- Tác giả,Frances Mao
- Vai trò,BBC News
Các nhóm đấu tranh cho nhân quyền ở Bắc Hàn nói có tới 600 người đào tẩu từ quốc gia này, đa số là nữ, “đã không còn tăm tích gì” sau khi Trung Quốc trục xuất họ về nước.
Tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã thực hiện hồi hương bắt buộc lớn nhất trong nhiều năm đưa những người Bắc Triều Tiên bị giam giữ về nước họ sau khi chính quyền ở Bình Nhưỡng bỏ các hạn chế chống Covid.
Vào lúc đó, các nhà hoạt động nhân quyền nói hành động của Bắc Kinh “gây rủi ro cho sinh mạng” những người bị bắt giữ.
Bị cho là “phản bội tổ quốc”, những người Triều Tiên đó có thể bị tra tấn, bạo hành tình dục hoặc bị xử tử, theo lời các nhà vận động.
Hôm thứ Năm tuần này, một nhóm nhân quyền đóng ở Seoul chuyên theo dõi những người bị giam cầm nói họ tin rằng có tới khoảng 600 người Bắc Hàn “biến mất” sau khi bị buộc phải hồi hương.
Vẫn biết là công tác thông tin trao đổi với những người ở bên trong quốc gia “đóng chặt cửa” như CHDCND Triều Tiên là việc rất khó khăn, nhóm vận động mang tên ‘Transitional Justice Working’ cho hay họ không thể nào liên lạc với bất cứ ai trong nhóm bị buộc hồi hương.
Em gái sống tại Anh của một trong số phụ nữ bị trục xuất về Bắc Triều Tiên nói với báo chí rằng bà lo cho tính mạng của người chị.
Kim Kyu nói chị bà, Kim Cheol-ok “chỉ phạm mỗi một tội là sinh ra ở Bắc Triều Tiên. Tôi vô cùng muốn chị ấy được sống an toàn”.
Không như bà Kim Cheol-ok, đa số những người bị đuổi về là phụ nữ vô danh.
Hồi tháng 10, các nhóm quan sát ghi nhận các chuyến xe bus và xe tải của Trung Quốc chở người bị nhốt trong các trung tâm giam giữ ở hai tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh của Trung Quốc đi về phía năm cửa khẩu biên giới với Bắc Hàn.
Những tổ chức nhân quyền xác định được rằng tù nhân đều là những người từng bị giam ở hai nhà tù Thẩm Dương và Thiết Bắc (Trường Xuân).
Chừng 300 người đã bị đưa về nước họ qua cửa khẩu Onsong hôm 09/10 và 180 người khác thì bị chuyển qua cửa khẩu Đan Đông cùng thời gian.
Chính quyền Trung Quốc chưa hề công nhận có chuyện trục xuất nói trên và không gọi người trốn khỏi Bắc Hàn là “đào tẩu” và cũng không cho họ quyền xin tỵ nạn mà chỉ coi họ là “di dân kinh tế”.