủ quân sự (junta) vừa phải đối mặt với các nhóm vũ trang mở thêm một mặt trận phía Tây Bắc.

Cùng lúc, giao tranh với một liên minh các lực lượng vũ trang đối kháng ở vùng Đông Bắc đất nước vẫn chưa yên.

Tuần trước Tổng thống Myanmar do quân đội đưa lên sau đảo chính năm 2021, cựu tướng Myint Swe công khai cảnh báo rằng nước này có nguy cơ tan vỡ nếu chính phủ không thể kiểm soát được tình hình giao tranh bùng phát ở bang Shan.

Ba lực lượng nổi dậy ở bang Shan, được hỗ trợ bởi các nhóm vũ trang khác chống lại chính phủ, đã tấn công hàng chục đồn biên phòng, cửa khẩu biên giới.

Các thách thức lớn nhất từ nhiều năm

Các báo quốc tế ngày 15/11 đăng tin nói rằng lực lượng sắc tộc mang tên Quân đội Liên minh Quốc gia Dân chủ Myanmar (Myanmar National Democratic Alliance Army) nói họ đã chiếm được thêm được một căn cứ quân sự của chính phủ ở phía Bắc đất nước.

Họ cũng nói 129 binh lính của quân đội chính phủ “đã đầu hàng hôm Chủ Nhật”.

Một lực lượng khác, là Arakan Army thì thông báo có 28 nhân viên cảnh sát đầu hàng họ, và 10 quân nhân chính phủ bị họ bắt ở bang Rakhine.

Trong tháng 11 này, các lực lượng phiến quân khác nhau đã liên kết, phối hợp tác chiến ở ít nhất ba bang Shan, Rakhine và Kayah states, và “chiếm 144 doanh trại, căn cứ, đồn cảnh sát”.

‘Quan ngại’ và trách nhiệm

Trung Quốc hôm đầu tuần đã lên tiếng yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar “đảm bảo an ninh ở các khu vực dọc biên giới”, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Mao Ninh.

Báo chí Đông Nam Á nói các nhóm quân sự Ta’ang, Arakan và Shan chống chính phủ đã đồng loạt tấn công các thị trấn dọc biên, khiến đường giao thông và mậu dịch của Myanmar (bang Shan) sang Trung Quốc bị gián đoạn.

Trung Quốc cũng tung ra tiền thưởng lớn cùng lệnh truy nã một cựu lãnh đạo khu vực tự trị Kokang gồm nhiều người gốc Hoa ở bang Shan sau khi người này gây ra các vụ lừa đảo, tống tiền công dân Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là kẻ bị truy nã, Ming Xuechen, một ông trùm xã hội đen trong vùng Kokang, là người gốc Hoa và từng là đại diện của chính phủ quân nhân Myanmar ở nghị viện bang Shan.

Năm nay 69 tuổi, ông ta cùng con trai Ming Xiaoping (Ming Guoping), con gái Ming Julan và cháu nội Ming Zhen Zhen đều bị công an tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc truy nã. Trung Quốc treo giải thưởng từ 12 tới 38 nghìn USD cho ai giúp bắt được họ. Trong các vụ lừa đảo tầm cỡ quốc tế, những thủ phạm đã “giết chết một số công dân Trung Quốc”, theo phía Trung Quốc.

Tháng trước, Trung Quốc đã bắt 11 người từ Kokang khi họ tới Lan Thương, Vân Nam. Một số đã lên video do Trung Quốc quay và công bố, kêu gọi đồng đảng “không hãm hại công dân Trung Quốc”.

Một số báo đối lập Myanmar cho rằng các xung đột băng đảng nội bộ vùng biên giới của Myanmar có liên quan đến các vụ tấn công vũ trang gần đây.

Các nhóm vũ trang đã mở Chiến dịch 1027 để xử lý vấn đề mà họ cho là “phe Kokang thất bại, không giải quyết được băng đảng Trung Quốc”, theo trang Irrawady.

China
Chụp lại hình ảnh,Trung Quốc đã bắt những người ở Myanmar họ cho là “thủ phạm các vụ lừa đảo, gây án làm chết công dân TQ” về Vân Nam

Trung Quốc cũng ra lệnh truy nã một số lãnh đạo bang Wa của Myanmar và bắt giữ cháu của một lãnh tụ vũ trang Wa khi người này sang thăm Trung Quốc.

Hôm 19/07 năm nay, truyền thông Anh đưa tin lãnh đạo ngành tình báo nước này, Sir Richard Moore nói với SkyNews rằng “Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình hình bi kịch ở Myanmar vì họ từng ủng hộ mạnh nhất cho chính quyền quân nhân”.

Sir Richard Moore nói về tình hình gần đây nhưng cho biết cách đây vài năm ông “có thăm Myanmar” và thấy rõ là tình hình “đi vào bi kịch”.

Mới tháng 5 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương của Trung Quốc thăm Myanmar và hội đàm với lãnh đạo chính quyền quân nhân, tướng Min Aung Hlaing.

Nay thì ông Tần Cương đã bị hạ bệ nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa cử ai thăm Myanmar, ngoài việc đưa ra những tuyên bố ngày càng cứng rắn yêu cầu trao nộp các trùm băng đảng và muốn các bên giao tranh “thi hành ngưng bắn, ổn định tình hình”.

Đây không phải là lần đầu tiên tình hình ở Kokang, bang Shan bất ổn.

Năm 2015, sau các giao tranh dữ dội với phiến quân tại đây, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng thiết quân luật ở Kokang.

Miền đất giáp biên này có lịch sử xung đột lâu dài và nhóm người Hán nói tiếng Quan thoại xuất hiện ở đây đã nhiều thế hệ.

Trong tiếng Trung, họ xưng là ‘Hán nhân Quả Cảm’ và tiếng Anh dịch là ‘Kokang Chinese’.

Tuy thế, các lãnh tụ của họ lại là những cựu quân nhân Quốc Dân Đảng chạy từ Trung Quốc sang Myanmar năm 1951 và sau này được Trung Quốc cộng sản thu phục.

Trong bức tranh sắc tộc đa dạng ở Myanmar, người Hoa Kokang sống ở phần phía Bắc bang Shan, nơi đa số dân thuộc tộc nói tiếng Thái và có quan hệ truyền thống với người nói cùng ngôn ngữ này ở Thái Lan và Vân Nam, Trung Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment