Thêm sáu phòng giao dịch của ngân hàng SCB đóng cửa hoạt động từ ngày 6/12

RFA
2023.12.05

sharethis sharing button

Thêm sáu phòng giao dịch của ngân hàng SCB đóng cửa hoạt động từ ngày 6/12

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên tiếp thông báo về việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch tại Hà Nội và nhiều địa phương khác

 Công Thương

Nhiều phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa từ ngày 6/12.

Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 5/12 dựa theo nội dung thông báo chấm dứt hoạt động sáu phòng giao dịch tại TPHCM của SCB phát hành cùng ngày. 

Theo đó, các phòng giao dịch của SCB sẽ không hoạt động từ ngày 6/12 gồm: Thị Nghè chi nhánh Tân Định, phòng giao dịch Hiệp Thành chi nhánh Hóc Môn, phòng giao dịch An Hội chi nhánh Hóc Môn, phòng giao dịch Lũy Bán Tích chi nhánh Thống Nhất.

Trước đó, SCB đã thông báo chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Bảy Hiền chi nhánh Thống Nhất và phòng giao dịch Nguyễn Thông chi nhánh Phạm Ngọc Thạch từ ngày 2/12.

Từ đầu tháng 6 đến nay SCB đã thông báo đóng cửa 39 phòng giao dịch tại chín tỉnh thành, gồm: TPHCM 27 phòng giao dịch, Hà Nội 5 phòng giao dịch, Hải Phòng 1 phòng giao dịch, Nghệ An 1, Bình Định 1, Đồng Nai 1, Đà Nẵng 1, Gia Lai 1 và Long An 1 phòng giao dịch.

Việc đóng cửa hoạt động của các phòng giao dịch của SCB là hệ lụy từ vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến việc khởi tố và bắt giam bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn này.

Theo kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (C03) – Bộ Công an, trước năm 2011, bà Trương Mỹ Lan – dù không giữ chức vụ quản lý, nhưng chi phối toàn bộ sắp xếp nhân sự cấp cao tại SCB.

Cơ quan điều tra cáo buộc bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn từ người dân và tổ chức, sau đó sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân của mình. Bằng cách lập hồ sơ vay vốn giả mạo, bà này đã chiếm đoạt 93% số tiền cho vay của Ngân hàng SCB.

Theo Cơ quan điều tra, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB, chiếm đoạt hơn 300.000 tỷ đồng. Bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. 

Trong vụ án lừa đảo này, Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trương Huệ Vân – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; Hồ Bửu Phương – nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP chứng khoán Tân Việt, Nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

Vụ bắt giữ các lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã dẫn đến làn sóng người đến đòi tiền tiếp kiệm tại các chi nhánh của SCB trên toàn quốc.

Bộ Công an cho biết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu.

Bài Liên Quan

Leave a Comment