Chiến tranh Ukraina : Gặp khó khăn, Kiev buộc phải xét lại chiến lược quân sự

Cuộc phản công từ mùa hè thất bại, viện trợ quân sự của phương Tây cạn dần cùng với sự « mệt mỏi » của các đồng minh, tổng thống Volodymyr Zelensky trở về gần như trắng tay sau chuyến công du gấp gáp tới Washington. Giới quan sát phương Tây nhận thấy hoàn cảnh bế tắc hiện nay đang buộc Kiev phải xem lại chiến lược quân sự để có thể đối mặt với quân Nga đang có chiều hướng thuận lợi trên chiến trường.

Đăng ngày: 13/12/2023

Ukraine's President Volodymyr Zelenskiy listens to Commander of the Ground Forces colonel general Oleksandr Syrskyi as he visits a position of Ukrainian servicemen in the town of Kupiansk, amid Russia
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nghe tường trình của tư lệnh Lực lượng trên bộ Oleksandr Syrskyi khi đến thăm một vị trí của quân Ukraina tại Kupiansk, vùng Kharkiv, Ukraina, ngày 30/11/2023. via REUTERS – UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER

Anh Vũ

Theo nhật báo Pháp La Croix, hồi giữa tháng 11, khi trả lời phỏng vấn tuần báo Anh The Economist, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina Valery Zalouzhny đã thừa nhận cuộc phản công « thất bại », ngôn từ vẫn được là cấm kỵ ở Kiev từ trước tới lúc đó. Những tuần qua, bầu không khí u ám trở nên nặng nề thêm bởi việc gói viện trợ mới cho Kiev trị giá 61 tỷ đô la bị một bộ phận thiểu số trong đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội Mỹ chặn lại để làm con tin cho các yêu sách về chính sách nhập cư của chính quyền Biden.

Chắc chắn là cuộc chiến tranh tại Ukraina sẽ còn kéo dài. Ngoài ra, khả năng Nga giành chiến thắng trên chiến trường những ngày qua đã xuất hiện trong những phát ngôn chính thức ở Kiev. Andriï Lermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraina, hôm 05/12 vừa qua đã tuyên bố, « có nguy cơ lớn là chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến này », nếu Quốc Hội Mỹ không nhanh chóng thông qua khoản viện trợ quân sự đang bị đảng Cộng Hòa chặn lại.

Đó là lý do khiến tổng thống Volodymyr Zelensky mở chuyến công du chớp nhoáng đến Washington những ngày cuối năm này để trực tiếp gặp và thuyết phục các nghị sĩ, tổng thống Mỹ giải toả ngân sách viện trợ cho Ukraina. Trong khi đó, các quan chức cao cấp chính quyền của ông đang ngược xuôi các thủ đô châu Âu, cũng vẫn cùng mục tiêu là duy trì nguồn viện trợ từ các đồng minh cho cuộc chiến chống Nga xâm lược.

 Đây là lần thứ 3 ông Zelensky đến Mỹ kể từ đầu cuộc chiến tranh, nhưng chuyến đi lần này diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác. Ukraina đang cạn nguồn lực cho chiến tranh, hứa hẹn viện trợ quân sự mới của các nước đồng minh đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Liên minh « thần thánh » cam kết hậu thuẫn Kiev đến chiến thắng cuối cùng đang có nguy cơ rạn nứt vì mệt mỏi. Đối với Kiev, kịch bản tệ hại sẽ là các mảng hỗ trợ quân sự của phương Tây theo nhau sụp đổ, theo kiểu hiệu ứng domino. Tuy hiện tại chưa  thể nói Ukraina sẽ bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, năm 2024 dự báo đầy khó khăn cho Ukraina.

Giới quan sát ở phương Tây cho rằng viện trợ quân sự không phải là chủ đề thảo luận duy nhất giữa chính quyền Mỹ và Ukraina. Trong một bài báo đăng tải hôm thứ Hai (11/12), nhật báo Mỹ New York Times tiết lộ, các giới chức Ukraina và Mỹ hiện đang tìm kiếm một « chiến lược mới » để  giúp quân đội Ukraina khôi phục lại cơ hội mới đối phó với  Nga. Theo nhật báo Mỹ, ngoài sự hiện diện thường xuyên của một tướng Mỹ tại Kiev, tháng Giêng năm tới, các quan chức quân sự Ukraina và Mỹ dự kiến sẽ gặp nhau tại căn cứ quân sự ở Đức để bàn chi tiết về một chiến lược mới.

Bước chuyển hướng chiến lược của Ukraina đã được tổng thống Volodymyr Zelensky nhắc đến  hồi đầu tháng này với thông báo quân đội Ukraina đang « soạn thảo các kế hoạch, các chiến dịch tác chiến khác nhau để tiến nhanh hơn và tấn công bất ngờ Liên Bang Nga ». Vấn đề còn lại để xem các chiến dịch sẽ được tiến hành ra sao, có tạo được sự khác biệt gì so với chiến dịch phản công từ tháng 6 năm nay hay không.

Vẫn theo nhật báo New York Times, một số giới chức dân sự và quân sự của Mỹ ủng hộ chuyển thế trận ở Ukraina sang phòng thủ, bao gồm cả cố thủ trên mặt trận để giữ các vùng lãnh thổ đã kiểm soát, tiết kiệm nguồn nhân lực vật lực bằng cách hạn chế các cuộc tấn công tốn kém, đồng thời phục hồi lực lượng.

Tuy nhiên, chính quyền Ukraina lo ngại sẽ mất đi sự tập trung hỗ trợ của các đồng minh phương Tây nếu không đạt được thành công cụ thể trên chiến trường. Kiev cũng lo ngại khả năng Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào cuối năm 2024, đồng nghĩa với việc Kiev sẽ mất hết nguồn viện trợ Mỹ. Nếu những diễn biến « tiêu cực » như vậy xảy ra, Ukraina sẽ chỉ còn cách ngồi vào bàn đàm phán với Nga, điều mà cho cho đến giờ Kiev luôn từ chối. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment