Đức điều động binh sĩ tới Lithuania trong đợt khai triển đầu tiên ở ngoại quốc kể từ Đệ nhị Thế chiến

Thỏa thuận khai triển được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ có nhiều hiệp ước quốc phòng với các quốc gia Scandinavia.

Đức điều động binh sĩ tới Lithuania trong đợt khai triển đầu tiên ở ngoại quốc kể từ Đệ nhị Thế chiến

Xe tăng phòng không Gepard ở Eisleben, Đức. (Ảnh: Jens Schlueter/Getty Images)

Adam Morrow

Thứ tư, 20/12/2023

Đức sẽ khai triển một lữ đoàn chiến đấu thường trực tới Lithuania, quốc gia thành viên của NATO trong ba năm tới, theo một thỏa thuận được ký trong tuần này giữa Bộ trưởng Quốc phòng của cả hai nước.

Sau khi được thực hiện, hành động này sẽ là đợt khai triển quân đội thường trực ở ngoại quốc đầu tiên của Đức kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Lithuania: “Sườn phía đông hiện đang di chuyển về phía đông, và nhiệm vụ của Đức là bảo vệ khu vực này.”

Mô tả thỏa thuận này là “lịch sử,” ông Pistorius so sánh thỏa thuận với việc khai triển lực lượng đồng minh ở Tây Đức vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.

Ông Pistorius và Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas đã ký kết thỏa thuận này vào ngày 18/12 tại Lithuania.

Thỏa thuận kêu gọi từng bước khai triển một lữ đoàn quân đội Đức — khoảng 4,800 quân — tới Lithuania, lữ đoàn này sẽ ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn vào năm 2027.

Theo ông Pistorius, hầu hết binh sĩ sẽ đến vào năm 2025 và 2026.

Ông nói: “Tốc độ của dự án này cho thấy rõ ràng rằng Đức hiểu rõ thực tế an ninh mới.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ NATO.”

Lithuania, cùng với sáu quốc gia Đông Âu khác, gia nhập NATO vào năm 2004. Đây là làn sóng mở rộng NATO lớn nhất trong lịch sử liên minh phương Tây.

NATO đã có một nhóm chiến đấu đa quốc gia đóng quân tại Lithuania trong khuôn khổ sáng kiến Tăng cường Hiện diện Phía trước.

Đức hiện đang dẫn đầu lực lượng hùng mạnh với khoảng 1,200 quân, theo thỏa thuận mới, lực lượng này sẽ được đưa vào lữ đoàn sắp được khai triển của Đức.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trình bày tại một cuộc họp báo ở Vilnius, Lithuania, hôm 07/03/2023. (Ảnh: Ints Kalnins/Reuters)
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trình bày tại một cuộc họp báo ở Vilnius, Lithuania, hôm 07/03/2023. (Ảnh: Ints Kalnins/Reuters)

‘Những kịch bản tồi tệ nhất’

Lithuania, một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa thuộc Liên Xô cũ, có chung đường biên giới dài khoảng 285 dặm với Nga.

Lithuania cũng có chung đường biên giới dài khoảng 420 dặm với Belarus, một đồng minh chủ chốt của Nga.

Ông Anusauskas cho biết việc khai triển theo lịch trình của Đức là nhằm mục đích ngăn chặn điều mà ông gọi là “những kịch bản tồi tệ nhất.”

“Chúng ta phải sẵn sàng,” ông nói trong cuộc họp báo. “Nga vẫn là mối đe dọa chính đối với chúng tôi [Lithuania] và NATO.”

Về phần mình, Moscow vẫn chưa đưa ra bình luận nào liên quan đến kế hoạch khai triển quân của Đức.

Ông Laurynas Kasciunas, người đứng đầu ủy ban an ninh quốc gia của Nghị viện Lithuania, cho biết đất nước của ông sẵn sàng chi khoảng 0.3% GDP trong những năm tới để cung cấp cơ sở hạ tầng cho lượng binh sĩ chuẩn bị đến đóng quân.

Ông Kasciunas nói với các phóng viên vào hôm 18/12: “Tất cả các đảng chính trị [của Lithuania] — từ tả đến hữu — đều đồng ý rằng đây là ưu tiên hàng đầu.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ tìm thấy những nguồn lực cần thiết.”

Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9, Sư đoàn 1 của Lục quân Hoa Kỳ dỡ thiết bị chiến đấu, bao gồm xe tăng Abrams và xe chiến đấu Bradley, gần căn cứ quân sự Pabrade ở Lithuania hôm 21/10/2019. (Ảnh: Petras Malukas/AFP qua Getty Images)
Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9, Sư đoàn 1 của Lục quân Hoa Kỳ dỡ thiết bị chiến đấu, bao gồm xe tăng Abrams và xe chiến đấu Bradley, gần căn cứ quân sự Pabrade ở Lithuania hôm 21/10/2019. (Ảnh: Petras Malukas/AFP qua Getty Images)

Hiệp ước phòng thủ giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Scandinavia

Kể từ khi Moscow xâm lược miền đông Ukraine vào đầu năm ngoái, NATO đã tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới phía đông với Nga.

Cùng ngày Đức và Lithuania ký thỏa thuận khai triển quân đội, Phần Lan — thành viên mới nhất của NATO — đã ký một hiệp ước phòng thủ với Hoa Kỳ.

Hiệp ước này sẽ cấp cho quân đội Hoa Kỳ quyền tiếp cận rộng rãi tới Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài khoảng 830 dặm với Nga.

Được ký kết tại Hoa Thịnh Độn, thỏa thuận sẽ cho phép các lực lượng Hoa Kỳ nhanh chóng tiếp cận quốc gia Scandinavi này trong trường hợp xảy ra xung đột.

Hiệp ước cũng sẽ cho phép quân đội Hoa Kỳ cất giữ vũ khí và trang thiết bị cũng như tổ chức các cuộc tập trận thường xuyên trên lãnh thổ Phần Lan.

Về phần mình, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng hành động này “chắc chắn” sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Phần Lan.

Theo phát ngôn viên của Điện Kremlin, việc “cơ sở hạ tầng quân sự” của NATO có khả năng sẽ được đưa vào quốc gia lân bang Phần Lan sẽ “được xem là một mối đe dọa” đối với Moscow.

Hôm 19/12, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Phần Lan để bày tỏ sự không hài lòng.

Theo một tuyên bố của Bộ, vị đặc phái viên này được thông báo rằng Moscow sẽ không tán thành “việc NATO tăng cường tiềm lực quân sự ở biên giới của chúng tôi, vốn sẽ đe dọa đến an ninh của Liên bang Nga.”

Tuyên bố tiếp tục cho biết Nga sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại các quyết định hung hãn của Phần Lan và các đồng minh NATO.”

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối hết lần này đến lần khác của Moscow, Đan Mạch — một thành viên lâu năm của NATO — vẫn có kế hoạch ký một hiệp ước tương tự với Hoa Kỳ vào cuối tuần này.

Hôm 19/12, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói với các phóng viên rằng thỏa thuận 10 năm này trên thực tế có nghĩa là quân đội và thiết bị của Hoa Kỳ “có thể đóng quân vĩnh viễn trên đất Đan Mạch.”

Hoa Thịnh Đốn đã ký các hiệp ước tương tự với một số thành viên NATO khác, bao gồm Bulgaria, Cộng hòa Czech, Hungary, Na Uy, Ba Lan, Slovakia, và các quốc gia Baltic.

Đầu tháng này, Thụy Điển — hiện đang chuẩn bị gia nhập liên minh phương Tây — đã ký một thỏa thuận quốc phòng tương tự với Hoa Kỳ.

Bản tin có sự đóng góp của Reuters

Doanh Doanh biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment