Gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản phá sản, ngừng kinh doanh trong năm 2023

RFA
2024.01.20

sharethis sharing button

Gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản phá sản, ngừng kinh doanh trong năm 2023

Ảnh minh họa: Các tòa nhà cao tầng nhìn từ phía sông Sài Gòn.

Reuters

Có gần 5.000 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn trong năm 2023.

Đó là thông tin do đại diện Bộ Xây dựng cho truyền thông hay trong ngày 20/1.

Trong đó, có 1.286 doanh nghiệp phá sản, giải thể, tăng 7,7%, và 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 47,4%, so với cùng kỳ năm trước.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết bất động sản là ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất trong năm 2023, chỉ khoảng 4.725 doanh nghiệp, giảm khoảng 45% so với cùng kỳ.

VARS xác nhận bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản.

Trong báo cáo của mình, VARS nêu rằng: “Các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần hoặc là lỗ hoặc lợi nhuận có thể giảm tới 80 – 90% so với cùng kỳ các năm trước”.

Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do trong năm 2023 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản đối đầu với ba khó khăn, thách thức lớn. Đó là vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên…

Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân, công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ, dừng triển khai.

Bài Liên Quan

Leave a Comment