Hong Kong: Các đại học co lại dưới sức ép từ Bắc Kinh

Đại học Trung Hoa Hong Kong ở đỉnh điểm của cuộc biểu tình năm 2019, với những chiếc ô biểu tượng
Chụp lại hình ảnh,Đại học Trung Hoa Hong Kong ở đỉnh điểm của cuộc biểu tình năm 2019, với những chiếc ô biểu tượng

  • Tác giả,Grace Tsoi
  • Vai trò,BBC World Service, Hong Kong

“Không còn ‘lằn ranh đỏ” nào ở Hong Kong nữa, một giáo sư ngành nhân văn khoảng 30 tuổi ở Hong Kong nói.

“Nếu họ muốn tìm bắt bạn, điều gì cũng có thể được dùng làm cái cớ”, giảng viên này không muốn tiết lộ tên thật vì những hậu quả có thể xảy ra.

Anh cho biết cơn ác mộng của mình là bị giới truyền thông do Bắc Kinh hậu thuẫn nêu tên và tấn công, điều có thể khiến anh mất việc hoặc tệ hơn là mất tự do.

Nỗi sợ hãi đó quét qua các trường đại học và giới học thuật ở Hong Kong, nơi từng thu hút những nhân tài hàng đầu. Hong Kong gần Trung Quốc nhưng cũng đủ xa để có các trường lớp tiến bộ, thư viện và kho lưu trữ đẳng cấp thế giới cho phép học tập tự do, thậm chí trong ngành nghiên cứu về Trung Quốc.

Nhưng các học giả và sinh viên nói với BBC điều này đã không còn đúng nữa, nhiều người chọn cách nói giấu tên vì sợ hãi. Trong năm học 2021/22, hơn 360 học giả đã rời 8 trường đại học công lập của Hong Kong. Theo dữ liệu chính thức, số lượng 7,4% là cao nhất kể từ năm 1997, khi Hong Kong trở lại dưới sự cai trị của Trung Quốc. Công tác tuyển sinh sinh viên nước ngoài đã giảm 13% kể từ năm 2019.

“Bầu không khí tự do đã không còn tồn tại và mọi người đang lo lắng”, Stephan Ortmann, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Metropolitan Hong Kong cho biết. Ông nói rằng nhiều đồng nghiệp của mình đã rời đi và những người ở lại đang cảnh giác – ông đã nghe nói về việc các giáo viên đã bỏ tất cả tài liệu liên quan đến Hong Kong và Trung Quốc khỏi các khóa học của họ.

Các học giả cho biết, quá trình tự kiểm duyệt bắt đầu sau khi Luật An ninh Quốc gia (NSL) có hiệu lực vào năm 2020. Đạo luật sâu rộng nhắm vào bất kỳ hành vi nào được coi là ly khai hoặc lật đổ, cho phép chính quyền nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động cũng như công dân bình thường.

Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ ở Hong Kong vào năm 2019
Chụp lại hình ảnh,Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ ở Hong Kong vào năm 2019

Bắc Kinh cho biết luật mà họ thông qua sau các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ vào năm 2019, đã đưa Hong Kong “từ hỗn loạn đến quản trị”. Nhưng cũng từ đó đã biến đổi thành phố sôi động một thời này. Đã từng có những cuộc biểu tình, dù lớn dù nhỏ, gần như mỗi cuối tuần – nhưng giờ đây việc thể hiện sự bất đồng chính kiến một cách công khai là điều không thể tưởng tượng được.

Các kệ tại thư viện công cộng đã trống rỗng những cuốn sách quảng bá cái mà các quan chức gọi là “hệ tư tưởng xấu” và phim bị kiểm duyệt vì lý do an ninh quốc gia. Các nhà hoạt động dân chủ đã bị cấm tham gia các cuộc bầu cử địa phương “chỉ dành cho những người yêu nước” được tổ chức vào cuối tuần qua – nhưng những người nổi bật nhất trong số họ, một số người cũng là học giả, đang ở trong tù hoặc bị lưu đày.

‘Cảm giác rất khác’

Tại lối vào khuôn viên có trên đồi rộng lớn của Đại học Trung Hoa Hong Kong (CUHK), bảy nhân viên bảo vệ đang canh gác một bốt ra vào nơi các giảng viên, sinh viên và khách phải tự nhận dạng.

Kiểm tra an ninh được áp dụng vào năm 2021 – cùng năm mà hai cơ quan truyền thông ủng hộ dân chủ có ảnh hưởng là Apple Daily và Stand News, cùng hàng chục nhóm nhân quyền và công đoàn đã bị đóng cửa.

“Cảm giác rất khác,” một cựu sinh viên đến thăm trường ngày hôm đó nói.

CUHK là điểm nóng vào năm 2019, nơi những người biểu tình mặc đồ đen và cảnh sát chống bạo động sử dụng bom xăng, gạch, hơi cay và đạn cao su. Bây giờ ngôi trường không có dấu hiệu bất đồng chính kiến. Bức tường dân chủ, nơi từng dán đầy các áp phích ủng hộ dân chủ và các tờ ghi chú, đã bị gỡ và rào lại. Bức tượng Nữ thần Dân chủ, được dựng lên để tưởng nhớ hàng ngàn người đã chết trong cuộc đàn áp Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989, đã không còn nữa. Nó đã bị dỡ bỏ vào Giáng sinh năm 2021.

Không ai được phép đăng nội dung lên bức tường dân chủ tại Đại học Trung Hoa Hong Kong
Chụp lại hình ảnh,Không ai được phép đăng nội dung lên bức tường dân chủ tại Đại học Trung Hoa Hong Kong

Một sinh viên CUHK giấu tên cho biết: “Tôi và bạn bè chắc chắn cảm thấy bất lực. Tôi chọn học khoa học xã hội một phần vì phong trào xã hội… Tôi muốn học hỏi nhiều hơn và đóng góp nhiều hơn. Nhưng bây giờ thì làm được ít việc hơn”.

Anh đã bắt đầu tránh các khóa học có thể có tính nhạy cảm, chẳng hạn như các khóa về chính trị và lịch sử Trung Quốc. Anh cũng lo lắng rằng các tài liệu nghiên cứu mà anh viết có thể bị rò rỉ, bất chấp sự đảm bảo của trường đại học trong việc bảo vệ quyền riêng tư của sinh viên. Sự lo lắng của anh không phải là không có cơ sở vì Hong Kong hiện có đường dây nóng nơi mọi người có thể báo cáo người khác vi phạm luật NSL.

Anh không chắc chắn về tương lai mà thành phố quê hương sẽ mang lại cho bản thân. Anh biết những người bạn đã bỏ học đại học một năm sau khi đăng ký và cùng 140.000 người Hong Kong khác chuyển đến Anh theo thị thực đặc biệt cho phép họ sống và làm việc ở đó. Những người khác đang có kế hoạch rời đi sớm, anh nói.

“Hong Kong đang trên một quỹ đạo đi lên để trở thành một trung tâm học thuật xuất sắc bên ngoài Phương Tây”, một chuyên gia về Trung Quốc đã rời Hong Kong sau năm 2020 cho biết. “Thật đau lòng khi 20 năm tiến bộ đã bị phá bỏ [bởi NSL].”

Tiến sĩ Ortmann, người đến Hong Kong vào năm 2011, cũng thất vọng về việc thành phố này mất đi vị thế là một trung tâm học thuật về Trung Quốc: “Hong Kong cho phép tiếp cận với nhiều nguồn thông tin một cách tuyệt vời. Nhưng điều đó chắc chắn đã trở nên kém phần quan trọng khi khả năng tiếp cận nhiều nguồn tin đã biến mất.”

Đại học Bách khoa Hong Kong, nơi cảnh sát và sinh viên đụng độ dữ dội trong cuộc biểu tình năm 2019
Chụp lại hình ảnh,Đại học Bách khoa Hong Kong, nơi cảnh sát và sinh viên đụng độ dữ dội trong cuộc biểu tình năm 2019

Ngay cả việc trở thành chuyên gia về Trung Quốc cũng khiến bạn trở thành mục tiêu, ông nói. “Một đồng nghiệp của tôi, học giả về Trung Quốc, đã bị giữ lại ở hải quan khoảng 4 tiếng khi ông ấy từ Trung Quốc đại lục đến Hong Kong.”

“Họ đã không thích chúng tôi trong một thời gian dài, nhưng bẵt đầu ra tay nhằm vào chúng tôi sau năm 2019”, một học giả ngành nhân văn đã đi khỏi thành phố hai năm trước vì không được nhận hợp đồng dài hạn trong học viện, bất kể lời yêu cầu từ nhiều đồng nghiệp khác.

Một giảng viên khoa học xã hội cho biết số lượng đơn xin việc từ các giáo sư và học giả ở nước ngoài muốn tới Hong Kong đang cạn dần và nói thêm rằng ngay cả việc thuê trợ lý nghiên cứu cũng trở nên khó khăn.

Rất ít sinh viên ngành khoa học xã hội hoặc nhân văn ở Hong Kong hiện đang đăng ký học tiến sĩ và cơ hội để những người hoàn thành chương trình học đang giảm dần.

‘Tôi có thể dạy môn gì?’

Nhà sử học Rowena He lần đầu tiên đến Hong Kong vào tháng 7/2019 trong những tháng đầu của cuộc biểu tình. Cô biết việc này có thể gây nguy hiểm nhưng cô vẫn nắm lấy cơ hội.

Hong Kong là ngọn hải đăng cho cô He, học giả sinh ra và lớn lên ở Quảng Châu chuyên nghiên cứu về phong trào Thiên An Môn năm 1989. Cô ưa xem bộ phim bộ Hong Kong và luôn theo dõi giới phóng viên của thành phố đưa tin về những gì xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Cô cũng tham gia phong trào Thiên An Môn năm đó ở Quảng Châu.

Rowena He tại văn phòng của cô ở CUHK
Chụp lại hình ảnh,Rowena He tại văn phòng của cô ở CUHK

Tháng 10 năm nay, cô phát hiện ra đơn xin gia hạn visa Hong Kong của mình đã bị từ chối sau một năm chờ đợi. Cô bị cơ quan của mình, CUHK, sa thải vài ngày sau đó. Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu cho biết thị thực của giáo sư He đã bị từ chối như một phần của quy trình thường xuyên nhằm sàng lọc những người có thể “gây ra rủi ro về an ninh và hình sự”.

“Tôi chỉ cảm thấy buồn cho thành phố và người dân,” cô He nói. “Điều này sẽ có những tác động nghiêm trọng, rộng lớn hơn… mọi người sẽ hỏi, ‘Tôi vẫn có thể tiếp tục công việc học thuật của mình ở Hong Kong chứ? Tôi có thể dạy môn gì?'”

Cô nói rằng giáo trình của mình là một “cuộc hành trình khá đơn độc”, được đưa ra thảo luận công khai về các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo năm 1989 và cuộc đàn áp đẫm máu sau đó đã bị cấm ở Trung Quốc. Ngay cả internet cũng không có dấu vết của thời điểm quan trọng đó.

Nhưng điều này chỉ gia tăng mối quan hệ của cô với Hong Kong: “Tôi biết, dù thế nào đi nữa, hàng năm vào ngày 4/6, hàng chục ngàn người sẽ đến Công viên Victoria. Họ cùng nhau thắp lên những ngọn nến và nói với thế giới rằng chúng tôi vẫn ở đây, chúng tôi vẫn quan tâm, chúng tôi vẫn tưởng nhớ.”

Hong Kong, nơi luôn tổ chức buổi thắp nến lớn nhất để tưởng nhớ vụ thảm sát ngày 4/6, đã tổ chức buổi lễ cuối cùng vào năm 2019, sau đó thì bị cấm.

Hong Kong tổ chức lễ cầu nguyện cho vụ thảm sát Thiên An Môn năm 2019
Chụp lại hình ảnh,Hong Kong tổ chức lễ cầu nguyện cho vụ thảm sát Thiên An Môn năm 2019

Giáo sư He nói rằng cô cố gắng “không thu hút chú ý nhất có thể” tại CUHK, nhưng cô không kiểm duyệt các lớp học của mình. “Tôi từ chối sử dụng từ ‘gây tranh cãi’ hoặc ‘nhạy cảm’ để mô tả công việc của mình. Trách nhiệm cơ bản của tôi là giảng dạy sự thật lịch sử và các giá trị phổ quát.”

Cô đi ăn tối với các sinh viên của mình hàng tuần để có thể nói chuyện về những gì đang xảy ra trong thành phố.

“Chúng tôi có thể hỗ trợ lẫn nhau ngay cả khi chúng tôi đang sống trong sợ hãi.”

Sau đó vào tháng 2, tờ báo địa phương Văn Hối báo được Bắc Kinh hậu thuẫn đã gọi cô là đặc vụ của Phương Tây.

Là một chuyên gia về lưu vong chính trị, cô nghĩ mình biết đủ về trải nghiệm này. “Tôi nghĩ rằng tôi hiểu họ rất rõ. Đến lúc tôi phải mang theo một chiếc vali với tất cả quần áo của mình và chuyển từ căn hộ Airbnb này sang Airbnb khác, tôi bắt đầu cảm thấy hóa ra tôi chưa hiểu họ đủ”.

Nhưng tìm cảm ấm áp và ủng hộ của người dân ở Hong Kong và ở hải ngoại đã an ủi cô.

“Một thời đen tối sẽ tới. Nhưng xã hội dân sự sẽ chỉ chết khi chính người dân của họ bỏ cuộc. Chúng ta không nên từ bỏ Hong Kong.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment