50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Việt Nam có thể làm gì với vị thế là nước yếu hơn?

Giáo sư Carl Thayer là nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm
Chụp lại hình ảnh,Giáo sư Carl Thayer là nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm

Sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023, các chuyên gia cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cần học cách cân bằng giữa hợp tác và đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Hợp tác là xu thế chung hiện nay và việc Việt Nam tăng cường hợp tác với Trung Quốc là điều tất yếu. Tuy nhiên, chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa luôn là vấn đề nhức nhối lâu dài trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt tại nhà riêng ở Úc, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, Carl Thayer, cho rằng trận hải chiến ngày 19/1/1974 đánh dấu bước đi đầu tiên trong hành động quyết đoán và đưa ra yêu sách chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.

Theo các sử liệu mà ông dẫn chứng, nếu nhìn lại 50 năm trước, sẽ thấy đó là bước đầu tiên của quá trình xâm lược thực sự của Trung Quốc, thông qua việc sử dụng vũ lực dưới mức lực lượng vũ trang, sẽ thấy chính VNCH đã nổ súng trước, giúp Trung Quốc củng cố luận điệu rằng họ chỉ phản công và tự vệ.

“Cũng từ đó dẫn đến việc [Trung Quốc] mở rộng và xây dựng các căn cứ ở Hoàng Sa, mà ngày nay chúng ta thấy đã mở rộng sang quần đảo Trường Sa,” nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm cho biết.

Thế lưỡng nan của chính phủ Việt Nam

Đã 50 năm trôi qua nhưng mức độ thông tin về Hải chiến Hoàng Sa vẫn hết sức hạn chế trong hệ thống giáo dục và báo chí ở Việt Nam. Trong khi đó, những người Việt Nam ở hải ngoại và một bộ phận trong nước coi sự hi sinh của hơn 70 người trong Hải chiến Hoàng Sa là đáng được tôn vinh.

Nhà nghiên cứu độc lập Song Phan từ Sydney cho rằng tiền thân của nhà nước Việt Nam hiện nay là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vốn trước đây đã có thái độ lập lờ trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa. Theo ông, những sách giáo khoa, bản đồ in hình Hoàng Sa cho Trung Quốc và công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 đã gây ra những hệ lụy khó sửa chữa trong vấn đề Hoàng Sa.

Bắc Kinh tới nay vẫn sử dụng thư của ông Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai năm 1958, nói đây là chứng cứ Việt Nam từ bỏ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

“Có lẽ vì thế nên chính phủ Việt Nam dè dặt đối với các phát ngôn có thể làm vị thế phe mà họ từng cho là tà ngụy có thể tỏa sáng hơn mình trong vấn đề bảo vệ chủ quyền vốn là vấn đề thiêng liêng đối với dân tộc,” ông Song Phan nói với BBC.

Chụp lại video,50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Việt Nam có thể làm gì với vị thế là nước yếu hơn?

Việc đề cao vai trò của VNCH với tư cách là nhà nước có chủ quyền tại Hoàng Sa và tôn vinh binh sĩ VNCH có vẻ có lợi cho lập trường chủ quyền của Việt Nam, nhưng điều đó có thể ảnh hưởng tới tính chính danh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong công cuộc mà họ gọi là chống Mỹ cứu nước và giải phóng miền Nam.

“Việt Nam thích nêu bật thành tích do lực lượng cộng sản thực hiện, và chính phủ hiện nay không muốn thừa nhận vai trò của những con rối của Mỹ, hay chế độ kẻ thù, trong vấn đề này [chủ quyền]”, Giáo sư Carl Thayer nhận định.

“Đối với bất kì một người khách nào đến Việt Nam như tôi, đều sẽ thấy rằng tinh thần chống Trung Quốc trên Biển Đông luôn âm ỉ, và có thể dâng cao mạnh mẽ như 2014, khi Việt Nam nổ ra các cuộc biểu tình, sau đó dẫn tới việc các nhà máy Trung Quốc bị đốt phá,” ông chia sẻ.

Ông Thayer cho rằng chính quyền hiện nay bắt đầu có sự thừa nhận miễn cưỡng, bằng chứng là vào năm 2014, kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, truyền thông Việt Nam đã được phép đưa tin về trận chiến. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều học giả nói Việt Nam không còn chia cắt mà đã thống nhất rồi, phải ghi nhận những người này là liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

“Chính phủ muốn thao túng và kiểm soát tinh thần dân tộc, hơn là đối mặt với tinh thần độc lập dân tộc từ người dân.”

“Và đó là thế lưỡng nan đối với chính phủ trong việc làm thế nào để dung hòa lòng dân với nỗ lực kiểm soát mối quan hệ với Trung Quốc của chính họ,” giáo sư Carl Thayer kết luận.

Các nhà hoạt động đặt hoa tưởng niệm tại Hà Nội vào ngày 19/1/2017, trong một cuộc biểu tình kỷ niệm 42 năm Hải chiến Hoàng Sa
Chụp lại hình ảnh,Các nhà hoạt động đặt hoa tưởng niệm tại Hà Nội vào ngày 19/1/2017, trong một cuộc biểu tình kỷ niệm 42 năm Hải chiến Hoàng Sa

Việt Nam có thể làm gì?

Từ 1974 trở đi, Trung Quốc bắt đầu thành lập các khu hành chính để quản lý và ban lệnh cấm đánh cá hàng năm được áp dụng từ vĩ tuyến 16 trở lên ở Biển Đông.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, tình hình ở khu vực trở nên bất ổn, thường có tin ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc truy đuổi khi đánh bắt cá gần quần đảo Hoàng Sa, hay như các sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, các vụ căng thẳng khác giữa tàu bè của hai nước…

Và cho tới tận ngày nay, khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào tháng 12/2023 và trao đổi với ông Nguyễn Phú Trọng thì vấn đề Biển Đông vẫn là vướng mắc chính trong mối quan hệ.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng nếu Việt Nam im lặng và chấp nhận những gì Trung Quốc đang làm và những điều khác thì sau này Trung Quốc có thể tranh luận rằng Việt Nam đã không phản đối, do đó Việt Nam đã chấp nhận luật của chúng tôi, và chấp nhận rằng những ngư dân này đang đánh bắt cá bất hợp pháp. Ông nhấn mạnh rằng thực tế không phải là như vậy.

Cũng theo ông, cách tiếp cận Việt Nam cần chú trọng là phải tiếp tục phản đối.

“Đối với mọi hành vi mà Trung Quốc khiêu khích hoặc thực hiện, Việt Nam đều phải đưa ra tuyên bố ngoại giao hoặc khiếu nại với Trung Quốc để chứng minh rằng Việt Nam không chấp nhận những yêu sách và khẳng định của Trung Quốc.”

Một ngư dân ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đang sửa lưới đánh bắt cá
Chụp lại hình ảnh,Một ngư dân ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đang sửa lưới đánh bắt cá

Nhà nghiên cứu Song Phan nói với BBC rằng, so về thực lực, Việt Nam không thể sánh được với Trung Quốc về mọi mặt, do đó có vẻ ngoài cách tiếp cận pháp lý, Việt Nam hầu như khó có lựa chọn nào khác.

“Luật quốc tế hiện đại không còn thừa nhận việc thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực nên đây là một điểm yếu về mặt pháp lý của Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng Sa, nhất là với cụm đảo phía tây mà họ rõ ràng đã giành lấy được thông qua sử dụng vũ lực năm 1974. Do đó, đây chắc chắn là một điểm mà Việt Nam cần khai thác trong tuyên truyền và trong đấu tranh bằng pháp lý cho chủ quyền Hoàng Sa,” ông Song Phan nêu ý kiến.

Nhưng cũng theo ông, ngay cả trong cách tiếp cận pháp lý, Việt Nam cũng không thể đưa ra vấn đề về giải quyết chủ quyền (trong tranh chấp chủ quyền tòa án quốc tế chỉ có thể thụ lý những vụ hai bên đều thừa nhận có tranh chấp và cùng đồng ý đưa ra tòa) mà chỉ có thể làm tương tự như cách Philippines đã làm, chẳng hạn nhờ tòa tái xác nhận tính vô hiệu của đường lưỡi bò phần phía Việt Nam, khẳng định các thực thể địa lý ở Hoàng Sa chỉ là các đảo đá không có vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam… tức là những vấn đề chỉ liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS.

“Nếu được tòa xử thắng như Philippines trong những vấn đề trên chẳng hạn (mà tôi tin khả năng thắng rất cao), thì Việt Nam có cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để đấu tranh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế mỗi khi Trung Quốc xâm phạm các quyền trên biển của mình như trong vụ đặt giàn khoan năm 2014, các vụ khảo sát địa chất năm 2019, 2020, các vụ quấy rối thăm dò, khai thác ở khu vực bãi Tư Chính mấy năm gần đây, các vụ hiếp đáp ngư dân thường xuyên ở khu vực Hoàng Sa…”

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng nhấn mạnh rằng hiện nay và có vẻ trong tương lai, Việt Nam bị ràng buộc rất sâu đậm với Trung Quốc, nhất và về chính trị và kinh tế, nên việc chọn thời điểm để thực hiện lựa chọn pháp lý này cũng là điều cần cân nhắc cẩn thận vì nguy cơ bị trả đũa với tác động xấu khó lường.

“Các cách nói ‘giành lại Hoàng Sa’ hay ‘đòi lại Hoàng Sa’ chỉ là những khẩu hiệu nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam hết đời này sang đời khác khắc ghi rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của cha ông để lại mà họ có nhiệm vụ phải tìm cách khôi phục lại dù cho đến chừng nào, chứ khó có thể có tính thiện thực ngay cả trong một tương lai không gần,” ông Song Phan đánh giá.

Bài Liên Quan

Leave a Comment