Phe đối lập Nga muốn chống lại Putin nhưng “mạnh ai nấy làm”

Trong lúc báo chí quốc tế dồn sự chú ý vào nhà đối lập Nga Alexei Navalny, vừa được chuyển đến một trại giam ở Bắc Cực, tuần báo Pháp L’Express số 3781 ngày 21/12/2023, có bài phân tích về các nhà đối lập Nga khác, hiện sống lưu vong ở nước ngoài. Họ muốn « chống Vladimir Putin », nhưng « cái tôi quá cao », khó có thể hợp tác với nhau, tìm ra người lãnh đạo phong trào.

Đăng ngày: 28/12/2023

Alexeï Navalny lors d'un rassemblement de l'opposition à Moscou, le 29 février 2020.
Nhà đối lập Alexei Navalny trong cuộc biểu tình ở Matxcơva, Nga, ngày 29/02/2020. REUTERS – Shamil Zhumatov

Chi Phương

Mất liên lạc từ đầu tháng 12, Alexei Navalny, một trong những nhân vật tiêu biểu trong phe đối lập ở Nga, gần đây đã được chuyển đến trại tù Kharp, nằm ở phần đất Bắc Cực của Nga. Được coi là kẻ thù số 1 của điện Kremlin, Alexei Navalny phải thụ án 19 năm tù giam tại một trong những trại tù xa xôi hẻo lánh nhất nước Nga, vì tội “thành lập một tổ chức cực đoan”.    

Kêu gọi thành lập liên minh chống Putin      

Theo L’Express, trong lúc Alexei Navalny “lực bất tòng tâm”, chưa rõ khi nào được trả tự do, các nhà đối lập khác của Nga cũng đang tích cực hoạt động, tiêu biểu là Maxim Katz, với tài khoản Youtube hơn 2 triệu người theo dõi. Đến Israel từ năm 2022, kênh Youtube của Maxime Katz đăng tải các phân tích thời sự Nga thường nhật và thường chỉ trích chế độ của Vladimir Putin. Tham vọng của Maxime Katz là tập hợp tất cả các nhà đối lập Nga đang sống lưu vong, để “thực hiện chiến dịch bầu cử đặc biệt” nhằm chống lại việc Vladimir Putin tái tranh cử.    

Tuy nhiên, tham vọng này không dễ thực hiện được. Maria Pevchikh, chủ tịch của tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng do Alexei Navalny thành lập, đã từ chối lời mời thành lập liên minh ba bên, đặt Maxim Katz ngang hàng với Alexei Navalny và nhà đối lập Mikhail Khodorkovsky sống lưu vong ở Luân Đôn. Trên Blog của mình, Navalny đã bày tỏ phản đối liên minh này, và cho rằng Maxime Katz kẻ mạo danh, “thay vì hành động để biến mọi việc thành hiện thực”, Katz lại tổ chức các hội nghị để nâng cao“uy tín cá nhân của mình”.       

Theo L’Express, hai nhà đối lập từ lâu đã không ưa nhau. Năm 2014, Katz là một trong những người lãnh đạo chiến dịch tranh cử tổng thống của Alexei Navalny nhưng cả hai đã « chia tay » vì mâu thuẫn cá nhân. Cũng kể từ đó, Katz phản đối các chiến lược bầu cử của Navalny. Về phần mình, Alexei Navalny thì lại chỉ trích Katz vì sự hời hợt trong dự án chính trị của mình.    

Các nhà đối lập « cạnh tranh nhau », « coi mình là trung tâm »    

Tại Nga, từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, nhiều nhân vật đối lập chủ chốt đã đi sơ tán, sang Pháp, Anh, Đức, Mỹ hay Israel… Không có phương tiện và buộc phải hành động từ nước ngoài, những nhà bất đồng chính kiến Nga đã cố gắng tập hợp lại với hy vọng tác động đến lịch sử Nga. Thế nhưng, cho đến nay, họ chưa đạt được thành công đáng nói nào ngoài tuyên bố của “Lực lượng dân chủ Nga” của 28 hiệp hội phản chiến với 102 chữ ký. Tuyên bố bày tỏ ủng hộ chiến thắng của Ukraina, trả lại Ukraina các vùng đã chiếm đóng, bao gồm cả bán đảo Crimée, đồng thời lên án chế độ của Putin.   

Theo giám đốc trung tâm nghiên cứu Nga – Âu Á của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Pháp, Tatiana Kastouéva-Jean, dù những người này đồng thuận về những nguyên tắc chính, nhưng lại cạnh tranh lẫn nhau. Họ kết nối với nhau vì tham vọng cá nhân, cạnh tranh nhau giành để giành được nguồn tài trợ và ủng hộ từ phương Tây, cũng như vì những dự án chính trị cho một nước Nga “sau Putin”.     

Maxime Katz không phải là nhà đối lập duy nhất tự coi mình là trung tâm. Theo Dmitry Kolezev, blogger và nhà bình luận chính trị Nga, Alexei Navalny cũng tương tự, đều “từ chối hợp tác với các nhà đối lập khác vì cho rằng không cần họ và những nhà đối lập khác phải đến với ông ta”.   

Nhà nghiên cứu Morvan Lallouet, tác giả của cuốn L’homme qui défie Poutine (Tallandier, 2021), tạm dịch là ‘Người thách thức Putin’, nhận định rằng “quỹ chống tham nhũng của Navalny có cơ cấu chặt chẽ và khá mờ ám”. Có người thì gọi quỹ này như một giáo phái.   

Nga có những nhà đối lập chính trị nào khác ?   

Nhà đối lập Mikhaïl Khodorkovski, với khối tài sản tích luỹ được khi còn thân cận với Putin, được coi là một trong những nhân vật quyền lực. Sống lưu vong ở Luân Đôn từ 8 năm qua, trong khu phố xa hoa Marylebone, cựu tài phiệt Mikhaïl Khodorkovski đã tài trợ cho nhiều dự án chính trị, ví dụ kênh điều tra Dossier Center, sáng kiến Kovcheg – chuyên giúp đỡ những người sống lưu vong và Uỷ ban hành động Nga. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ vị triệu phú này. Được biết là người điềm tĩnh, Mikhaïl Khodorkovski đã khiến những người ủng hộ mình phải bối rối trong vụ nổi loạn của Evgueni Prigojine khi đề nghị ủng hộ lãnh đạo Wagner.   

Garry Kasparov, một nhà đối lập sống ở New York từ gần 2 thập kỷ qua, cũng không phải là người có khả năng tập hợp. Kasparov đã sáng lập “Diễn đàn tự do Nga” (Forum de la Russie libre), để tập hợp các nhà lưu vong chính trị, nhưng ông Kasparov bị coi là thuộc giới tinh hoa và có tính âm mưu. Chính Kasparov là người tuân theo thuyết âm mưu về “niên đại mới”, theo đó, Lịch sử chỉ bắt đầu từ năm 1000 và tất cả những gì xảy ra trước đó chỉ là viễn tưởng.    

Cách nay vài tuần, trong một cuộc phỏng vấn, Kasparov đã ám chỉ rằng Navalny là một “dự án của điện Kremlin”, và việc giam giữ nhà đối lập này được dàn dựng.      

Hoạt động chống chế độ Putin từ nước ngoài    

Tất cả những nhà bất đồng chính kiến này đều bị hạn chế về phương tiện hành động và mạng xã hội là công cụ duy nhất nhưng đây không phải là cách để kêu gọi một cuộc nổi dậy chống Putin.   

Nhà đối lập, Gennady Gudkov, từng là cựu nghị sĩ Nga, lưu vong ở Sofia giải thích với L’Express: “Nghĩa vụ đạo đức không cho phép chúng tôi làm như vậy bởi vì những người biểu tình sẽ bị đàn áp hoặc bị bắt giữ ngay lập tức”. Kể từ tháng 2 năm 2022, gần 20.000 người đã bị bắt ở Nga vì tham gia các cuộc biểu tình hoặc hành động phản đối chiến tranh Ukraina. Nhà báo Fédor Krasheninnikov, sống ở Bruxelles thì đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các hành động của họ ở nước ngoài: “Chúng tôi tổ chức các cuộc họp, chúng tôi ký các tuyên bố chung, nhưng mục đích là gì?” Trong khi đó, phe cực đoan trong “hội các nhà đối lập” thì kêu gọi nội chiến khắp nước Nga. Cuộc chiến giữa Israel và Hamas cũng là chủ đề gây chia rẽ phe đối lập.       

Trong bầu không khí chia rẽ, liệu có ai có khả năng đứng ra lãnh đạo ?    

 Phải kể đến trường hợp ở Bélarus, có thể xem như là hình mẫu, khi nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaia, ứng cử viên tổng thống 2020, đã tập hợp được tất cả các nhà đối lập Belarus trong các cuộc biểu tình lớn ở Minsk. Nghị sĩ châu Âu Bernard Guetta, thuộc nhóm Renew Europe, cho rằng cần phải có một hoặc 3 nhân vật « dám đặt mình lên trên các cuộc tranh luận chính trị » và « giải pháp là Navalny và các nhà đối lập sống lưu vong thành lập một mặt trận thống nhất, để có thể làm việc với các thể chế phương Tây».   

Nhà đối lập Dmitry Goudkov, từng là nghị sĩ Quốc Hội Nga, có khả năng hay không ? Hiện đang sống lưu vong tại Cộng hòa Síp, ông Goudkov được xem là người « có khả năng nói chuyện với tất cả mọi người », từ phe của Navalny cho đến nhà tài phiệt Khodorkovski, hay Maxim Katz.      

Phát ngôn của tổ chức Russie-Libertés, Olga Prokopieva cho biết : “Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraina nổ ra vào năm 2022, phần lớn người Nga lưu vong ở châu Âu là các nhà hoạt động hoặc những người đã tham gia vào các phong trào đối lập chính trị”. Họ đoàn kết lại, lập ra một mạng lưới những người Nga phản chiến, bao gồm cả những người ở trong nước Nga, và hoạt động hoàn toàn bí mật. Các tổ chức như Vesna hay Idite lesom, hỗ trợ lính Nga đào ngũ, là những tổ chức ít xuất hiện trên truyền thông hơn là các nhà đối lập chính.   

Nhà báo Nga Dan Storyev đảm bảo: “Chúng ta nên tập trung sự chú ý vào các phong trào hoạt động chính trị này, thay vì vào các nhân vật đối lập lớn”.   

Tại sao phe đối lập Nga bị chia rẽ ?  

Theo nhà văn Nga Iegor Gran, mối bất hoà hiện tại trong phe đối lập Nga là do các đặc vụ FSB thâm nhập. Các đặc vụ của Putin áp dụng các phương pháp kế thừa từ cảnh sát chính trị của Stalin, khiến các nhà đối lập bị mất uy tín.    

Hiện nay, nhiều nhà đối lập Nga cho rằng Vladimir Ossetchkine là một nhân vật “rất kỳ lạ” và đáng chú ý. Nhà sáng lập trang Gulagu.net, chuyên đưa tin về các vụ tra tấn trong các nhà tù ở Nga, Vladimir Ossetchkine, đã xin tị nạn chính trị ở Pháp vào năm 2015 và hiện sống ở Biarritz. Thế nhưng, mối liên hệ giữa Ossetchkine với chính quyền Nga rất mơ hồ. Theo kênh điều tra Proekt của Nga, Ossetchkine có thói quen “buộc tội” tất cả mọi người bị FSB mua chuộc.        

Irina Putilova, người cộng tác với tổ chức phi chính phủ OVD-Info, chuyên giúp đỡ các tù nhân chính trị, cho rằng “các đặc vụ của điện Kremlin có thể đóng giả là nhà hoạt động nhân quyền”. Các vụ người Nga bị đầu độc ở châu Âu cũng khiến những người lưu vong phải lo lắng. L’Express kết luận rằng, để tiêu diệt phe đối lập lưu vong thì có loại thuốc độc nào tốt hơn liều thuốc « hoang tưởng », khiến người ta mất niềm tin.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment